Giải quyết khiếu nại tố cáo: Đặt mình vào vị trí người dân

Bên cạnh việc tăng cường đối thoại thì thái độ, trách nhiệm của cán bộ giải quyết khiếu nại là vô cùng quan trọng. Sự tích cực nhập cuộc, đặt mình vào vị trí của dân sẽ giải quyết được nguyện vọng của công dân một cách dễ dàng hơn.

Tình hình khiếu nại tố cáo ngày càng diễn ra phức tạp ở nhiều nơi với nhiều đoàn khiếu kiện đông người, thái độ thiếu kiềm chế, gay gắt… Phần lớn các khiếu nại tố cáo đều nảy sinh từ xã, phường mà chưa được giải quyết kịp thời, chính xác, khách quan.

Lợi dụng tình trạng này, một số tổ chức phản động còn kích động, lôi kéo người khiếu kiện, tạo sức ép lên chính quyền, cơ quan tiếp dân ở cấp Trung ương… Cần phải có giải pháp để công tác giải quyết khiếu nại tố cáo đạt hiệu quả.

Bài học từ không giải quyết khiếu kiện kịp thời

Theo đánh giá của Thanh tra Chính phủ, mặc dù đã tập trung nỗ lực trong tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, tuy nhiên việc giải quyết của cơ quan chức năng vẫn chưa liên tục, thường xuyên và chưa đạt hiệu quả cao, đặc biệt là đối thoại với công dân, phối hợp giữa Ban tiếp công dân Trung ương với các địa phương nơi có vụ việc và với Cục địa bàn của Thanh tra Chính phủ chưa chặt chẽ.

Nhiều vụ việc còn bị kéo dài, chất lượng tiếp công dân còn thấp, kết quả kiểm tra xác minh và quan điểm giải quyết tại nhiều vụ việc còn có ý kiến khác nhau… ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo thời gian qua.

Ban tiếp công dân Trung ương chủ trì cuộc đối thoại giải quyết khiếu nại tố cáo ở huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc.

Tiến sỹ Đinh Văn Minh, Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra (Thanh tra Chính phủ) cho rằng: “Nền quản trị của chúng ta chưa tốt. Khiếu nại, tố cáo là phản ứng của người dân khi các hoạt động quản lý làm chưa tốt, người dân không hài lòng, người dân phản ứng bằng việc thực hiện quyền khiếu nại tố cáo của mình.

Như vậy rõ ràng nền hành chính của chúng ta còn rất nhiều vấn đề, từ quá trình vận hành, quản lý, đặc biệt là vấn đề đụng chạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Mặc dù hệ thống pháp luật quản lý của ta đã cố gắng hoàn thiện nhưng vẫn bộc lộ nhiều bất cập. Đặc biệt là những luật liên quan đến lợi ích, nhất là lĩnh vực đất đai.

Luật Đất đai đã sửa đổi nhiều lần theo hướng đảm bảo lợi ích cho người dân nhưng quá trình thực hiện bộc lộ nhiều khiếm khuyết, chẳng hạn như vấn đề quản lý đất đai, quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng”.

Có thể đánh giá, nguyên nhân khách quan là hệ thống pháp luật còn thiếu thực tế nên việc giải quyết khiếu nại tố cáo còn gặp khó khăn. Nguyên nhân chủ quan là do tinh thần trách nhiệm của cán bộ các cơ quan nhà nước chưa cao, có trường hợp ngại đối diện với dân, ngại tiếp xúc, né tránh, trình độ năng lực của cán bộ giải quyết khiếu nại tố cáo chưa đạt yêu cầu. Giải quyết không tốt nên lâu dần người dân mất tin tưởng chính quyền cấp dưới, có xu hướng chạy lên cấp trên.

Tốt nhất là giải quyết thấu đáo từ cơ sở

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giải quyết khiếu nại là “sớm chừng nào, hay chừng ấy”. Tại Hội nghị công tác thanh tra toàn miền Bắc ngày 5-3-1960, Bác Hồ căn dặn: “Các cô, các chú phải làm thế nào đừng để nhiều thư khiếu nại gửi thẳng đến Bác, vì các địa phương giải quyết không tốt nên họ phải đưa đến Bác”.

Từ tư tưởng đó, Tiến sỹ Đinh Văn Minh nêu quan điểm: “Việc khiếu nại tố cáo bắt đầu từ cơ sở, liên quan đến cơ sở. Luật quy định trách nhiệm giải quyết khiếu nại chủ yếu ở cấp cơ sở, còn cơ quan cấp trên thì chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra. Phương châm giải quyết khiếu nại tố cáo là kịp thời, dân chủ, hướng về cơ sở, từ xưa đến nay vẫn vậy.

