Giám sát chặt 'công bộc' 'yêu người đưa hối lộ, ghét kẻ thiếu phong bì'!

​Thói xấu nhũng nhiễu để tham nhũng vặt không dễ dàng từ bỏ mà cần phải có một cơ chế giám sát chặt chẽ, bắt buộc. Người dân và doanh nghiệp không phải ngẫu nhiên lại mang phong bì làm hư cán bộ.

Đây là quan điểm của PGS. TS Hoàng Văn Cường- ĐBQH khóa XIV, Phó hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế Quốc dân xung quanh chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành sớm ra chỉ thị nhằm chấm dứt tình trạng "trên nóng, dưới đóng băng".

PGS. TS Hoàng Văn Cường: Một quan hệ hành xử văn minh phải đồng thời dựa trên 3 trụ cột: hệ thống luật pháp đầy đủ và chặt chẽ, chế tài xử lý nghiêm minh và sự sự tham gia tự giác, tích cực của người dân trong việc chấp hành và giám sát quá trình thực hiện.

Tham nhũng vặt khi thực thi công vụ

Trao đổi với PV Infonet về câu chuyện này, PGS. TS Hoàng Văn Cường cho rằng, tình trạng khá phổ biến hiện nay khi các doanh nghiệp muốn được giải quyết các yêu cầu chính đáng một cách nhanh chóng thì phải “bôi trơn” cho thấy tình trạng “tham nhũng vặt” đã trở thành thói quen của nhiều cán bộ công chức khi thực thi công vụ.

Vì vậy, quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo của Thủ tướng phải được nằm trong ý thức của từng cán bộ công chức và biến thành hành động phục vụ doanh nghiệp.

“Một chính phủ liêm chính và kiến tạo không chỉ ở chủ trương đường lối mà là biết lắng nghe, phát hiện các yêu cầu của doanh nghiệp và tìm cách đáp ứng nhanh nhất các yêu cầu của doanh nghiệp. Chỉ thị của Thủ tướng cho thấy Chính phủ đang quyết tâm muốn phá bỏ thói quen trì trệ, nhũng nhiễu của những người trực tiếp thực thi công vụ trong bộ máy công quyền”- PGS. Hoàng Văn Cường nói.

Dưới góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, PGS Cường phân tích thêm, tình trạng “nhũng nhiễu” của cán bộ công chức trực tiếp thực thi công vụ đã gây ra những tổn thất rất lớn đối với doanh nghiệp không chỉ ở chi phí bôi trơn, lót tay mà thiệt hại lớn hơn là làm mất cơ hội kinh doanh do các yêu cầu chính đáng của doanh nghiệp không được giải quyết, đáp ứng một cách kịp thời.

“Điều đó làm nản chí các nhà đầu tư, kìm hãm sự ra đời và phát triển của các doanh nghiệp, trong nhiều trường hợp là nguyên nhân đẩy doanh nghiệp đi đến phá sản”- PGS Cường nhấn mạnh.

Ngoài ra, xét dưới góc độ xã hội, PGS Cương nhấn mạnh, tình trạng “tham nhũng vặt” làm biến dạng hình ảnh của cơ quan công quyền, những công bộc của dân trở thành lộng quyền, lợi dụng tước đoạt của dân. Điều đó đang làm mất dần lòng tin của người dân và doanh nghiệp đối với chính quyền, dần dần tạo cho người dân và doanh nghiệp một thói quen xấu là chấp nhận đưa hối lộ để được việc cho mình thay vì lên tiếng đấu tranh cho sự liêm chính, công khai minh bạch. Đó là nguyên nhân căn bản đẻ ra “cơ chế phong bì” đang thịnh hành, len lỏi vào mọi quan hệ xã hội hiện nay.

Cần cơ chế giám sát chặt chẽ

PGS Cường khẳng định, thói xấu nhũng nhiễu để tham nhũng vặt không dễ dàng từ bỏ bằng các chỉ thị, mệnh lệnh mà nó cần phải có một cơ chế giám sát chặt chẽ, bắt buộc. Người dân và doanh nghiệp không phải ngẫu nhiên lại mang phong bì làm hư cán bộ mà nguyên nhân sâu xa vì các cán bộ biến chất chỉ yêu quý và đối xử tốt với các doanh nghiệp nào... làm hư họ.

“Vì vậy, cần có chế tài giám sát sự công khai minh bạch các qui trình, thủ tục thực thi công vụ để các cán bộ biến chất không tùy tiện “yêu” người đưa hội lộ và hay “ghét” người không chịu đưa hối lộ mà buộc lòng phải đối xử bình đẳng như nhau theo đúng qui trình đã công bố công khai.

Đồng thời có cơ chế khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia giám sát việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức bằng việc cung cấp các bằng chứng “nhũng nhiễu” và xử lý thật nghiêm minh khi có bằng chứng cung cấp”- PGS Cường nói.

Đồng tình với quan điểm này, một luật sư là ĐBQH cho rằng, để chống tình trạng “trên nóng, dưới đóng băng” thì các cơ quan chức năng phải tìm ra được nút thắt ở chỗ nào.

“Một trong những cái chúng ta nói rất nhiều từ trước đến nay đó là câu chuyện hiệu quả xử lý vi phạm chưa cao. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc thực thi luật pháp của ta có chỗ nọ chỗ kia chưa nghiêm. Người vi phạm vẫn còn nhiều trong khi đó, xử lý vi phạm chưa triệt để, chưa hiệu quả. Nếu chúng ta giải quyết được triệt để vấn đề này tôi tin rằng, tình trạng nhũng nhiễu, cửa quyền sẽ không còn”- vị này nói.

PGS Hoàng Văn Cường: “Một quan hệ hành xử văn minh phải đồng thời dựa trên 3 trụ cột: hệ thống luật pháp đầy đủ và chặt chẽ, chế tài xử lý nghiêm minh và sự tham gia tự giác, tích cực của người dân trong việc chấp hành và giám sát quá trình thực hiện”.

N. Huyền

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/giam-sat-chat-cong-boc-yeu-nguoi-dua-hoi-lo-ghet-ke-thieu-phong-bi-post227967.info