Giải quyết dứt điểm tình trạng lãng phí của các dự án chậm đưa vào sử dụng

Kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 cho thấy có 91/115 bộ, cơ quan trung ương, địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức bình quân cả nước, có đơn vị có tỷ lệ giải ngân dưới 10% kế hoạch vốn.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Ảnh: An Đăng – TTXVN

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Ảnh: An Đăng – TTXVN

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 15/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc phê chuẩn văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len; cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023.
Trình Quốc hội việc phê chuẩn văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len
Trình bày Tờ trình về việc phê chuẩn Văn kiện gia nhập CPTPP của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phan Thị Kim Oanh cho biết, ngày 1/2/2021, Vương quốc Anh đã chính thức gửi đơn gia nhập CPTPP. Trên cơ sở đó, quá trình đàm phán gia nhập giữa Vương quốc Anh với các nước CPTPP đã được tiến hành. Việt Nam đã đạt được mục tiêu trong việc yêu cầu Vương quốc Anh có cam kết mở cửa thị trường ở mức cao để bảo đảm phù hợp với tiêu chuẩn của Hiệp định.
Trải qua nhiều cuộc họp các cấp, ngày 31/3/2023, các nước thành viên CPTPP và Vương quốc Anh thông qua tuyên bố kết thúc đàm phán gia nhập CPTPP. Ngày 16/6/2023, được sự ủy quyền của Chính phủ, trong khuôn khổ Phiên họp Hội đồng CPTPP cấp Bộ trưởng lần thứ 7 tại New Zealand, Bộ trưởng Bộ Công Thương cùng Bộ trưởng các nước CPTPP và Vương quốc Anh đã ký Văn kiện gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh, đưa nước này thành thành viên ký kết thứ 12 của Hiệp định.
Chính phủ đề xuất phê chuẩn Văn kiện tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XV để Việt Nam nằm trong nhóm 6 nước CPTPP đầu tiên phê chuẩn Nghị định thư. Việc sớm phê chuẩn và thực thi các cam kết trong Nghị định thư sẽ giúp hiện thực hóa những cơ hội tiếp cận thị trường Vương quốc Anh cho hàng hóa Việt Nam, từ đó góp phần củng cố và tăng cường quan hệ thương mại - đầu tư song phương giữa hai nước; nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam trong việc tích cực thúc đẩy hợp tác kinh tế trên bình diện quốc tế.