Bên cạnh việc đối thoại, phải có sự tham gia của các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là đối với những vụ khiếu kiện đông người. Một mặt đoàn thể giúp người dân có thông tin để thực hiện khiếu nại tố cáo đúng. Mặt khác, các đoàn thể thực hiện vai trò giám sát các hoạt động để chính quyền thực hiện đúng chức trách của mình. Hơn nữa, các đoàn thể cũng hỗ trợ cho chính quyền, đôn đốc kiểm tra việc giải quyết theo yêu cầu của pháp luật.

Để giảm số lượng khiếu nại tố cáo lên cấp trên thì trước tiên phải tăng cường trách nhiệm và năng lực ở chính quyền cơ sở. Hiện nay có tình trạng trên bảo dưới không nghe. Việc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm vẫn được tiến hành nhưng hầu hết không chỉ ra trách nhiệm cụ thể của ai để xử lý.

Theo quy định, lãnh đạo cấp tỉnh một tháng phải tiếp dân một lần, cấp huyện 2 tuần tiếp dân một lần. Nhưng thực tế quy định này chưa được thực hiện đúng. Người đứng đầu cấp cơ sở không quan tâm đến công tác giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo thì công tác đó không thể làm tốt được. Ngoài việc nâng cao năng lực, tinh thần trách nhiệm của chính quyền cơ sở thì phải thiết lập lại kỷ cương hành chính.

Cũng phải khẳng định, địa phương nào để khiếu kiện đông người, bức xúc thì người đứng đầu địa phương đó phải chịu trách nhiệm, bởi đó cũng là thể hiện năng lực yếu kém và trách nhiệm của người đứng đầu.

Trước mắt chúng ta phải có sự liên thông giữa các cơ quan, tin học hóa nối mạng để bất cứ cơ quan nào, hay đại biểu quốc hội cũng có thể tìm hiểu khi tiếp nhận khiếu nại tố cáo, nắm được quá trình giải quyết vụ việc để đưa ra hướng giải quyết chính xác.

Đối với cán bộ tiếp dân, ông Phan Văn Hải, Trưởng phòng tiếp dân 1, Ban tiếp công dân Trung ương cho rằng, cán bộ tiếp dân phải làm việc có tâm, biết chia sẻ với người dân, đặt mình vào vị trí của người dân để làm việc đến nơi đến chốn. Bên cạnh đó, cán bộ tiếp dân phải tự rèn luyện, nâng cao kiến thức toàn diện, nắm tâm lý, phân loại đối tượng người dân khiếu nại, biết đặc thù đặc điểm của từng công dân để có ứng xử phù hợp.

“Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, nhưng có lúc cán bộ tiếp dân phải có thái độ dứt khoát, không chỉ là ôn hòa…”. Bên cạnh việc tăng cường đối thoại thì thái độ, trách nhiệm của cán bộ giải quyết là vô cùng quan trọng. Sự tích cực nhập cuộc, đặt mình vào vị trí của dân sẽ giải quyết được nguyện vọng của công dân một cách dễ dàng hơn.

Tiến sỹ Đinh Văn Minh, Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra: “Các cuộc thanh tra trách nhiệm ngày càng nhiều nhưng kết cục vẫn chỉ là nhắc nhở, chấn chỉnh, chứ không quy kết được trách nhiệm và kiến nghị xử lý người vi phạm cụ thể. Một phần cũng bởi người đứng đầu còn nhiều trách nhiệm khác ngoài trách nhiệm giải quyết khiếu nại tố cáo. Một mặt phải đề cao trách nhiệm giải quyết ở cơ quan hành chính, nhưng về lâu dài thì phải chuyển vụ việc ra tòa án.

Tòa án giải quyết các tranh chấp hành chính là văn minh, chuyên nghiệp. Nhưng hiện ít có vụ việc được giải quyết theo hướng này. Bởi, cái gốc vẫn là vấn đề quản lý. Về lâu dài, trật tự quản lý hành chính phải đi vào nền nếp, quản lý bằng hồ sơ đầy đủ, khi đó vụ việc chuyển sang cơ quan tố tụng sẽ giải quyết triệt để nhất”.

Việt Hà

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/ban-doc-cand/bai-cuoi-dat-minh-vao-vi-tri-nguoi-dan-442728/