Giảm thiểu trẻ em bị tử vong vì đuối nước

Trong thời gian gần đây, các địa phương xảy ra nhiều vụ tai nạn trẻ em, học sinh bị đuối nước rất thương tâm. Tính sơ bộ, riêng tháng 5 vừa qua, cả nước có tới 19 em tử vong do đuối nước. Trung bình mỗi năm ở nước ta có khoảng 6.000 trẻ em bị chết do đuối nước. Tỉ suất chết do đuối nước của Việt Nam cao gấp 10 lần các nước đang phát triển.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo thống kê của Bộ GDĐT năm 2005-2006 và 2007, số trẻ em và vị thành niên bị tai nạn thương tích là 556.891 trường hợp, hơn 22.000 em đã tử vong. Trong đó, tỉ lệ tử vong do đuối nước là cao nhất, chiếm hơn 50%. 10 tỉnh có tỉ lệ trẻ em đuối nước cao gồm Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình và Thanh Hóa.

Đời sống kinh tế xã hội ngày càng phát triển, mỗi gia đình đều dành những điều kiện tốt nhất trong khả năng cho con. Nhà trường, địa phương ganh đua nhau về tỉ lệ học sinh giỏi, tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp, học sinh đỗ đại học... Ngành GDĐT cũng chỉ xem trọng các tiêu chí ấy để xếp loại thi đua. Chưa thấy cơ sở giáo dục nào được thưởng điểm thi đua vì quan tâm đến giáo dục thể chất, trong đó có việc dạy bơi cho trẻ. Không có quy định nào mang tính bắt buộc phải dạy cho trẻ biết bơi song song với việc biết chữ.

Với điều kiện tự nhiên của một đất nước có hơn 3.000km bờ biển, hàng nghìn con sông lớn nhỏ, hệ thống kênh rạch chằng chịt... thì cái sự không dạy bơi cho người Việt ngay từ khi còn nhỏ quả là khó hiểu và khó chấp nhận. Hiện nay, chỉ có một số ít bể bơi ở thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM... có tổ chức học bơi cho học sinh, với số lượng không nhiều. Học sinh ở các vùng nông thôn, nơi sông nước, lũ lụt nhiều, đối mặt với nguy cơ tai nạn về nước cao, thì dường như chưa có điều kiện để chỉ dạy, huấn luyện cho các em.

Thấy rõ vấn đề này, đầu năm 2010, Bộ GDĐT có công văn gửi các sở GDĐT về việc triển khai công tác phòng, chống đuối nước và thí điểm dạy bơi trong trường tiểu học giai đoạn 2010-2015. Theo đó, các tỉnh, thành phố sẽ triển khai mô hình thí điểm dạy bơi trong các trường tiểu học bằng các hình thức phù hợp với từng địa phương. Bể bơi được đầu tư xây dựng tại trường học, cụm trường.

Song để đạt được mục tiêu đặt ra không dễ dàng chút nào. Vì kinh phí xây dựng, duy trì hoạt động và bảo dưỡng bể bơi quá sức đối với các trường và địa phương, trong khi nếu bộ hỗ trợ kinh phí cho các trường thì sẽ là nguồn vốn rất lớn, mỗi trường xây một cái bể cũng cần đến hàng trăm triệu đồng.

Vì vậy Bộ GDĐT - cần có cái nhìn và cách làm thực tế. Trước mắt, cần ưu tiên thí điểm, giảng dạy môn bơi cho học sinh vùng có nhiều sông nước, kênh rạch, hay xảy ra lũ lụt. Hiện tại chưa có kinh phí xây bể bơi, các nhà trường nên tổ chức thực hành bơi cho học sinh ở bên ngoài, dưới sự giám sát chặt chẽ của thầy, cô giáo và người biết bơi.

Tất nhiên, địa phương và ngành giáo dục cần hỗ trợ thêm về kinh phí để bồi dưỡng, động viên cho thầy, cô giáo, tổ chức đoàn thanh niên nhà trường làm việc cần thiết đó. Học đồng bộ, bài bản trong nhà trường, chắc chắn, em nào cũng biết bơi, sẽ phòng được những bất trắc xảy ra.
Đỗ Tấn Ngọc

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/ban-doc-viet/giam-thieu-tre-em-bi-tu-vong-vi-duoi-nuoc/133123.bld