Trình bày Báo cáo thẩm tra về việc phê chuẩn Văn kiện, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà nhấn mạnh, việc phê chuẩn Văn kiện gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh thể hiện quyết tâm chính trị cao, phù hợp với chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta và có tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đối với các thư song phương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh về xác nhận việc Việt Nam áp dụng cam kết mở cửa thị trường về lĩnh vực Mua sắm của Chính phủ cho Vương quốc Anh (cũng như dành cho các nước thành viên CPTPP) có nội dung cam kết khác với Hiệp định UKVFTA, Thường trực Ủy ban Đối ngoại đề nghị Chính phủ khẩn trương chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan tiến hành rà soát việc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật hiện hành hoặc ban hành văn bản pháp luật mới (nếu cần thiết) để hướng dẫn thực thi các cam kết về Mua sắm chính phủ trong các hiệp định này.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí trình Quốc hội về việc phê chuẩn Văn kiện gia nhập CPTTP của Vương quốc Anh và Bắc Ireland tại Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV.
Phó Chủ tịch Thường trực điều hành Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ hoàn thiện hồ sơ đầy đủ trình Quốc hội phê chuẩn văn kiện để gửi đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV; báo cáo bổ sung về những nội dung đã nêu tại báo cáo thẩm tra, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội phê duyệt văn kiện; kế hoạch thực thi sau khi Quốc hội phê duyệt văn kiện, đảm bảo cụ thể, chi tiết; đề nghị Chính phủ nghiên cứu, xây dựng dự thảo, nghị định của Chính phủ về ban hành biểu thuế xuất khẩu và nhập khẩu ưu đãi đặc biệt trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương để áp dụng đối với Vương quốc Anh và Bắc Ai-len; rà soát việc sửa đổi bổ sung các văn bản pháp luật hiện hành hoặc ban hành văn bản pháp luật mới để hướng dẫn thực thi các cam kết về mua sắm khi Vương quốc Anh và Bắc Ai-Len chính thức trở thành thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương; đề nghị Ủy ban Đối ngoại tiến hành thẩm tra chính thức sau khi Chính phủ bổ sung đầy đủ hồ sơ…
Giải quyết dứt điểm tình trạng lãng phí tài nguyên đất đai của các dự án chậm đưa vào sử dụng
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023 cho biết Chính phủ đã hoàn thành khối lượng lớn các nhiệm vụ lập pháp; quan tâm chỉ đạo ban hành, sửa đổi, bổ sung định mức, tiêu chuẩn, chế độ trên các lĩnh vực; ban hành nhiều chính sách và giải pháp thực hiện chính sách tài khóa, miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và thu ngân sách; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Công tác quản lý, sử dụng tài sản công cơ bản chặt chẽ, tiết kiệm từ khâu đầu tư, mua sắm đến khai thác, sử dụng. Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công tiếp tục cập nhật, vận hành có hiệu quả. Nhiều Bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt việc rà soát, sắp xếp, bố trí lại trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp.
Chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng tài nguyên được quan tâm, hoàn thiện. Công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản được tăng cường; chú trọng chuyển đổi xanh, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai.
Công tác cải cách hành chính, thủ tục hành chính, áp dụng dịch vụ công trực tuyến, xây dựng kinh tế số, Chính phủ số, xã hội số có nhiều kết quả tích cực. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, có nhiều chuyển biến.
Tuy nhiên, một số Bộ, ngành chưa thực hiện đúng kế hoạch lập pháp, còn tình trạng chậm đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; có dự án luật khi trình chưa bảo đảm chất lượng, hồ sơ chưa đúng quy định; tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật, Pháp lệnh tiếp tục diễn ra. Sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định trong hệ thống pháp luật về đầu tư, đất đai, bất động sản, nhà ở, xây dựng, quy hoạch cũng như việc thực thi thiếu nhất quán của một số địa phương khiến cho việc triển khai các dự án đầu tư gặp nhiều khó khăn, ách tắc, lãng phí, nhiều dự án phải dừng thi công do vướng thủ tục pháp lý, doanh nghiệp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp…
Kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 cho thấy có 91/115 bộ, cơ quan trung ương, địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức bình quân cả nước, có đơn vị có tỷ lệ giải ngân dưới 10% kế hoạch vốn. Việc triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia tiếp tục chậm, làm lãng phí, giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, ảnh hưởng lớn đến mục tiêu của các chương trình. Tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách trung ương nhất là kinh phí sự nghiệp thấp, chỉ đạt 46,77% kế hoạch bao gồm cả vốn năm 2022 được kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân sang năm 2023. Tình trạng lãng phí tài nguyên đất đai của các dự án chậm do đưa vào sử dụng, để hoang hóa, đất của các nông lâm trường; các dự án bị dừng thực hiện sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán chưa được giải quyết dứt điểm. Còn 404/908 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng với diện tích là 18.308/28.155 ha chưa được xử lý.
Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách nhất trí với Báo cáo của Chính phủ, đồng thời đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo giải quyết kiến nghị của cử tri về siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đẩy mạnh công tác sắp xếp lại cơ sở nhà, đất, tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công; giải quyết dứt điểm tình trạng lãng phí tài nguyên đất đai của các dự án chậm đưa vào sử dụng, để hoang hóa, đất của các nông lâm trường, các dự án bị dừng thực hiện sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên nước, nhất là trong sản xuất nông nghiệp.

Đỗ Bình/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/giai-quyet-dut-diem-tinh-trang-lang-phi-cua-cac-du-an-cham-dua-vao-su-dung/333210.html