Giãn cách giờ làm, giờ nghỉ từ một tiếng trở lên

Ông Lê Hồng Việt, Phó Chánh thanh tra Sở GTVT xác định phải tách hẳn giờ đi làm, đi học, giờ về nhà của các đối tượng ra với mức chênh lệch ít nhất 1 tiếng thì lệch ca, lệch giờ mới cho hiệu quả khả quan.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngày 15/11, UBND TP HCM cũng đã có cuộc họp với Ban ATGT TP và các sở, ngành địa phương để bàn về phương án sắp xếp lệch giờ làm việc, giờ học và sản xuất kinh doanh.

Tại cuộc họp này, các đại diện đều thống nhất rằng, các đơn vị khi đề xuất phương án phải tính đến những đặc thù của thành phố như có nhiều cảng sông và cảng biển trong nội thành, sự dịch chuyển dân cư cao... và thống nhất giao Sở GTVT cùng Ban ATGT soạn thảo báo cáo về phương án lệch giờ để UBND TP trình Chính phủ trước ngày 20/11 tới đây.

Theo ông Nguyễn Văn Xê, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH: Đối tượng viên chức, công chức và lao động hợp đồng trong các đơn vị hành chính sự nghiệp trên địa bàn khoảng 200-250 ngàn người. Nhưng nơi làm việc phân bổ đều trên 24 quận, huyện, chứ không tập trung tại một khu vực hành chính của thành phố; không tập trung tại một số khu vực thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông. Khoảng 1,5 triệu học sinh, sinh viên cùng đổ dồn ra đường chủ yếu bằng phương tiện cá nhân để đi học vào giờ này, kẹt xe, ùn ứ giao thông trên đường vào giờ trên là điều dễ hiểu.

Phương tiện cá nhân trên đường vào giờ cao điểm.

Ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở GTVT, Phó trưởng Ban Thường trực Ban ATGT đề xuất mạnh dạn đổi giờ làm của khu vực hành chính sự nghiệp bắt đầu từ 9h sáng, kết thúc lúc 15h chiều; cần thiết thì bố trí làm việc thêm ngày thứ 7 để bảo đảm đủ thời gian làm việc 40 giờ/tuần nhưng đã không được các đơn vị trên địa bàn đồng tình.

Đồng quan điểm này, ông Lê Hồng Việt, Phó Chánh thanh tra Sở GTVT cũng xác định phải tách hẳn giờ đi làm, đi học, giờ về nhà của các đối tượng ra với mức chênh lệch ít nhất 1 tiếng thì lệch ca, lệch giờ mới cho hiệu quả khả quan.

Cụ thể, học sinh, sinh viên các bậc học sẽ đi học lần lượt vào lúc 6h, 7h, 8h sáng; còn đối tượng hành chính sự nghiệp làm việc vào lúc 9h sáng. Trên thực tế, dù áp dụng giờ làm việc hành chính vào lúc 7h hoặc 7h30', nhưng cán bộ, viên chức tại nhiều cơ quan chỉ thực sự làm việc sau 8h sáng. Bởi buổi sáng vội vội vàng vàng đi làm, đến cơ quan cho có mặt rồi sau đó dành thời gian đi ăn sáng, uống cà phê hoặc tán gẫu trước khi khởi động một ngày làm việc mới.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân dẫn đến hiện tượng các sở, ngành, đơn vị đồng loạt đề xuất phương án lệch giờ quá ít như trên là do các đối tượng làm việc trong khung hành chính đều ngại khó khi lệch giờ nhiều quá. Cho dù phải ra đường vào giờ kẹt xe nhưng nhiều người vẫn chấp nhận, muốn giờ đi làm sát với giờ học, giờ tan trường của con em, dễ dàng kết hợp "hai trong một", trên đường đi làm và lúc ra về đều có thể tranh thủ đón con em, đi chợ…

Vì vậy, khi các sở, ngành, đơn vị đưa vấn đề lệch ca, lệch giờ ra để lấy ý kiến của cán bộ, nhân viên trong đơn vị, nhiều người đã không đồng ý với cách thay đổi giờ giấc quá lớn này. Bắt đầu làm việc vào 9h sáng thì nhiều người thấy thoải mái, nhưng buổi chiều về muộn hơn thì lại kẹt chuyện gia đình, con cái. Các đơn vị thì lo nếu lệch giờ gây khó khăn với cuộc sống của cán bộ, nhân viên sẽ khiến họ không hoàn thành nhiệm vụ nên cũng đành phải đưa ra đề xuất lệch chút ít thời gian cho có.

Từ thực tế này, một cán bộ trong ngành GTVT cho rằng, trước tình hình giao thông phức tạp hiện nay, khi thành phố đưa ra bất cứ giải pháp nào thì chắc chắn sẽ có những bộ phận người dân bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, mỗi cá nhân đều phải biết chấp nhận, khắc phục vì lợi ích chung của cả cộng đồng. Về phía chính quyền, cần kiên quyết thực hiện lệch ca, lệch giờ theo hướng tách biệt hẳn giờ làm, giờ nghỉ của từng đối tượng ra xa nhau, thì lệch ca, lệch giờ mới có hiệu quả

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/xahoi/2011/11/160005.cand