Giảm căng thẳng cho tài xế xe buýt

24 năm làm nghề tài xế, có 14 năm lái xe buýt với nhiều năm là tài xế ưu tú và từng nhận danh hiệu “Vô lăng vàng”, ông Trần Trọng Minh đề xuất giải pháp để xe buýt hoạt động hiệu quả hơn.

Tài xế xe buýt tập trung lái trên đường Cộng Hòa, quận Tân Bình (TP.HCM) trong giờ cao điểm kẹt xe (ảnh chụp qua gương chiếu hậu trên xe buýt) - Ảnh: HỮU KHOA

Nhiều người cho rằng có ba nguyên nhân chính khiến người dân không thích đi xe buýt: mất nhiều thời gian so với đi phương tiện khác, chờ lâu vì xe buýt bỏ trạm, bị tài xế và nhân viên đối xử khiếm nhã.

Sự nhận xét ấy không phải tự nhiên mà có.

Tài xế "căng như dây đàn"

Người trong cuộc như tôi mới hiểu vì đâu có những nhận xét như vậy. Yếu tố thu hút khách hàng đầu của xe buýt là đúng giờ giấc và cung cách phục vụ của nhân viên, hai điều cơ bản này hiện nay chưa đáp ứng được vì đường sá không theo kịp sự phát triển chung của thành phố: chưa có làn đường dành riêng cho xe buýt, người đi xe máy thì nhiều và nhiều người bất chấp luật lệ nên gây ra cảnh kẹt xe thường xuyên.

Thêm vào đó là lương, thưởng của tài xế được khoán, tính bằng số chuyến đi mỗi ngày, nên kẹt xe mất thời gian và thiếu chuyến sợ bị phạt đã khiến nhiều tài xế phóng nhanh, đi tắt, bỏ trạm...

Tôi từng lái qua nhiều loại xe, nhưng không có loại xe nào vất vả và căng thẳng như lái xe buýt trong thành phố. Các loại xe khác nhận xong hàng hoặc đủ hành khách là chạy thẳng đến nơi cần đến. Còn xe buýt phải vô ra trạm liên tục để rước trả khách.

Đã vậy, thời gian làm việc của tài xế xe buýt cũng quá dài, 5h sáng đã phải cho xe lăn bánh, 20h mới rời ghế lái. Mệt mỏi đã làm những tài xế thiếu bản lĩnh nhường nhịn phát sinh cung cách phục vụ chưa được tốt.

Nói thật là 14 năm lái xe buýt, tôi chưa thật sự có một ngày nghỉ dành riêng cho gia đình. Chiều 30 tết hằng năm, 16h tôi mới lò mò về đến nhà, sáng mùng 1 tết trong lúc mọi người đang yên giấc thì phải khoác áo đi làm...

Cường độ làm việc căng thẳng và giờ giấc quá dài, dù lương cao nhưng lâu ngày vẫn khiến tài xế nào cũng thấy oải.

“Nên chia hai ca làm việc trong ngày cho tài xế xe buýt. Ca 1: từ 4h đến 13h; ca 2: từ 13h đến 20h là hợp lý nhất. Tuy tiền lương thấphơn nhưng tôi tin rằng khi sức khỏe tốt và tinh thần thoải mái, chất lượng phục vụ của tài xế với hành khách sẽ tốt hơn" - Tài xế Trần Trọng Minh cho ý kiến.

Tăng cường giám sát

Ở góc độ một tài xế xe buýt, tôi đề nghị phải khắc phục việc mất nhiều thời gian và xe bỏ trạm bằng việc có làn đường dành riêng cho xe buýt.

Để thực hiện được điều này, nên ưu tiên cho việc phát triển hạ tầng đường sá và hạn chế dần xe cá nhân (ban đầu là xe bốn bánh, sau đó là xe hai bánh) vào nơi có tuyến xe buýt đi qua.

Lúc đó sẽ không còn cảnh kẹt xe, xe buýt hoạt động tốt hơn, đáp ứng được tiêu chí về thời gian, tài xế cũng không còn bỏ trạm.

Việc khoán chuyến cho tài xế là điều cần thiết, nhưng cũng từ chuyện đó mà các tài xế rút ngắn thời gian ghé trạm, tranh giành đường, bỏ trạm.

Trong lúc đường sá vẫn còn cảnh kẹt xe, tôi đề nghị cơ quan chức năng xem xét thực trạng mỗi chuyến đi của tài xế qua camera. Nếu thật sự kẹt xe thì không nên chế tài họ để họ không bỏ trạm, bỏ rơi hành khách.

Thái độ nhã nhặn và sự tận tình của tài xế (nhân viên) đối với hành khách là tiêu chí quan trọng, cần phải có sự kiểm soát thấu đáo. Việc này hiện nay còn nằm trong góc khuất nên có tài xế không ngại "va chạm" với hành khách.

Lực lượng này sẽ xuất hiện trên xe bất ngờ lấy ý kiến của hành khách qua mẫu test nhanh in sẵn để trên xe, hoặc trích xuất camera khi có phản ảnh của hành khách qua đường dây nóng.

Hằng tháng nên có sự đánh giá tài xế, nhân viên. Người nào vi phạm thì chế tài, kỷ luật, thậm chí cho thôi việc; người làm tốt thì được tuyên dương, được thưởng...

Có như vậy mới khuyến khích sự văn minh, lịch thiệp, loại bỏ sự thô lỗ của nhân viên và tài xế đối với hành khách.

Cường độ cao, tiềm ẩn tai nạn

Lâu nay, hầu như mỗi chiếc xe buýt chạy trên đường 15 giờ/ngày với chỉ một tài xế. Đây là việc phản khoa học và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.

Có nhiều quốc gia cấm một người lái xe liên tục quá 4 giờ, nếu chạy trên 4 giờ thì nhất định phải đổi người cầm lái.

Đừng nghĩ rằng xe buýt chạy tuyến đường ngắn nên chỉ cần một tài xế là đủ. Tài xế sẽ không thể đảm bảo an toàn nếu ngày nào cũng lái xe với cường độ cao trong khi sức người có hạn.

Trên xe buýt, có lần tôi và nhân viên soát vé phải dừng xe can ngăn hai vị khách nam đòi choảng nhau chỉ vì tranh một ghế ngồi, hóa ra cả hai đều có mùi rượu.

Chưa hết, tiếp viên của xe hay phải nhắc nhở khách giữ vệ sinh chung, thanh niên nhường ghế cho người lớn tuổi, phụ nữ có thai hoặc dẫn theo con nhỏ.

Mong sao mỗi người đều có "văn hóa đi xe buýt" để không ai phải bận tâm với những chuyện gần như là tất nhiên ấy.

Tài xế Trần Phi Hội (lái xe buýt tuyến số 10)

THANH BÌNH ghi

Theo tuoitre.vn

Nguồn GTVT: http://www.tapchigiaothong.vn/giam-cang-thang-cho-tai-xe-xe-buyt-d48920.html