Giám đốc BMW Group Asia: Việt Nam là một trong các thị trường tiềm năng nhất

Tại các thành phố lớn, vấn đề về chỗ đỗ xe đang nổi cộm và việc chia sẻ sử dụng ô tô sẽ giúp giải quyết. Việc chia sẻ ô tô đang tăng trưởng rất nhanh tại các thành phố lớn.

Phần thảo luận về Hàng tiêu dùng tại Hội nghị Bloomberg ASEAN Business Summit 2016 có sự tham gia của ông Axel Pannes (Giám đốc điều hành BMW Group Asia) và ông Randy Jusuf (Giám đốc điều hành Kimberly Clark khu vực ASEAN). Điều phối là bà Oanh Ha, biên tập viên mảng hàng tiêu dùng của Bloomberg.

Bà Oanh Ha, Bloomberg: ASEAN đứng thứ 7 thế giới về mặt kinh tế, đứng thứ 2 thế giới về việc sử dụng Facebook. Sức mua ASEAN tăng, GDP đầu người tăng nhanh so với Ấn Độ và Trung Quốc. Với BMW, các bạn đã xuất hiện tại 14 quốc gia, vậy đâu là vấn đề lớn nhất?

- Ông Axel Pannes (Giám đốc điều hành BMW Group Asia): Đây đều là những thị trường mới nổi và có những bất ổn của nó. Với BMW, ba thị trường tiềm năng nhất là Indonesia, Việt Nam và Philippines.

- Ông Randy Jusuf (Giám đốc điều hành Kimberly Clark): Chúng tôi quan tâm tới giá cả và quy mô dân số. Có 2-3 nhóm quốc gia lớn là Indonesia, Philippines và Việt Nam. Có rất nhiều cơ hội về các loại hàng hóa cao cấp, đồ dùng trẻ em. Nhóm thứ 2 như Lào, Campuchia và 1 phần của Việt Nam – những thị trường sơ khởi chưa có người tận dụng.

Nhu cầu sử dụng các sản phẩm cao cấp là một xu hướng như thế nào thưa ông?

- Ông Axel Pannes (giám đốc điều hành BMW Group Asia): BMW là một thương hiệu hạng sang, chúng tôi đang hướng tới việc phục vụ từng khách hàng theo nhu cầu riêng biệt của họ. Chúng tôi đang thay đổi mô hình từ chuyên sản xuất, bán xe sang khuyến khích đi lại, di chuyển bằng ô tô. Khi tôi quay trở lại Munich (Đức), tôi có thể sử dụng 40-50 xe được sắp xếp sẵn ở sân bay thông qua các ứng dụng chia sẻ phương tiện. Điều này có thể tận dụng các nguồn lực sẵn có. Tại các thành phố lớn, vấn đề về chỗ đỗ xe đang nổi cộm và việc chia sẻ sử dụng ô tô sẽ giúp giải quyết. Việc chia sẻ ô tô đang tăng trưởng rất nhanh tại các thành phố lớn.

Các sản phẩm cao cấp đang hướng tới việc thỏa mãn nhu cầu cá nhân đúng không thưa ông?

- Ông Randy Jusuf (Giám đốc điều hành Kimberly Clark): Chúng tôi đang hướng tới các sản phẩm cao cấp và PHÙ HỢP với người dân châu Á thay vì mang các sản phẩm từ phương Tây sang. Các sản phẩm về tã trẻ em, tã người lớn cần phải được điều chỉnh phù hợp với đặc thù.

ASEAN có lợi thế dân số trẻ và phù hợp với các công ty đang phát triển. Vậy triển vọng của các ông tại đây ra sao?

- Ông Axel Pannes (Giám đốc điều hành BMW Group Asia): Hầu hết các quốc gia đang chuyển từ một thế giới thực thể sang thế giới số - nơi các bạn thanh niên đang tập trung. Trước đây, khách hàng sẽ tới tận nơi để mua hàng nhưng ngày nay tất cả đều có trên mạng. Do đó, tại các điểm bán hàng, chúng tôi tạo ra môi trường như những quán cà phê với những bài trình bày áp dụng công nghệ cao.

- Ông Randy Jusuf (Giám đốc điều hành Kimberly Clark): Chúng tôi tiếp cận với phụ nữ khi họ mới rời ghế nhà trường hay những bà mẹ trẻ lần đầu có con. Họ mang lại cơ hội rất lớn thông qua Facebook. Trước đây, chúng tôi truyền thông 1 chiều thông qua TV nhưng giờ đây các mạng xã hội giúp tiếp cận sát hơn với các khách hàng. Chúng tôi tạo ra 1 forum cho thiếu nữ để chia sẻ cách sử dụng Kotex. Chúng tôi có những chương trình đào tạo cho người phụ nữ lần đầu có em bé. Năm nay, chúng tôi thực hiện chương trình đào tạo các bà mẹ tiền thai sản, qua đó giúp tiếp cận với người tiêu dùng.

