Giải quyết xung đột vùng Vịnh: Chặng đường gian nan

GD&TĐ - Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết, những nỗ lực ngoại giao của ông trong việc giải quyết các vấn đề rắc rối giữa Qatar và 4 nước Ả Rập láng giềng có thể mang đến nhiều khả năng đàm phán giữa các bên hơn, tuy nhiên ông cũng cảnh báo rằng việc giải quyết tranh chấp “có thể mất nhiều thời gian”.

Vai trò của Mỹ

“Theo quan điểm của tôi, cần có một sự thay đổi về ý thức để ít nhất có thể cởi mở trong đàm luận với các bên khác, và đó không phải là điều đã có trong trường hợp này, trước khi tôi tham gia” - ông Tillerson cho biết khi ông rời Quatar - “Chúng tôi đã đưa ra một số tài liệu cho cả hai bên, đồng thời đưa ra một số giải pháp để có thể tiến về phía trước”. Tuy nhiên, vị ngoại trưởng cũng cho biết thêm rằng một số chủ đề đang trở nên phức tạp, chính vì thế, có thể sẽ mất thêm thời gian để có được “giải pháp triệt để cuối cùng”.

Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ đã đi lại như con thoi giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Kuwait, Ả-rập Xê-út và Qatar trong nỗ lực nhằm giải quyết cuộc tranh chấp vốn làm phức tạp thêm sự ưu tiên của chính quyền ông Trump trong việc đánh bại IS. Tất cả các nước này đều là thành viên của liên minh chống IS, còn Qatar là nơi Mỹ đặt căn cứ quân sự lớn nhất ở Trung Đông.

“Cả bốn nước này đều rất quan trọng với Mỹ” - Tillerson thừa nhận - “Chúng tôi có mối quan hệ với cả bốn nước, đứng về quan điểm an ninh quốc gia mà nói, họ đều rất quan trọng với chúng tôi”.

Hiện nay, tranh chấp ở vùng Vịnh căng thẳng đến nỗi các nước này đều thể hiện thái độ lạnh lẽo, không hề thảo luận với nhau ở bất kỳ mức độ nào. Ông Tillerson cho biết, mục tiêu của ông là thúc đẩy để các nước vùng Vịnh sẵn sàng đối diện thảo luận về các vướng mắc. “Có một danh sách khá dài các vấn đề cần giải quyết, tuy nhiên, chúng tôi cũng cung cấp một số hướng dẫn để họ có thể suy nghĩ về cách giải quyết các vấn đề này” - ông Tillerson nói.

Những nhiệm vụ của ông giúp ông hiểu được mức độ nhạy cảm của các vấn đề, nhất là khi ông Tillerson đã thực hiện những cuộc thảo luận với từng bên của nhóm các nước láng giềng vùng Vịnh đang xung đột này, kể từ khi họ ngừng các nỗ lực ngoại giao ngày 5/6.

Bán láng giềng gần, mua anh em xa?

Ả-rập Xê-út, Bahrain, Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất và Ai Cập đã cắt đứt ngoại giao với Qatar khi cáo buộc nước này hỗ trợ khủng bố. Thậm chí, các nước này còn đóng không phận của họ đối với hãng hàng không Qatar, đồng thời cũng cấm công dân nước mình được du lịch hoặc sinh sống tại Qatar, sau khi đưa ra hạn định 14 ngày để những người gốc Qatar buộc phải rời khỏi các nước láng giềng, kể từ ngày 5/6.

Cuộc xung đột thể hiện thái độ bất bình từ lâu của các nước vùng Vịnh đối với chính sách ngoại giao của Qatar, trong đó có việc nước này hỗ trợ các nhóm Hồi giáo cũng như mối quan hệ của Qatar với Iran, vốn là đất nước có chung nguồn khí đốt lớn nhất thế giới với Qatar.

Các quan chức vùng Vịnh cho hay những hạn chế này sẽ giữ nguyên cho đến khi Qatar đáp ứng một loạt các yêu cầu, trong đó có việc cắt đứt quan hệ với Iran và “các nhóm khủng bố”, đóng cửa tổ chức truyền thông Al Jazeera, kết thúc sự hợp tác quân sự với Thổ Nhĩ Kỳ và ngừng xây dựng căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ Qatar, ngoài ra còn phải liên kết các chính sách ngoại giao, quân sự và chính trị để hòa hợp với các nước láng giềng. Qatar đã bác bỏ các yêu cầu này.

Một trong các biện pháp tiếp cận của ông Tillerson là cố gắng phá vỡ các lĩnh vực mà các nước này bất đồng ý kiến để dễ dàng giải quyết hơn. Những vấn đề đơn giản hơn sẽ giải quyết nhanh và sớm hơn, còn một số vấn đề phức tạp chắc chắn sẽ phải cần nhiều thời gian.

Trong chuyến đi của mình, ông Tillerson cũng ký kết một văn bản ghi nhớ giữa Mỹ và Qatar về chống khủng bố. Ngoại trưởng Mỹ cho rằng ông hy vọng việc này cũng sẽ giúp cho tiến trình giải quyết xung đột vùng Vịnh thuận lợi hơn.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/the-gioi/giai-quyet-xung-dot-vung-vinh-chang-duong-gian-nan-3555726-b.html