Giảm giờ làm, có khả thi?

Khi năng suất, hiệu quả lao động còn thấp, nếu Nhà nước giảm giờ làm việc xuống dưới 48 giờ/tuần sẽ ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của nền kinh tế và thu nhập của người lao động.

Vì thế, theo các chuyên gia, chỉ nên áp dụng giảm giờ làm ở một số ngành nghề đủ điều kiện.

Nhiều công nhân, doanh nghiệp không muốn giảm giờ làm

Bộ luật Lao động 2019 quy định, thời giờ làm việc bình thường của người lao động không quá 8 giờ trong một ngày và 48 giờ trong một tuần. Theo khảo sát của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Việt Nam thuộc nhóm nước có thời giờ làm việc cao trong khu vực và trên thế giới.

Do đó, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đã có kiến nghị với Bộ LĐTB&XH nghiên cứu, xem xét giảm giờ làm việc xuống dưới 48 giờ/tuần, cũng nhằm thực hiện Nghị quyết số 101/2019/QH14 của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.

Sản xuất linh kiện tại Công ty CP Sunhouse, Khu công nghiệp Quốc Oai. Ảnh: Hải Linh

Sản xuất linh kiện tại Công ty CP Sunhouse, Khu công nghiệp Quốc Oai. Ảnh: Hải Linh

Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, kiến nghị giảm giờ làm việc là tạo điều kiện cho người lao động được nghỉ ngơi, có thời gian chăm lo cho gia đình, sinh hoạt văn hóa văn nghệ, phục hồi sức khỏe và cũng giảm được tai nạn lao động, căng thẳng tại nơi làm việc.

“Trong bối cảnh hiện nay, kinh tế đất nước đã phục hồi sau dịch Covid-19, các DN hoàn toàn có thể cân nhắc điều chỉnh giảm thời gian làm việc cho người lao động. Hiện nay, ở khu vực tư, công nhân lao động trực tiếp đang làm việc nhiều giờ hơn so với cán bộ, công chức tại khu vực công” - Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam Hồ Thị Kim Ngân cho hay.

Kiến nghị giảm giờ làm việc xuống dưới 48 giờ/tuần của Tổng LĐLĐ Việt Nam được người lao động làm công ăn lương đồng ý. Tuy nhiên, ở những công ty trả lương tính theo sản phẩm làm được, công nhân lao động không muốn giảm giờ làm, thậm chí đề nghị được tăng ca để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

Một công nhân may Công ty CP May và Dịch vụ Hưng Long cho biết: “Tôi đang làm việc 6 ngày/tuần, tiền lương được từ 9 - 10 triệu đồng/tháng. Nếu giảm giờ làm việc thì tiền lương sẽ giảm, không bảo đảm trang trải cuộc sống gia đình”.

Những năm qua, đơn giá ngành may không tăng mà chỉ có xu hướng giảm. Trong khi đó, hàng năm, các DN chi phí cho sản xuất (đóng bảo hiểm xã hội, tiền điện, vận chuyển) đều tăng thêm.

Từ thực tế này, Tổng Giám đốc Công ty CP May và Dịch vụ Hưng Long Phí Quang Đức cho biết, nếu giảm giờ làm việc xuống 5 ngày/tuần thì các DN vô cùng khó khăn.

Nhiều DN khác cũng cho rằng, trong bối cảnh năng suất lao động còn thấp thì vẫn nên tiếp tục duy trì quy định làm việc 8 giờ/ngày và 48 giờ/tuần. Nếu áp dụng nghỉ làm việc ngày thứ Bảy thì chưa hợp lý, sẽ khiến chi phí lao động tăng cao và ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của nền kinh tế.

Có thể giảm giờ làm việc ở một số ngành nghề

Nhiều ý kiến cho rằng, giảm giờ làm việc trong tuần, trong tháng là xu hướng chung của Việt Nam và thế giới, phụ thuộc vào rất nhiều các điều kiện.

Điều kiện chung nhất là trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; năng suất, hiệu quả trong lao động và tiền lương của người lao động phải cao. Về năng suất lao động, không phải chỉ dựa vào sức người mà còn là máy móc, thiết bị ngày càng hiện đại. Ví dụ như, khi thực hiện công nghiệp hóa - tự động hóa thì người lao động làm việc nhẹ nhàng nhưng tiền lương trong một giờ rất cao.

Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học - Lao động và Xã hội, Bộ LĐTB&XH, TS Nguyễn Hữu Dũng đưa ra quan điểm: “Nước ta chưa đủ điều kiện như các quốc gia trên thế giới để giảm giờ làm xuống 44 giờ/tuần hay 40 giờ/tuần.

