Giám đốc Bệnh viện K: 10 loại ung thư đang 'tàn sát' người Việt

Với tần suất mắc sau 10 năm tăng gấp đôi thậm chí gấp 3 ung thư đang trở thành nỗi ám ảnh của người dân Việt Nam. Số ca mắc ung thư liên tục tăng với cấp số nhân.

Bệnh nhân đến khám ung thư tại BV K chờ từ sáng sớm.

Tăng nhanh số ca mắc

Theo PGS. Trần Văn Thuấn – Giám đốc Bệnh viện K Trung ương – Viện trưởng Viện nghiên cứu và phòng chống ung thư Việt Nam mỗi ngày cả nước có khoảng 300 người chết vì ung thư và số ca mắc ung thư đang ngày càng tăng.

PGS Thuấn cho biết, 10 bệnh ung thư phổ biến ở nam giới bệnh nào cũng có xu hướng tăng. Con số tăng chóng mặt đứng đầu là ung thư phổi với số ca mắc năm 2000 chỉ là 6.905 ca nhưng đến năm 2010 số ca mắc là 14.652 ca và ước tính đến năm 2020 số ca mắc là 22.938 ca. Tỷ lệ mắc trên 100 nghìn dân năm 2010 là 35,1 người và đến nay tỷ lệ này sẽ tăng.

Thứ hai là bệnh ung thư dạ dày với số ca mắc năm 2000 chỉ có 5.711 ca đến năm 2010 tăng gấp đôi là 10.394 ca, ước tính năm 2020 số ca mắc sẽ là 11.502 ca.

Tiếp đến là ung thư gan với số ca mắc là 5.787 ca và năm 2010 số ca mắc là 9.372 ca tỷ lệ số người mắc trên 100 nghìn dân là 23,6 người. Ước tính đến năm 2020 tỷ lệ này sẽ lên tới 11.030 ca mắc. Theo các chuyên gia tỷ lệ ung thư gan ở nam giới cao hơn nữ là vì ngoài nguyên nhân mắc viêm gan vi rút, đàn ông thường có thói quen uống rượu, hút thuốc lá, lại nhâm nhi lạc rang, các loại ngũ cốc khi uống bia rượu. Đủ các yếu tố rượu, nấm mốc từ ngũ cốc, viêm gan liên thủ lại tấn công lá gan khiến bệnh ung thư gan ở nam giới tăng nhanh.

Căn bệnh ung thư đứng hàng thứ tư ở nam giới đó là ung thư đại trực tràng số ca mắc năm 2000 là 2.878 ca và đến năm 2010 tăng gần gấp 3 là 7.568 và tỷ lệ người mắc 100 nghìn dân là 19 người và đến năm 2020 sẽ là 13.269 ca. Chỉ trong vòng 20 năm tỷ lệ bệnh nhân ung thư đại trực tràng gấp 5 lần.

Tiếp đến là các bệnh ung thư thực quản, ung thư vòm, ung thư họng, ung thư hạch, ung thư tuyến tiền liệt ở nam giới cũng đều gia tăng với cấp số nhân.

Không chỉ riêng nam giới, PGS Trần Văn Thuấn cho biết tỷ lệ ung thư ở nữ giới cũng gia tăng nhanh chóng. Chỉ xét ở 10 bệnh ung thư phổ biến nhất là ung thư vú, ung thư đại trực tràng, ung thư phổi, ung thư cổ tử cung, ung thư dạ dày, ung thư tuyến giáp, ung thư gan, ung thư buồng trứng, ung thư hạch và ung thư máu.

Trong đó, đáng báo động nhất là ung thư vú. Năm 2000 số ca mắc ung thư vú ở Việt Nam chỉ có 5.536 ca tỷ lệ số người mắc trên 100 nghìn dân là 17,4 thì 10 năm sau vào năm 2010 theo thống kê số bệnh nhân đã tăng hơn gấp đôi lên 12.533 ca và tỷ lệ số người mắc/100 nghìn dân là 29,9 người. Với đà tăng như hiện nay, đến năm 2020 số ca mắc ung thư vú sẽ lên tới 22.612 ca mắc.

Tiếp đến là ung thư đại trực tràng, tỷ lệ tăng chóng mặt. Chỉ 10 năm mà số ca mắc tăng gần gấp 3 lần. Năm 2000 số liệu nghiên cứu chỉ 2.566 ca thì đến năm 2010 số ca ghi nhận đã lên 6.110 ca số người mắc trên 100 nghìn dân là 14,7 người. Ước tính, đến năm 2020 số ca mắc này sẽ tăng lên 11.124 ca.

Với ung thư phổi, nguyên nhân chủ yếu do khói thuốc lá nên bệnh ung thư phổi đứng đầu ở nam giới nhưng ở Việt Nam tỷ lệ nữ mắc ung thư phổi cũng rất cao. Nguyên nhân được xác định có thể do hút thuốc lá thụ động. Số ca mắc năm 2000 chỉ khoảng 2.001 ca thì đến năm 2010 số ca đã lên tới 5.709 ca và từ 6,5 người dân/100 nghìn đân đến năm 2010 số này đã lên 13,9 người dân. Ước tính năm 2020 số ca mắc sẽ là 11.656 ca.

Đa số là đến bệnh viện muộn

Đặc biệt, PGS Thuấn lấy làm tiếc vì tại Việt Nam số ca đến khám và điều trị theo giai đoạn bệnh chủ yếu là giai đoạn muộn. Hiện nay, chỉ có hai bệnh ung thư vú, ung thư cổ tử cung có số bệnh nhân được phát hiện ở giai đoạn I và II là 50 % còn lại đều ở giai đoạn muộn. Cá biệt, ung thư gan số ca đến khám sớn chỉ có 12,2 %. ung thư dạ dày chỉ có 13,1 %, phổi phế quản là 15,7 %, ung thư vòm mũi họng là 19,9 % số bệnh nhân được phát hiện ở giai đoạn I và II.

Tại Việt Nam từ năm 2008 - 2010 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 108/QĐ-TTg ngày 17/7/2007 phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống một số bệnh xã hội, bệnh dịch nguy hiểm và HIV/AIDS giai đoạn 2008 - 2010 và đến năm 2015 với Quyết định số 376/QQD/QĐ- TTg ngày 20/3/2015 của TTCP phê duyệt chiến lược quốc gia về phòng, chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác giai đoạn 2015 - 2025.

Từ năm 2011, Viện nghiên cứu phòng chống ung thư đã đưa ra các chương trình về nâng cao nhận thức đúng của cộng đồng về bệnh ung thư, từng bước cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân ung thư.

Tăng cường quản lý giám sát bệnh nhân ung thư. Tuy nhiên, đến nay số ca mắc ung thư ở Việt Nam có thể chưa chính xác bởi vì rất nhiều bệnh nhân chết ở nhà không rõ nguyên nhân và số ca bệnh đó có thể là bị ung thư.

Hiện nay, kiến thức của người dân cánh báo nguy cơ ung thư còn thấp, tỷ lệ người dân biết được từ 4 dấu hiệu cảnh báo nguy cơ ung thư chỉ chiếm 22,3 %, 19,7 % không kể được bất kỳ dấu hiệu nào cảnh báo ung thư.

Qua quá trình nghiên cứu, PGS Thuấn cho biết thái độ của người dân khá tích cực đối với công tác phòng chống ung thư. 43 % hài lòng với thông tin phòng chống ung thư. So với năm 2008 chỉ có 11,3 %.

P.Thuý

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/giam-doc-benh-vien-k-10-loai-ung-thu-dang-tan-sat-nguoi-viet-post236193.info