Giảm 100.000 chỉ tiêu tuyển sinh ĐH

So với tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2016 là 420.000 TS, thì chỉ tiêu tuyển sinh đại học năm nay giảm khoảng gần 100.000, tương đương 20%. Riêng chỉ tiêu khối sư phạm cũng giảm 20% so với năm ngoái...

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga vừa thông tin với báo giới đề cập các vấn đề quan trọng của ngành Giáo dục như việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học, kiểm định chất lượng giáo dục đại học, công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, an toàn trường học.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, theo báo cáo của các Sở GD-ĐT địa phương, tổng số TS sẽ bước vào kỳ thi THPT quốc gia 2017 là 955.000 TS (gồm TS THPT và TS tự do). Trong khi, chỉ tiêu tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng sư phạm thuộc quản lý của Bộ GD-ĐT năm nay là 392.000 TS; gồm 340.000 chỉ tiêu ĐH. Chỉ tiêu của riêng các trường sư phạm là 52.000 TS.

So với tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2016 là 420.000 TS, thì chỉ tiêu tuyển sinh đại học năm nay giảm khoảng gần 100.000, tương đương 20%. Riêng chỉ tiêu khối sư phạm cũng giảm 20% so với năm ngoái, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh.

Lý giải về điều này, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Bùi Văn Ga cho biết, từ năm 2015- 2016, chỉ tiêu của khối các trường sư phạm giảm mỗi năm 10%. Bộ GD- ĐT đang tiến hành quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm, dự báo nhu cầu đào tạo giáo viên để tính toán chỉ tiêu. Bởi qua kiểm tra, khảo sát, Bộ GD - ĐT thấy rằng nếu đào tạo sư phạm với chỉ tiêu như hiện nay thì số lượng dôi dư sẽ rất nhiều. Nên Bộ đã yêu cầu các cơ sở đào tạo giáo viên giảm 20% chỉ tiêu tuyển sinh so với năm 2016, Thứ trưởng Ga phân tích.

Đến thời điểm này, mọi công việc chuẩn bị cho kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2017, xét tuyển vào đại học, cao đẳng đang diễn ra đúng tiến độ, bao gồm chuẩn bị ngân hàng đề thi, tập huấn cho cán bộ, chuẩn bị phần mềm tuyển sinh… Từ ngày 1/4/2017 các TS bắt đầu làm thủ tục đăng kí dự thi và đăng kí xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Hiện nay, trên Cổng thông tin điện tử của Bộ GD-ĐT (http://moet.gov.vn) đã đưa phần mềm đăng kí dự thi để các Sở tập huấn cho cán bộ chạy thử phần mềm này, trong những ngày qua phần mềm chạy ổn định, chưa có vấn đề phát sinh.

Mới đây, Sở GD-ĐT Hà Nội đã tiến hành khảo sát chọn tổ hợp và môn thi trên diện rộng và nhận được kết quả khá bất ngờ là học sinh chọn thi môn Lịch sử và Địa lý cao hơn trước. Tất cả các trường đều có TS đăng kí thi 2 môn này.

Năm 2017, với 5/6 môn thi, bài thi sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm và chấm trên máy tính, hệ thống công nghệ thông tin phục vụ kỳ thi đã và đang được chuẩn bị theo hướng thông suốt, an toàn và chính xác. Mặt khác, để đảm bảo quyền lợi cho TS, năm 2017 Bộ vẫn cho phép TS đăng kí nhiều nguyện vọng. Bên cạnh đó, Bộ xây dựng phần mềm xét tuyển chung, hỗ trợ các trường hạn chế bớt số lượng TS “ảo”. Bộ cũng yêu cầu các trường chủ động có giải pháp khắc phục tình trạng TS “ảo” như: Xác định chỉ tiêu phù hợp với năng lực đào tạo và nhu cầu của thị trường lao động; nâng cao chất lượng đào tạo…

Cũng liên quan thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, trước đó, đại diện Bộ Lao động Thương binh và Xã hội bày tỏ lo ngại Bộ GD-ĐT lấy điểm sàn thấp, ảnh hưởng công tác tuyển sinh của các trường cao đẳng và trung cấp. Đây cũng là mối quan tâm của nhiều người.

Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết hiện tại, chưa thể nói gì về điểm sàn. Sau khi thi xong, bộ sẽ cân đối chỉ tiêu các nhóm ngành, họp và đưa ra mức điểm hợp lý. Ngoài ra, ông thông tin tổng chỉ tiêu tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng là 392.000, giảm khoảng 30.000 chỉ tiêu so với năm ngoái. Cụ thể, khối sư phạm tuyển 52.000 sinh viên (giảm 20%). Các khối còn lại tuyển 340.000. Nhiều trường sẽ không tuyển đủ chỉ tiêu. Do đó, với số lượng TS xấp xỉ 955.000, khối trường cao đẳng, trung cấp vẫn có nguồn tuyển dồi dào.

Uyên Na

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/giao-duc/giam-100000-chi-tieu-tuyen-sinh-dh-326507.html