Giải quyết tranh chấp bằng hòa giải, trọng tài: “Ì ạch” phát triển

Phán quyết của trọng tài có nguy cơ bị Tòa án tuyên hủy; 46% phán quyết trọng tài nước ngoài không được công nhận và thi hành tại Việt Nam; thỏa thuận hòa giải không hề có ý nghĩa ràng buộc... Đó là một trong những nguyên nhân khiến giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án “ì ạch” phát triển.

Theo các luật sư, trung gian hòa giải và tố tụng trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp thời hội nhập, nhưng vẫn chưa được ưa chuộng ở Việt Nam. Ảnh: TN

Ngày 13/6, Đoàn Luật sư TP Hà Nội phối hợp với Đoàn Luật sư TP Toulouse (Pháp) tổ chức “Khóa bồi dưỡng luật sư trong thủ tục trung gian hòa giải và tố tụng trọng tài”.

Lo chỉ để “trang trí” mà không được thi hành

Trung gian hòa giải và tố tụng trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp thời hội nhập, nhưng vẫn chưa được ưa chuộng ở Việt Nam. Cá nhân, tổ chức kinh doanh vẫn có xu hướng lựa chọn Tòa án như một phương thức giải quyết tranh chấp tối ưu.

Thống kê của Bộ Tư pháp cho thấy, từ năm 2011 - 6/2015, các Trung tâm trọng tài mới thụ lý 879 vụ việc, ban hành 586 phán quyết. Trong đó, mới có 180 phán quyết đã được thi hành xong với số tiền hơn 3,6 triệu USD và 300 tỷ đồng. Con số này quá nhỏ so với những tranh chấp thương mại cần được giải quyết trong thực tế.

Theo luật sư Đào Ngọc Chuyền, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội, một lý do cơ bản là nguy cơ phán quyết của trọng tài bị Tòa án tuyên hủy.

“Quy định một bên được gửi đơn lên Tòa án yêu cầu hủy quyết định trọng tài của Luật Trọng tài thương mại 2010 làm cho tố tụng trọng tài trở nên rất rủi ro”, luật sư Đào Ngọc Chuyền nói.

Thêm vào đó, phán quyết trọng tài lại được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự làm phức tạp thêm quá trình áp dụng phương thức giải quyết tranh chấp này.

Luật sư Vũ Ánh Dương, Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết, Việt Nam chưa được thừa nhận là “quốc gia thân thiện với trọng tài” khi có đến 46% phán quyết trọng tài nước ngoài không được công nhận và thi hành tại Việt Nam. Điều này làm làm tính hấp dẫn vì không chủ thể nào muốn có một phán quyết giải quyết tranh chấp chỉ để “trang trí” mà không được thi hành.

Hòa giải không có ý nghĩa ràng buộc

Trung gian hòa giải cũng chưa đủ độ “hấp dẫn”. Luật sư Hoàng Huy Được phân tích, theo quy định của pháp luật, vẫn còn tình trạng một bên yêu cầu tiến hành hòa giải tại trung tâm trọng tài, một bên lại đơn phương khởi kiện tới Tòa án. Thỏa thuận hòa giải không phải là căn cứ để Tòa án từ chối thụ lý vụ án.

Theo các luật sư, việc các bên có thỏa thuận hòa giải trở nên vô nghĩa hoặc có chăng cũng chỉ có ý nghĩa khuyến khích các bên giải quyết tranh chấp bằng phương thức này mà không hề có ý nghĩa ràng buộc của một quy định trong hợp đồng. Đáng nói, pháp luật hiện hành chưa có cơ chế để bảo đảm tính bí mật của các thông tin và tài liệu trong quá trình hòa giải. Trong khi, nguyên tắc bí mật là nền tảng cho sự thành công của thủ tục hòa giải.

Để các bên yên tâm với phương thức hòa giải khi có tranh chấp thương mại, luật sư Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, pháp luật cần ghi nhận những hiểu biết về thông tin mà hòa giải viên có được trong quá trình hòa giải là bí mật nghề nghiệp và hòa giải viên có nghĩa vụ từ chối khai báo những thông tin này.

Ngoài ra, tất cả các thông tin, tài liệu các bên đưa ra trong quá trình hòa giải phải được đảm bảo bí mật và không thể trở thành chứng cứ nhằm chống lại một bên trong tố tụng tại Tòa án hay trọng tài.

Luật sư Anne Faure, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Toulouse (Pháp) nhấn mạnh, luật sư cần khuyến khích khách hàng sử dụng phương thức giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án và phải nắm được kỹ năng để giúp khách hàng áp dụng hiệu quả, đặc biệt là tranh chấp dân sự, thương mại, xã hội như ở nhiều quốc gia.

Còn luật sư Hoàng Huy Được hy vọng, tình hình sẽ được cải thiện với việc hoàn thiện thể chế về trọng tài thương mại, trung gian hòa giải và đáp ứng quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng của Việt Nam.

Thảo Nguyên

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/phap-luat/hoan-thien-the-che/giai-quyet-tranh-chap-bang-hoa-giai-trong-tai-i-ach-phat-trien_t114c1160n104734