Giải quyết khiếu nại, tố cáo bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân

Thời gian qua, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân có những chuyển biến rõ rệt, với nhiều vụ việc phức tạp, tồn đọng kéo dài được giải quyết triệt để, dứt điểm, thấu tình đạt lý, tạo niềm tin cho nhân dân, góp phần ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước.

Thực hiện cải cách hành chính một cửa tại Bảo hiểm xã hội TP Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi). Ảnh: MINH TRÍ

Khiếu nại, tố cáo giảm mạnh

Theo Vụ Tiếp dân và xử lý đơn thư, Thanh tra Chính phủ, trong năm 2013, số lượng vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của các cơ quan Nhà nước giảm hơn 30% so với năm 2012, trong đó khiếu nại giảm 30%, tố cáo giảm gần 20%. Các cơ quan hành chính Nhà nước đã giải quyết hơn 39 nghìn trên tổng số gần 43 nghìn vụ việc khiếu nại, tố cáo, đạt tỷ lệ 88,8%. Đây cũng là tỷ lệ số vụ việc được giải quyết đạt cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Đối với 528 vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp kéo dài, trong đó chủ yếu liên quan đến các chính sách về đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng, đến nay Thanh tra Chính phủ phối hợp các bộ, ngành, địa phương rà soát 528 vụ việc, đạt tỷ lệ 100%, trong đó đã lên phương án giải quyết 475 vụ việc, đạt tỷ lệ hơn 89%. Qua đó, đã giải quyết, khôi phục quyền lợi và hỗ trợ cho người dân gần 1.400 tỷ đồng, hơn 35 ha đất ở và đất sản xuất. Đạt được kết quả này là do, ngay sau khi có Nghị quyết của Quốc hội và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ tồn đọng, phức tạp, kéo dài, Thanh tra Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ thực hiện quyết liệt và đồng bộ các giải pháp từ việc rà soát lại toàn bộ các vụ việc và lên phương án giải quyết cụ thể từng trường hợp, với phương châm tạo sự thuận lợi nhất cho người dân và vì quyền lợi chính đáng của người dân. Đồng thời, đề nghị các cơ quan chức năng xây dựng cơ chế và sửa đổi một số chính sách không còn phù hợp, nhất là trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng. Qua đó tạo được sự đồng thuận của người dân trong việc giải quyết các vụ việc.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Thanh tra Chính phủ, chất lượng, hiệu quả tiếp công dân thời gian qua chưa cao, nhất là cấp cơ sở. Qua trao đổi ý kiến với Vụ trưởng Vụ Tiếp dân và xử lý đơn thư, thuộc Thanh tra Chính phủ Nguyễn Hồng Điệp được biết, trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân, các cơ quan chức năng cũng gặp không ít khó khăn, như cơ chế chính sách giải quyết trong nhiều lĩnh vực đất đai thiếu đồng bộ, một số cơ quan Nhà nước, nhất là tại cơ sở chưa thật sự quan tâm đúng mức trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo dẫn đến sự bức xúc đối với người đi khiếu kiện, dẫn đến vượt cấp, kéo dài. Bộ phận tiếp công dân không giải quyết khiếu nại, tố cáo mà chỉ thực hiện chức năng nhận và chuyển đơn đến cơ quan khác giải quyết, một số địa phương khi phát hiện sai sót chưa mạnh dạn sửa sai và đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Một số thủ trưởng bộ, ngành, Chủ tịch UBND chưa trực tiếp tiếp công dân theo quy định. Bên cạnh đó, theo thống kê có tới 61% số trường hợp khiếu nại sai và gần 50% trường hợp tố cáo sai. Điều này cho thấy nhận thức và hiểu biết pháp luật của người dân còn hạn chế, cá biệt có một số đối tượng lợi dụng để xúi giục, kích động, lôi kéo người dân khiếu nại đông người, có hành vi quá khích, gây rối làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp khiếu nại, tố cáo dù đã được giải quyết dứt điểm nhưng người dân vẫn tiếp tục khiếu kiện kéo dài, gây khó khăn trong việc giải quyết.

Tập trung giải quyết các vụ phức tạp, tồn đọng

Xác định việc tập trung giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo, nhất là khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thanh tra Chính phủ đã xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể và phân công từng đơn vị nghiệp vụ theo dõi, giải quyết dứt điểm các vụ việc. Tiếp tục tăng cường phối hợp các bộ, ngành, địa phương trong việc tiếp công dân và giải quyết dứt điểm các vụ khiếu nại, tố cáo phát sinh ngay từ cơ sở với tỷ lệ hơn 85%, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người dân. Theo thống kê bước đầu, hiện nay cả nước có hơn 1.300 vụ việc phức tạp, tồn đọng cần tập trung giải quyết, trong đó tập trung chủ yếu khu vực phía nam với 840 vụ, đến thời điểm này đã giải quyết được 157 vụ. Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo và cung cấp phần mềm tiếp công dân, xử lý đơn thư cho các bộ, ngành, địa phương để phối hợp giải quyết hiệu quả. Đồng thời, công khai thông tin trong quá trình giải quyết và phương án giải quyết khiếu nại, tố cáo để người dân biết về quyền lợi và nghĩa vụ của mình, tạo sự đồng thuận giữa cơ quan chức năng và người dân. Tổ chức các đoàn công tác đến các địa phương để kiểm tra và phối hợp giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp ngay tại cơ sở. Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị các cơ quan chức năng tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách và có biện pháp chấn chỉnh hạn chế, yếu kém trong quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực như sử dụng đất, đầu tư, xây dựng, nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng khiếu nại, tố cáo.

NGUYỄN VĂN THÁI

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh:

Quá trình thực hiện giải quyết khiếu nại, tố cáo nếu phát hiện vi phạm pháp luật thì xử lý kịp thời, nghiêm minh, nếu có sai sót, bất hợp lý, thì điều chỉnh sửa đổi hoặc có phương án giải quyết phù hợp. Bên cạnh đó, xử lý kịp thời, nghiêm minh những cán bộ, công chức, nhất là những cán bộ, công chức có thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành công vụ không làm đúng chính sách, pháp luật. Người cán bộ tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo phải thật sự có tâm trong sáng và nhân hậu, phải gần dân hơn, phải đặt lợi ích của người dân như chính quyền lợi của mình.

Chánh Thanh tra TP Hải Phòng Trần Thị Uyên:

Việc thực hiện quy định người đứng đầu cơ quan đơn vị thực hiện tiếp công dân định kỳ tại trụ sở đã mang lại kết quả tích cực. Nhiều vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài đã được giải quyết kịp thời mà không cần qua các cơ quan trung gian. Bên cạnh đó, việc tiếp công dân theo định kỳ còn giúp người đứng đầu cơ quan, đơn vị kịp thời nắm bắt những yếu tố phát sinh trong cuộc sống do người dân phản ánh, từ đó có những chính sách hoặc sửa đổi chính sách phù hợp với thực tế của cuộc sống.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/22524702-giai-quyet-khieu-nai-to-cao-bao-dam-quyen-loi-chinh-dang-cua-nguoi-dan.html