Trường hợp, nếu cứ thực hiện giảm giờ làm việc thì có nghĩa là khối lượng sản phẩm, năng suất lao động phải dựa vào sức lao động của con người. Và khi khối lượng sản phẩm lại giảm nữa thì năng suất lao động lại càng thấp, khiến cho kinh tế chậm phát triển. Như vậy, các DN không có tiềm năng để giảm giờ làm và tăng tiền lương”.

Thực hiện giảm giờ làm việc là để người lao động có thêm thời gian nghỉ ngơi, chăm lo cho gia đình, đi du lịch. Việc giảm giờ làm chỉ nên được thực hiện khi nền kinh tế Việt Nam có sự tăng trưởng vượt bậc, người lao động có mức thu nhập trung bình cao.

Do đó, TS Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, Nhà nước cần phải tính toán rất kỹ về vấn đề giảm giờ làm việc xuống dưới 48 giờ/tuần. “Thực tế, nước ta đã áp dụng giảm giờ làm việc đối với những người làm công việc nặng nhọc, độc hại.

Theo tôi, thời điểm hiện nay thực hiện đại trà việc giảm giờ làm việc xuống dưới 8 tiếng/ngày là chưa phù hợp. Nhưng có thể giảm giờ làm việc trong một số lĩnh vực, ngành nghề. Vì thế, Nhà nước nên đưa ra những quy định, tiêu chí, lĩnh vực, ngành nghề, khu vực giảm giờ làm việc để DN đáp ứng đủ điều kiện thì thực hiện".

Lại có những ý kiến chuyên gia cho rằng Nhà nước nên cho thực hiện thí điểm giảm giờ làm việc ở một vài lĩnh vực, ngành nghề; nếu mang lại kết quả sẽ nhân rộng. Cùng với đó, các DN cần cải tiếp, áp dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất để tăng năng suất, khi đó mới tính đến giảm giờ làm việc cho người lao động.

“Tổng Công ty May 10 phấn đấu giảm giờ làm để người lao động có nhiều thời gian phục vụ cho gia đình, chăm sóc bản thân. Tổng Công ty đang nghiên cứu, đầu tư trang thiết bị, công nghệ hiện đại để giảm thiểu sức lực, thời gian làm việc của người lao động, tăng năng suất lao động và chất lượng sản phẩm” - ông Nguyễn Việt Hùng - chuyên viên nhân sự của Tổng Công ty May 10 cho hay.

Về vấn đề nhiều công nhân đề nghị làm thêm để tăng thu nhập, bà Hồ Thị Kim Ngân cho rằng: “Nếu như tiền lương trả cho người lao động làm công việc chính đủ để đáp ứng nhu cầu cuộc sống thì họ không phải tăng ca, làm thêm giờ. Do đó, vấn đề ở đây, không chỉ là giảm giờ làm việc mà cần điều chỉnh tiền lương của người lao động để họ chỉ cần làm 8 tiếng/ngày là đủ thu nhập phục vụ cho nhu cầu cuộc sống”.

Bộ LĐTB&XH đã báo cáo Chính phủ về việc Tổng LĐLĐ Việt Nam kiến nghị giảm thời giờ làm việc bình thường đối với người lao động thấp hơn 48 giờ/tuần.

Theo Bộ LĐTB&XH, việc giảm giờ làm việc bình thường xuống dưới 48 giờ/tuần là một chính sách có tác động lớn đến kinh tế - xã hội. Vì vậy, Bộ LĐTB&XH sẽ nghiên cứu đầy đủ các cơ sở khoa học và thực tiễn để bảo đảm tính khả thi khi đề xuất chính sách này trong quá trình sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động.

Nghị quyết số 101/2019/QH14 nêu rõ: giao Chính phủ căn cứ tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nghiên cứu đề xuất giảm giờ làm việc bình thường đối với người lao động thấp hơn 48 giờ/tuần và báo cáo Quốc hội xem xét vào thời điểm thích hợp.

Nếu áp dụng 44 giờ làm việc/tuần thì sẽ rất khó cho người sử dụng lao động. Bởi vì người sử dụng lao động sẽ phải bố trí được việc làm, lao động trong cả chuỗi dây chuyền sản xuất kinh doanh của họ và trong cả tuần làm việc.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Hoàng Quang Phòng

Trần Oanh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/giam-gio-lam-co-kha-thi.html