Lượng bán lẻ trên mạng chưa tương xứng với số người sử dụng internet tại ASEAN, tại sao vậy thưa ông?

- Ông Randy Jusuf (Giám đốc điều hành Kimberly Clark): Xu hướng đang tăng nhanh tại ASEAN, gần bằng với Trung Quốc hay Hàn Quốc. Mọi việc sẽ sớm được cải thiện, đặc biệt là với các dòng sản phẩm như chúng tôi đang phân phối.

- Ông Axel Pannes (Giám đốc điều hành BMW Group Asia): Những sản phẩm hàng ngày như giấy toilet hay băng vệ sinh có thể tiện khi mua trên mạng. Nhưng với những hãng ô tô như BMW thì sẽ cần thời gian dài cân nhắc và cảm xúc của khách hàng. Khi các bạn hiểu và trải nghiệm sản phẩm của chúng tôi, việc mua trên mạng sẽ dễ dàng hơn.

- Ông Randy Jusuf (Giám đốc điều hành Kimberly Clark): Bên cạnh các sản phẩm sử dụng hàng ngày, chúng tôi cũng có những sản phẩm khác với mục tiêu khác.

Tại sao không nên khuyến khích các loại taxi như Uber hay Grab?

- Ông Axel Pannes (Giám đốc điều hành BMW Group Asia): Những ứng dụng này giúp giảm thiểu lượng phương tiện lưu thông trên đường. Giá vận hành rẻ giúp họ tăng tính cạnh tranh. Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng phương tiện cá nhân vẫn rất lớn. Vậy nên khi giá xe cộ rẻ hơn, tôi không chắc rằng lượng xe lưu thông trên đường sẽ giảm.

Còn với dòng sản phẩm xe điện, xe “xanh”?

- Ông Axel Pannes (Giám đốc điều hành BMW Group Asia): Muốn thúc đẩy môi trường xanh, cần cơ sở hạ tầng và giải quyết một số rào cản như thói quen sử dụng động cơ buồng đốt. Việc chuyển sang công nghệ mới cần các biện pháp khuyến khích như điểm sạc hay chỗ đỗ xe miến phí.

Với Kimberly Clark, bạn có đang tiếp cận ASEAN như một thị trường thống nhất không?

- Ông Randy Jusuf (Giám đốc điều hành Kimberly Clark): Chúng tôi luôn nhìn vào từng thị trường riêng lẻ. Tất nhiên sẽ có điểm tương đồng giữa các quốc gia nhưng rất ít. Nếu nhìn vào người tiêu dùng chúng ta cần các sản phẩm tốt nhất cho họ. Chúng tôi không nhìn từ góc độ biên giới. Với ASEAN, các sản phẩm của chúng tôi được sản xuất từ các nhà máy tại địa phương nhằm giảm thiểu chi phí, tiếp cận dễ dàng hơn với khách hàng trên thị trường. Chúng tôi ủng hộ AEC vì nó giúp thúc đẩy thương mại tự do. Chúng tôi luôn tìm kiếm cơ hội ở khắp mọi nơi, chia sẻ công nghệ mới. Chúng tôi đang đón đầu AEC.

Với các nhà sản xuất ô tô, AEC có ý nghĩa gì không thưa ông?

- Ông Axel Pannes (Giám đốc điều hành BMW Group Asia): Khi chúng tôi đầu tư lớn vào các nhà máy, chúng tôi sẽ phải xem xét các chuỗi giá trị, nhà cung cấp. Tôi chắc chắn rằng mọi người đều sẽ hưởng lợi từ FTA.

Ông Trump không ủng hộ FTA, điều này sẽ ảnh hưởng tới các nước ASEAN thế nào?

- Ông Axel Pannes (Giám đốc điều hành BMW Group Asia): Từ góc nhìn của tôi, Mỹ có liên kết rất lớn tới nền kinh tế toàn cầu nên việc bảo hộ thương mại sẽ có khó thể xảy ra. Nhà máy lớn nhất của tôi nằm ở Mỹ với 70.000 công nhân.

- Ông Randy Jusuf (Giám đốc điều hành Kimberly Clark): Chúng tôi có nhiều khách hàng ở ASEAN và Việt Nam. Có những yếu tố chúng ta không kiểm soát được nên chỉ tập trung vào các khách hàng ở khu vực. Cơ hội ở đây rất nhiều và người dân đang hướng tới các sản phẩm cao cấp hơn. Tất cả được thúc đẩy từ nội tại của ASEAN.

Nguồn NDH: http://ndh.vn/giam-doc-dieu-hanh-bmw-khu-vuc-asean-indonesia-viet-nam-va-philippines-la-thi-truong-tiem-nang-nhat-20161208124219812p145c151.news