Giám sát hành trình để ngăn xe 'quá đát' chở hàng lậu

Để ngăn chặn tình trạng sử dụng xe hoán cải, xe “quá đát” chở hàng lậu, hàng cấm, lực lượng chức năng cần chia sẻ thông tin giám sát hành trình.

Lực lượng chức năng phối hợp xử lý xe khách chở hàng lậu từ biên giới Lạng Sơn về nội địa. Ảnh: Quang Hùng.

Thống kê từ Cục Đăng Kiểm Việt Nam cho thấy, đến ngày 20/6, cả nước có 255.213 phương tiện quá thời hạn đăng kiểm 1 tháng. Trước đó, số liệu tính đến ngày 1/1/2017, số phương tiện hết niện hạn là 162.619 xe gồm: 116.859 xe tải và 45.760 xe chở người.Tính riêng năm 2016, xe hết niên hạn có 23.075 xe gồm: 20.068 xe tải và 3.007 xe chở người.

Hiện nay, tình trạng vận chuyển hàng lậu từ khu vực biên giới về sâu trong nội địa diễn ra khá phức tạp, trong đó có tình trạng sử dụng xe khách, xe hoán cải tham gia vận chuyển hàng lậu, hàng cấm từ khu vực biên giới các tỉnh như Quảng Ninh, Lạng Sơn… đã bị lực lượng chức năng phát hiện bắt giữ. Để vận chuyển trót lọt hàng lậu, các đối tượng gia cố thêm hầm chứa hàng trên các phương tiện, thậm chí sử dụng chính xe khách đã hoán cải chở hàng để “ngụy trang” hòng qua mặt lực lượng chức năng. Khi bị lực lượng chức năng truy đuổi, các đối tượng bất chấp tính mạng, chạy xe với tốc độ cao để tẩu tán hàng hóa.

Liên quan đến việc sử dụng xe "quá đát" vận chuyển hàng lậu, mới đây, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia có công văn yêu cầu Bộ Giao thông vận tải rà soát xe ô tô chở người dùng để vận chuyển hàng lậu, hàng cấm, hàng giả trên địa bàn 8 tỉnh gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên. Trả lời công văn này, Bộ Giao thông vận tải đã thống kê đến hết ngày 1/6/2017, cả nước có 7.474 xe chở người hết niên hạn sử dụng. Qua thống kê, từ 1/1/2016 đến 1/6/2017, trên địa bàn 8 tỉnh có 1.295 lượt xe khách tham gia vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, hàng giả đã bị bắt giữ, xử lý. Phần lớn phương tiện vi phạm đã hết niên hạn sử dụng. Theo quy định hiện hành, nếu cố ý vận chuyển hàng lậu với số lượng lớn sẽ bị tịch thu phương tiện, nhất là các phương tiện hết niên hạn sử dụng.

Đại diện Tổng cục Đường bộ cho biết, hiện đơn vị đang triển khai giám sát hành trình đối với toàn bộ phương tiện đường bộ (xe khách, xe tải)… Tổng cục đường bộ thường xuyên làm việc với các tỉnh, thành phố để thực hiện công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Theo đó, những dữ liệu giám sát hành trình đã được các lực lượng chức năng sử dụng trong quá trình điều tra, phá án. Đồng thời, Tổng cục Đường bộ yêu cầu các bến xe phải trang bị phần mềm quản lý bến xe để kiểm soát hàng hóa, đặc biệt là hàng cấm. Tuy nhiên, với gần 500 bến xe trên phạm vi cả nước, đây là thách thức lớn trong việc kiểm soát hành lý có kèm theo hàng hóa trên xe khách.

Bên trong một xe khách chở hàng đã bị lực lượng chức năng bắt giữ. Ảnh: Quang Hùng .

Liên quan đến việc chia sẻ dữ liệu giám sát hành trình cho các đơn vị Hải quan, Công an... thực hiện công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, đại diện Tổng cục Đường bộ cho rằng, đơn vị chỉ có thể chia sẻ kết nối các thông tin về vị trí phương tiện (địa điểm dừng đỗ, tên lái xe, đơn vị quản lý phương tiện…) còn hàng hóa vận chuyển trên phương tiện rất khó kiểm soát.

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, đối với tuyến đường bộ, việc chia sẻ dữ liệu giám sát hành trình phục vụ đấu tranh chống buôn lậu là cần thiết. Theo đó, Bộ Giao thông vận tải cần nắm bắt địa bàn trọng điểm, bến xe trọng điểm, tuyến đường trọng điểm, phương tiện trọng điểm. Ví dụ, tuyến vận chuyển hàng lậu từ Lạng Sơn về Hà Nội, Quảng Ninh-Hà Nội, Lào Cai-Hà Nội…, nếu lực lượng chức năng có dữ liệu giám sát hành trình (địa bàn trọng điểm (bến xe, tuyến đường) về khoảng 50 phương tiện trọng điểm, đối tượng trọng điểm (xe khách, xe tải…) thì sẽ có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Bên cạnh đó, trong thời gian tới, Bộ Giao thông vận tải cần chỉ đạo lực lượng chức năng chủ động nắm tình hình, kiểm soát chặt hàng hóa xếp, dỡ vận chuyển đối với tất cả các loại hình vận tải; tăng cường công tác tổ chức cán bộ, kiên quyết không để các đối tượng lợi dụng móc nối để buôn lậu, gian lận thương mại. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ ngăn ngừa tiêu cực; phối hợp chia sẻ thông tin với cơ quan chức năng trong việc phát hiện xử lý các vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia là đầu mối kết nối giữa Bộ Giao thông vận tải với các bộ, ngành liên quan tổ chức các cuộc hội thảo chuyên đề về cơ chế phối hợp giữa Ban Chỉ đạo 389 quốc gia (Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính) với Ban Chỉ đạo 389 các địa phương.

Quang Hùng

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/giam-sat-hanh-trinh-de-ngan-xe-qua-dat-cho-hang-lau.aspx