Giám đốc nổ súng uy hiếp khi bị đòi tiền lương sẽ chịu trách nhiệm thế nào?

Hành vi giám đốc nổ súng uy hiếp nhân viên cũ và người nhà khi họ đến đòi tiền lương đã vi phạm pháp luật như thế nào?

Vụ việc ông Bùi Đức Phương, giám đốc Công ty TNHH bảo vệ An Ninh Việt Nhật nổ súng uy hiếp nhân viên cũ và người nhà khi họ đến đòi tiền lương còn thiếu đang làm dư luận hoang mang.

Nhiều người chứng kiến cũng như biết đến sự việc qua các kênh thông tin đại chúng đều bày tỏ lo lắng với hành vi ngang nhiên dùng súng để uy hiếp, đe dọa người khác của ông Phương.

Ông Phương chĩa súng lên trời rồi bắn chỉ thiên.

Liên quan đến sự việc trên, trao đổi với phóng viên Pháp luật Plus, luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn luật sư TP Hà Nội nhận định, "trước hết, việc giám đốc Công ty TNHH bảo vệ An Ninh Việt Nhật sử dụng súng để đe dọa người phụ nữ chỉ vì cự cãi là hành vi trái pháp luật".

Luật sư Đặng Văn Cường viện dẫn, Điều 4 Pháp lệnh số 16 về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ năm 2011 quy định về Nguyên tắc trang bị, quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ như sau:

1. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ phải bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật.

3. Người ra mệnh lệnh hoặc quyết định sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ phải chịu trách nhiệm về mệnh lệnh, quyết định của mình.

4. Người sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ phải được huấn luyện về chuyên môn và kiểm tra định kỳ về kỹ năng sử dụng.

5. Sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đúng mục đích và hạn chế tối đa thiệt hại đối với người, tài sản và môi trường.

6. Vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ hết hạn sử dụng hoặc không còn khả năng sử dụng phải được xử lý hoặc tiêu hủy.

Theo luật sư Đặng Văn Cường, trong vụ việc trên, cơ quan công an sẽ vào cuộc, xác minh làm rõ nguồn gốc khẩu súng, loại súng, giấy phép sử dụng súng. Đồng thời, làm rõ nguyên nhân sự việc và hậu quả của hành vi nổ súng nêu trên để có biện pháp xử lý phù hợp.

"Nếu khẩu súng trên là vũ khí quân dụng và người đàn ông đó không được phép sử dụng thì người này sẽ bị khởi tố về tội tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng theo quy định tại Điều 230 BLHS" - Luật sư Cường nói.

Điều 230. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự

1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, thì bị phạt tù từ một năm đến bảy năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm:

a) Có tổ chức; b) Vật phạm pháp có số lượng lớn; c) Vận chuyển, mua bán qua biên giới; d) Gây hậu quả nghiêm trọng; đ) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười năm đến mười lăm năm:

a) Vật phạm pháp có số lượng rất lớn; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:

a) Vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn;b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.

Luật sư Cường cũng lưu ý rằng, "nếu khẩu súng trên không phải là vũ khí quân dụng, là công cụ hỗ trợ được phép sử dụng thì người đàn ông đó vẫn bị xử lý về hành vi gây rối trật tự công cộng và sẽ bị xử phạt hành chính. Nếu mức độ vi phạm được xác định là gây hậu quả nghiêm trọng thì vẫn có thể bị xử lý hình sự về tội gây rối trật tự công cộng theo Điều 245 BLHS".

Điều 245. Tội gây rối trật tự công cộng

1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có dùng vũ khí hoặc có hành vi phá phách;

b) Có tổ chức;

c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;

d) Xúi giục người khác gây rối;

đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;

e) Tái phạm nguy hiểm.

Như đã đưa tin, anh Bùi Hữu Phúc (18 tuổi, ngụ quận Tân Bình) từng là từng làm việc tại công ty An Ninh Việt Nhật (có địa chỉ tại đường Cống Lở, phường 15, quận Tân Bình, TP HCM) do ông Bùi Đức Phương làm giám đốc. Anh Phúc đã nghỉ việc cách đây 2 tháng và công ty này vẫn còn nợ anh hơn 4 triệu đồng tiền lương, nhiều lần anh tới công ty để đòi nhưng không được.

Tới chiều ngày 5/12, anh Phúc cùng mẹ là bà Nguyễn Thị Thúy (45 tuổi) tới công ty để đòi hơn 4 triệu tiền lương của anh Phúc nhưng ông Phương hẹn tới ngày 5/1/2017 sẽ trả. Bà Thúy không đồng ý nên xảy ra mâu thuẫn với ông Phương.

Hai bên lời qua tiếng lại, ông Phương rút trong túi quần ra một khẩu súng rồi lên đạn, chĩa vào đầu bà Thúy uy hiếp. Thấy vậy, bà Thúy liền thách thức “bắn đi, bắn đi” thì ông Phương chĩa họng súng lên trời bắn chỉ thiên.

Sáng ngày 6/12, ông Bùi Đức Phương đã tới cơ quan công an để phục vụ công tác điều tra.

Nguyễn Xinh

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/giam-doc-no-sung-uy-hiep-khi-bi-doi-tien-luong-se-chiu-trach-nhiem-the-nao-d30800.html