Giảm thiểu học sinh vi phạm pháp luật

Thời gian qua, ở địa bàn nông thôn Hòa Vang (TP Đà Nẵng) đã xuất hiện một bộ phận không nhỏ lớp trẻ sống buông thả, đua đòi, gây gổ, đánh nhau, trộm cắp. Trẻ hư hỏng, phạm pháp không chỉ là nỗi đau, mất mát riêng của các bậc cha mẹ, mà còn là mầm mống gieo rắc các TNXH. Trẻ bỏ học một phần do hoàn cảnh gia đình khó khăn, một phần do các em ham chơi, chểnh mảng học tập. Cũng không ít em tuy có ý thức học tập nhưng vì năng lực học tập yếu, lại thiếu phương pháp học tập nên chán nản rồi nảy sinh tư tưởng bỏ học. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần phải quan tâm đến chuyện học hành, sinh hoạt của con hằng ngày thông qua các thầy cô giáo; không thể vì lý do công việc mà buông lỏng việc quản lý con cái.

Trên đây là những nội dung xung quanh buổi tuyên truyền pháp luật cho hơn 1.400 học sinh Trường THPT Phan Thành Tài (xã Hòa Châu) do CAH Hòa Vang phối hợp với nhà trường tổ chức ngày 10-10 nhằm ngăn chặn và phòng chống những thực trạng này... Đây là chuỗi hoạt động của các Đội nghiệp vụ CAH với các Trường THPT, THCS trên địa bàn với mục đích tăng cường kiến thức pháp luật, chấp hành TTATGT, TTATXH, đặc biệt là phòng, chống bạo lực học đường trong lứa tuổi học sinh vùng nông thôn.

Trung tá Trần Đình Thanh – Phó trưởng CAH Hòa Vang tuyên truyền pháp luật tại Trường THPT Phan Thành Tài.

Liên quan đến việc học sinh vi phạm pháp luật trước đây, nhiều bậc phụ huynh vùng nông thôn từng thừa nhận, xét về mặt tâm lý thì trẻ em dễ xúc cảm, bồng bột và thường bị kích động theo phim ảnh. Hiện tượng học sinh thành lập băng nhóm gây gổ, đánh nhau cần phải được các thầy, cô giáo quan tâm theo dõi, kịp thời báo tin để gia đình, các ngành chức năng có biện pháp ngăn ngừa, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra. Đứa trẻ nào cũng khát khao được sống trong một gia đình hạnh phúc, được hưởng trọn vẹn tình yêu thương của cả cha lẫn mẹ. Tình trạng lục đục, sống không thuận hòa của cha mẹ cũng thường xô đẩy trẻ vào con đường phạm pháp. Cũng có ý kiến cho rằng, việc quản lý của các ngành chức năng đối với hoạt động kinh doanh giải trí ở vùng nông thôn, như quán karaoke, internet với những trò chơi bạo lực trên mạng chưa được chặt chẽ, đã tạo cho các cơ sở này mọc lên "như nấm" và trở thành nơi tụ tập, "sinh hoạt" của một số học sinh trốn học… Mỗi người có một góc nhìn nhận khác về nguyên nhân con cái hư hỏng, tuy nhiên khi tổng kết các ý kiến được nêu ra, ai cũng nhận thức rõ: Gia đình không vô can trong việc để con cái sa vào con đường xấu.

Theo trung tá Trần Đình Thanh - Phó trưởng CAH Hòa Vang, thực ra, chuyện học sinh khích bác, ăn hiếp nhau theo kiểu trẻ con dường như không thể tránh. Tuy nhiên, hiện tượng học sinh tiếp xúc với các chất gây nghiện, sử dụng xe máy đến trường, giải quyết mâu thuẫn trong sinh hoạt hằng ngày theo kiểu "xã hội đen" như các video clip được phát tán trong thời gian gần đây là những điều mà xã hội phải cần quan tâm và có biện pháp kịp thời ngăn chặn. Cho nên, hơn ai hết, các bậc cha mẹ là người thực hiện tốt nhất những biện pháp như kết hợp với nhà trường, không nên nuông chiều con quá đáng và khoán trắng cho nhà trường giáo dục. Cha mẹ là tấm gương sáng cho con noi theo. Bên cạnh đó, tăng cường sự phối kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Nhà trường ngoài quản lý giáo dục trẻ em cần làm tốt công tác tư vấn học đường, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn, đội, thu hút các em vào những sân chơi bổ ích. Chính quyền địa phương quan tâm chăm lo cho trẻ em, cộng đồng không vô cảm trước những nguy cơ trẻ bị xâm hại, bạo lực…

Được biết, để xây dựng hiệu quả mô hình "Trường học thân thiện, học sinh tích cực", nhiều năm qua, các thầy cô giáo Trường THPT Phan Thành Tài nói riêng, các trường trên địa bàn H. Hòa Vang nói chung đã tích cực tổ chức nhiều hoạt động xã hội nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, hiếu học cho các em; đồng thời, nỗ lực phối hợp với các địa phương, ban ngành cùng các bậc phụ huynh học sinh tìm giải pháp giáo dục học sinh "cá biệt".

Thầy Lê Kim Quang - Hiệu phó Trường THPT Phan Thành Tài chia sẻ: "Khi các em đến trường, trách nhiệm của nhà giáo chúng tôi là luôn giúp cho các em thấy cái sai mà sửa chữa, tuyệt đối không được ruồng bỏ. Không chỉ tham gia cảm hóa giáo dục bằng lời nói mà phải thể hiện bằng hành động, năng động tìm một "sân chơi" phù hợp với lứa tuổi trong sáng của các em. Có như vậy, việc sai phạm của học sinh mới có cơ may giảm thiểu"…

Từ đó cho thấy, vai trò hết sức quan trọng đối với các em vẫn là những người làm cha, làm mẹ. Cho nên, sự phối kết hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội là điều rất cần thiết, bởi giáo dục đạo đức ở nhà trường là môi trường thuận lợi để các em rèn luyện nhân cách, vươn lên trong học tập để mai sau vững vàng bước vào đời bằng chính đôi chân của mình.

An Dương

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/137_156114_gia-m-thie-u-ho-c-sinh-vi-pha-m-pha-p-lua-t.aspx