“Giải thưởng lớn” thiếu sức hút

(Toquoc)-Nói chính xác hơn, Giải bóng chuyền Grand Prix- hay còn gọi là Giải thưởng lớn- đang được tổ chức tại nhà thi đấu Việt Trì (Phú Thọ) chỉ thiếu sức hút đối với khán giả, còn trên thực tế nó đã “hút” được đầy đủ 16 đội bóng (cả nam và nữ) mạnh nhất Việt Nam hiện nay.

Nhìn vào giá trị tiền thưởng cũng như chiếc Cúp độc nhất vô nhị (mạ vàng) thì đúng thật xứng tầm với cái tên gọi của giải. Hơn nữa, với sự có mặt của các đội bóng hàng đầu khiến người ta dễ tin vào việc “kéo” khán giả tới sân dù trước khi giải diễn ra, nhiều báo chí đã cảnh báo về vấn đề này. Tính tới ngày 25/5, sau 4 ngày tranh tài, Giải bóng chuyền Grand Prix đã có 12 trận đấu được tiến hành. Tuy nhiên, trái với mong đợi của các nhà tổ chức, cũng như trái ngược với những giải bóng chuyền lớn được tổ chức trước đây, người hâm mộ Phú Thọ đến dự khán ngày một vơi. Khán đài Nhà thi đấu Việt Trì vắng tanh, vắng ngắt. Người dân Phú Thọ đã “bội thực” bóng chuyền! Nói không quá, với bóng chuyền nói riêng và thể thao nói chung, khán giả làm nên thành công của giải đấu. Không có khán giả hoặc quá ít khán giả, môn thể thao rất khó phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu, đặc biệt trong vấn đề xã hội hóa. Một cái nhà thi đấu với sức chứa vài ngàn người mà chỉ có chưa đến 200 khán giả thì đủ hiểu nó buồn thế nào. Năm ngoái, trong Cúp Hùng cũng tại nhà thi đấu này, các trận đấu đều đông kín khán giả. Có nhiều trận khán giả chiếm hết các lối đi và các khoảng trống trên sân đủ thấy sự hâm mộ của người dân vùng này đối với môn bóng chuyền. Vì sao một giải đấu được đánh giá lớn với quy mô và giải thưởng cao lại bi đát như vậy? Thực ra, không khó để trả lời câu hỏi này. Thực tế là khán giả Phú Thọ đã quá ngán với Cúp Hùng Vương kết thúc cách đây không lâu. Tại giải đấu này, 4 đội nam và nữ mạnh nhất vòng I giải vô địch Quốc gia thi đấu vô hồn, đánh như thể cho xong, nhiều trận còn bị chê là chẳng khác nào giải phong trào. Không phải các đội không thích danh hiệu, thế nhưng sau gần cả chục trận đấu căng thẳng tại vòng I giải vô địch Quốc gia, rồi Cúp Đức Long Gia Lai, các đội lại phải nhanh chóng “khăn gói” ra Phú Thọ để cho “kịp tiến độ” khiến không ít đội mệt mỏi. Trong khi đó ở Grand Prix lần này, chỉ nhiều hơn về số đội tham gia, còn trên thực tế thì vẫn những gương mặt quen thuộc ấy đấu với nhau, không có gì là lạ. Nếu như tính cả giải lần này, theo thống kê, chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng, những đội mạnh như Tràng An Ninh Bình, Hoàng Long Long An... sẽ phải thi đấu tới 17 trận (ngang với số trận thi đấu 1 năm của các đội hạng trung). Riêng tại nhà thi đấu Việt Trì cũng đã có 2 giải bóng chuyền liên tục được tổ chức. Theo giới chuyên gia và những khán giả được phỏng vấn cho biết, nguyên nhân khiến Grand Prix 2010 không “hút” được người xem tới sân bởi người dân Phú Thọ đã “bội thực” bóng chuyền. Hơn nữa, dù là Giải thưởng lớn nhưng thực tế giải đấu không có những cái mới, đáng xem. Có CLB đem đến giải hầu hết những vận động viên trẻ. Ngoài ra, điều kiện khách quan do sự nóng nực trên khán đài ngày nóng cũng như dột nước khi mưa cũng khiến khán giả ngại đến sân. Thực tế này một lần nữa cảnh báo tới các nhà tổ chức giải và Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam: Nguy cơ mất khán giả, mất nhà tài trợ sẽ hiện hữu nếu không sớm thay đổi cách làm. Thái Nguyên Nhân

Nguồn Tổ Quốc: http://www.toquoc.gov.vn/Thongtin/The-Thao-Su-Kien/Giai-Thuong-Lon-Thieu-Suc-Hut.html