Giảm áp lực đối với rừng đặc dụng

(ĐCSVN) - Đó là nội dung của đề án hỗ trợ phát triển sản xuất, ổn định đời sống nhân dân vùng đệm Vườn Quốc gia Bến En và Vườn Quốc gia Cúc Phương, đảm bảo sản xuất, đời sống cho nhân dân trong vùng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng giai đoạn 2009 – 2010 của Thanh Hóa.

Đề án được xây dựng trên cơ sở điều tra, đánh giá toàn diện về hiện trạng đất đai, tài nguyên thiên nhiên, tình hình sản xuất và đời sống của nhân dân 29 thôn thuộc vùng đệm VQG Bến En và VQG Cúc Phương, không được hưởng các chế độ chính sách theo Nghị quyết 30a. Trong đó, huyện Như Thanh có 5 xã, 15 thôn và huyện Thạch Thành có 3 xã, 14 thôn. Đây là những thôn thuộc khu vực vùng sâu, vùng xa, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, thu nhập bình quân đầu người đạt 2,4 triệu đồng/người/năm. Có 1.325/2.573 hộ nghèo (chiếm 51,5%), đời sống văn hóa nghèo nàn, một số tập tục lạc hậu ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân trong vùng. Mục tiêu của đề án nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề, từng bước nâng cao đời sống nhân dân 29 thôn trong vùng, giảm áp lực đối với rừng đặc dụng, góp phần xây dựng các VQG phát triển bền vững. Đề án cũng đã đưa những chính sách ban hành kèm theo cho các xã và hỗ trợ về đất đai cho các thôn thiếu đất sản xuất nông nghiệp, gồm thôn Biện, thôn Đồi (xã Thạch Lâm), thôn Xuân Hưng (xã Xuân Khang), thôn Xuân Lai (xã Hải Vân, thôn Lúng (xã Xuân Thái). Hỗ trợ, cải tạo phục hóa đất sản xuất lúa 1 vụ và trồng cây hàng năm, với mức hỗ trợ 5 triệu đồng/ha; Chính sách hỗ trợ công trình thủy lợi, khoán trồng, chăm sóc bảo vệ rừng, phát triển chăn nuôi bò và chính sách khuyến nông, sản xuất nông nghiệp và vay vốn lãi xuất ưu đãi, với tổng số vốn ước tính khoảng gần 50 tỷ đồng, tiến độ thực giải ngân vốn của đề án được thực hiện trong 3 năm từ 2010 - 2012. Với những nội dung đề án đưa ra và khẳng định nếu đề án được đưa vào thực thi sẽ có tác động rất lớn đến điều kiện phát triển kinh tế của vùng. Tuy nhiên, Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa cần hoàn chỉnh đề án để trình UBND tỉnh phê duyệt. Đồng thời nên phát triển đề án theo hướng đại trà, không nên phát triển theo mô hình. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét lại nguồn vốn đầu tư cho phù hợp, đặc biệt tập trung nguồn vốn để đề án đi vào thực hiện có hiệu quả. Nghiên cứu thêm có nên đưa cây cao su vào trồng trong vùng để phát triển thay thế cho các loại cây trồng khác không mang lại hiệu quả kinh tế cao như đề án đã đưa ra. Xây dựng các công trình thủy lợi, kênh mương, trạm bơm và đập phục vụ dẫn nước tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp. Tăng cường chức năng điều hành quản lý của chính quyền cấp xã đối với đời sống nhân dân vùng đệm và phát triển các khu rừng đặc dụng, hướng tới bảo vệ an toàn và phát triển bền vững các khu rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=365829&co_id=30085