Giải quyết khiếu nại về đất đai: Không được làm qua loa!

Thu hồi đất để giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng là một trong những lĩnh vực mà cơ quan chức năng nhận được khiếu kiện nhiều nhất Để giải quyết tận gốc vấn đề phức tạp này, PV Báo Lao động Thủ đô đã có cuộc trao đổi với TS. Đinh Văn Minh - Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra (Thanh tra Chính phủ).

Theo ông Minh, quá trình đô thị hóa đang và sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ, sự gia tăng dân số lại ngày càng gây thêm áp lực lên quỹ đất hạn hẹp.

Nghị quyết Trung ương 12 vừa qua cũng nêu rõ, chuyển đổi cơ cấu kinh tế là bắt buộc, trong đó giảm tỷ lệ kinh tế nông nghiệp, tăng tỷ trọng kinh tế công nghiệp, dịch vụ là một định hướng quan trọng trong phát triển kinh tế và tất yếu dẫn đến việc thu hồi đất cho các dự án phát triển công nghiệp và dịch vụ.

Quy hoạch treo dẫn đến khiếu kiện

Việc thu hồi đất, nhất là đất nông nghiệp là công việc khó khăn, phức tạp, đặc biệt là khi đã nảy sinh những khiếu kiện, đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền phải tiến hành hết sức thận trọng, bao gồm cả trước, trong quá trình thu hồi đất và kể cả những vấn đề hậu thu hồi đất.

Mặc dù vậy, chúng ta phải nhận thức rằng việc nảy sinh các khiếu kiện thậm chí là khiếu kiện gay gắt trong quá trình thu hồi đất là điều không thể tránh khỏi. Do đó, vấn đề đặt ra đòi hỏi ý thức trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giải quyết tốt các khiếu nại, bảo đảm lợi ích của người dân góp phần giữ vững ổn định xã hội, điều kiện quan trọng cho sự phát triển đất nước.

Tổng kết công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo cho thấy tỷ lệ rất lớn các vụ khiếu nại, tố cáo xảy ra trong lĩnh vực đất đai, đặc biệt là thu hồi đất đai. Cùng với việc tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật, xin nêu ra một số giải pháp trong quá trình tổ chức thực hiện để nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực này.

PV: Theo ông, làm thế nào để nâng cao chất lượng giải quyết khiếu nại, giảm bớt khiếu nại tiếp về đất đai?

TS. Đinh Văn Minh.

TS. ĐVM: Cho đến nay chưa thấy có nghiên cứu về chất lượng giải quyết khiếu nại nói chung và khiếu nại về đất đai, khiếu nại về thu hồi đất nói riêng, Vì vậy, khó có tiêu chí để bàn về vấn đề này.

Tuy nhiên, có một thực tế có thể coi là một nghịch lý là các cơ quan có trách nhiệm đã cố gắng nhiều trong việc giải quyết, tỷ lệ các vụ việc được coi là “đã giải quyết” luôn đạt tỷ lệ rất cao, thường trên 80% những vụ việc thuộc thẩm quyền, nhưng số vụ việc khiếu nại về đất đai không có chiều hướng giảm mà lại tăng lên không ngừng.

Điều đó có nghĩa dù vụ việc khiếu nại đã được cấp có thẩm quyền giải quyết, song nó không được chấm dứt mà người khiếu nại tiếp tục khiếu nại đến cấp cao hơn. Điều này cho thấy, chất lượng và hiệu quả giải quyết khiếu nại còn chưa cao.

Nguyên nhân của tình trạng này có nhiều trong đó có việc người có thẩm quyền, do sức ép về trách nhiệm giải quyết, đã chỉ quan tâm trước hết là ban hành quyết định giải quyết theo đúng trình tự, thủ tục, thời hạn luật định mà chưa quan tâm nhiều đến hiệu quả của việc giải quyết, chưa quan tâm đến phương án đưa ra trong giải quyết của mình có khả thi hay không? Có được người khiếu nại chấp nhận hay không? Chưa quan tâm đến việc tìm ra sự đồng thuận giữa các bên trong tranh chấp.

Đặc biệt là chưa cố gắng thuyết phục người khiếu nại chấp nhận phương án giải quyết của chính mình. Nói một cách tiêu cực là giải quyết cho “xong chuyện”, cho hết trách nhiệm. Đây chính là vấn đề cần quan tâm và có biện pháp nâng cao trách nhiệm của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại trong việc nâng cao trách nhiệm đối với quyết định giải quyết thuộc thẩm quyền của mình.

Đây cũng phải coi là một trong những tiêu chí đánh giá hiệu quả của công tác giải quyết khiếu nại trong khi tiến hành thanh tra trách nhiệm giải quyết khiếu nại hành chính nói chung và đất đai nói riêng.

PV: Theo ông, các tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp có vai trò như thế nào trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực đất đai?

TS. ĐVM: Cần có quy định về sự tham gia của các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp trong giải quyết khiếu nại về thu hồi đất, bởi lẽ, đây là lực lượng đại diện cho quyền lợi của các hội viên.

Các tổ chức này vừa có thể tham vấn cho cơ quan nhà nước trong quá trình giải quyết nhưng đồng thời cũng có thể đóng vai trò là “trung gian hòa giải” để hạn chế sự xung đột giữa người có đất thu hồi đi khiếu nại với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Khiếu nại về đất đai nói chung và về thu hồi đất nói riêng vừa phức tạp vừa nóng bỏng do nhiều nguyên nhân như đã được phân tích. Chính vì vậy mà sự tham gia của các thiết chế có tính chất “trung gian” là rất cần thiết để làm giảm bớt tính chất gay gắt của những vụ việc này.

Sự tham gia của các thiết chế này có nhiều ý nghĩa cho quá trình giải quyết. Trước hết là việc nó mang lại những thông tin thiết thực, cụ thể cho cơ quan và người có thẩm quyền trong việc xác định những vấn đề mang tính lịch sử hình thành của diện tích đất bị thu hồi, xác định đối tượng thuộc diện đền bù giải tỏa.

Sự vào cuộc của các thiết chế trung gian, trước hết là các tổ chức chính trị xã hội tại địa phương cơ sở sẽ tạo ra sự thống nhất giữa nhà nước và người có đất bị thu hồi nhờ việc làm cho cư dân hiểu được mục đích, ý nghĩa cũng như lợi ích nhiều mặt của các công trình, dự án sẽ được triển khai sau khi thu hồi đất. Sự tham gia của các thiết chế trung gian là rất đáng kể trong việc tư vấn cho người dân mỗi khi có thắc mắc khiếu nại xung quanh việc thu hồi đất…

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hoàng Duy (Thực hiện)

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/giai-quyet-khieu-nai-ve-dat-dai-khong-duoc-lam-qua-loa-50148.html