Giải trí truyền hình: Tận diệt nhau

Na ná về nội dung, tương tự nhau về hình thức, tận thu những thành tựu cũ, bỏ quên những sáng tạo mới..., các chương trình giải trí truyền hình đang vô tình tận diệt nhau

Không chỉ Việt Nam, nhiều quốc gia khác cũng mua bản quyền những chương trình truyền hình thực tế ăn khách đình đám của nước ngoài về sản xuất. Tuy nhiên, thống kê mới nhất do cư dân mạng thực hiện cho thấy không có quốc gia nào mua bản quyền chương trình truyền hình thực tế về ca hát, nhảy múa nhiều như Việt Nam để sản xuất và phát sóng.

Chỉ ca hát, nhảy múa

Những chương trình ca hát, nhảy múa gần giống nhau về nội dung nhưng ở thế đối thủ cạnh tranh đều có mặt ở Việt Nam. Từ Vietnam Idol, The Voice, The X-Factor, Ngôi sao Việt, Vietnam got talent, Tôi là người chiến thắng, Tuyệt đỉnh tranh tài, Người bí ẩn, Gương mặt thân quen, Học viện ngôi sao… đến Thử thách cùng bước nhảy, Vũ điệu đam mê, Bước nhảy hoàn vũ, Cặp đôi hoàn hảo… đổ xô lên sóng truyền hình. Có khi một đêm, khán giả phải xem đến 3-4 chương trình diễn ra cùng lúc ở nhiều kênh truyền hình.

Sau thành công của Đồ rê mí, nhất là Giọng hát Việt nhí, các nhà sản xuất chương trình giải trí truyền hình đang tập trung cao độ cho những cuộc thi dành cho thí sinh nhí. Giọng hát Việt nhí, Vũ điệu tuổi xanh (phiên bản của So you think you can dance nhí), một phiên bản được đẻ ra từ Bước nhảy hoàn vũ là Bước nhảy hoàn vũ nhí hay chương trình tổng hợp nhưng thí sinh nhí vẫn được quan tâm rất nhiều là Vietnam got talent sẽ trở lại trong năm nay… Điều đó cho thấy thí sinh nhí có năng khiếu ca hát, nhảy múa đang được quan tâm đặc biệt ở thời điểm này.

Như nhiều chương trình khác, các đơn vị sản xuất các chương trình nêu trên cũng rơi vào những cuộc tranh giành thí sinh và chuẩn bị cho cuộc chiến giành khán giả. Để có thí sinh xuất sắc, ngoài việc thông báo tuyển sinh rộng rãi, nhà sản xuất các chương trình dành cho thí sinh nhí này phải đến các trung tâm, nhà văn hóa để tìm kiếm những giọng hát, vũ công triển vọng. Họ đã “đụng” nhau khi cùng nhắm đến các thí sinh nhí tiềm năng - những gương mặt có khả năng tạo sốt cho chương trình khi lên sóng truyền hình. Thậm chí, họ phải dùng “chính sách” chiêu mộ riêng của mình để giành thí sinh.

Đường đến ngõ cụt

Mới chỉ mùa giải đầu tiên nhưng Tuyệt đỉnh tranh tài không thể thu hút khán giả như mong đợi dù chương trình toàn gương mặt có công chúng. “Bản thân thí sinh đều quá cũ kỹ và họ cũng không có những đột phá trong mỗi đêm diễn như mong mỏi của khán giả nên sự hấp dẫn từ “ngôi sao” đã không mang lại hiệu quả” - một người trong giới chuyên môn nhận định.

Dù có nhiều ca sĩ nổi tiếng tham gia nhưng Tuyệt đỉnh tranh tài vẫn chưa thể thu hút khán giả như nhà sản xuất mong muốn Ảnh: Khôi Nguyên

Trước đó, chương trình Chinh phục đỉnh cao cũng kết thúc mà không để lại ấn tượng về mặt khán giả dù thí sinh là những ca sĩ tên tuổi. Điều này cho thấy không phải “cứ người nổi tiếng chơi là có khán giả”, như lời của một đại diện đơn vị sản xuất truyền hình có tiếng hiện nay khẳng định.

Khai thác người nổi tiếng trong các trò thi đấu truyền hình cũng đang đẩy các nhà sản xuất chương trình vào bế tắc, nhất là khi nhiều chương trình có nội dung tương tự. Người nổi tiếng không phải ai cũng muốn tham gia nên nhiều chương trình rơi vào tình trạng không còn thí sinh “hấp dẫn”. Bước nhảy hoàn vũ, Gương mặt thân quen là những ví dụ.

Bùng nổ các chương trình giải trí truyền hình về ca hát, nhảy múa tưởng chừng là nhu cầu của đời sống xã hội nhưng thực ra, đây là những cuộc chạy đua của các nhà sản xuất nhằm xí phần bản quyền rồi tiến đến cạnh tranh loại bỏ nhau. Chưa có con số thống kê cụ thể về số tiền các đơn vị sản xuất phải bỏ ra mua bản quyền phát sóng những chương trình truyền hình giải trí của nước ngoài nhưng theo ước tính của người trong giới, hàng chục triệu USD đã chi ra.

Tình trạng ngày càng nhiều chương trình na ná nhau ra đời đã khiến các nhà sản xuất khó tìm kiếm được nhà tài trợ. Doanh thu quảng cáo trong mỗi chương trình lên sóng cũng bị chia sẻ rất lớn. Thậm chí, nhiều chương trình đã lên sóng rồi nhưng vẫn chưa tìm ra nhà tài trợ. Khó khăn về tài chính cũng là nguyên nhân chính khiến chất lượng chương trình ngày càng giảm sút do phải cắt giảm kinh phí và quy mô đầu tư.

Sự xuất hiện những chương trình, phiên bản giống nhau về nội dung, cách thức thực hiện, chất lượng lên sóng làng nhàng như nhau ngày càng khiến cho khán giả cảm thấy chán.

Bế tắc ý tưởng

Dấu ấn là một dạng live show ca nhạc truyền hình vừa kết thúc chương trình thứ 9 trên sóng VTV9. Dù đôi lúc sự lựa chọn nhân vật “dấu ấn” có chênh lệch về đẳng cấp, vị thế, tên tuổi nhưng với công chúng yêu nhạc, Dấu ấn cũng mang đến ít nhiều thú vị khi có sự xuất hiện của nhiều nhân vật tên tuổi.

Theo chân Dấu ấn, Sol vàng - một live show truyền hình khác - cũng đã ra đời, khai thác những giọng ca dòng nhạc xưa. Tưởng chừng khác nhau nhưng suy cho cùng, Dấu ấn và Sol vàng đều giống nhau về hình thức, nội dung và cả cách thức thể hiện trong việc cố khắc họa chân dung một nhân vật có khán giả trong thời lượng 90 phút của sóng truyền hình.

Sự chi phối của khán giả truyền hình (nhiều đối tượng khán giả), thời lượng sóng truyền hình là điều khiến cho Dấu ấn hay Sol vàng giống hệt nhau ở chỗ: thật khó để tô đậm dấu ấn của một nhân vật. Vì vậy, mỗi chương trình diễn ra giống như điểm danh những ca khúc gắn liền với nhân vật đó trong chặng đường nghề nghiệp của họ. Vì vậy, nhàm chán là điều khó tránh khỏi khi những ca khúc được trình diễn theo kiểu “điểm danh” ấy quá quen thuộc với người nghe.

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-hoa-van-nghe/giai-tri-truyen-hinh-tan-diet-nhau-20140504220631914.htm