Gian dối kê khai nguồn gốc đất, sao vẫn cấp sổ đỏ?

Báo Lao Động số ra ngày 8.3 đăng bài: 'Vụ tranh chấp đất đai kéo dài 20 năm ở TPHCM: Thành phố chỉ đạo thu hồi sổ đỏ, quận 9 không nghe'. Nội dung bài báo phản ánh việc UBND quận 9 đã không thực hiện chỉ đạo của UBND TPHCM, trong việc thu hồi hàng loạt giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), mà UBND quận 9 đã cấp trái luật cho nhiều hộ dân đang bị tố cáo lấn chiếm đất đai của người khác…

Quang cảnh một góc khu đất đang bị tranh chấp và được quận 9 cấp số đỏ không đúng quy định. Ảnh: P.V

Thực tế cho thấy, các hộ dân lấn chiếm này đã có dấu hiệu gian dối kê khai nguồn gốc đất ngay từ đầu, nhằm chiếm đất của người khác...

Đất lấn chiếm thành đất… “khai hoang” (?)

Có tổng cộng 8 hộ dân đã được UBND quận 9 cấp sổ đỏ gồm: Đỗ Văn Giao (10.800m2), Nguyễn Văn Sang (2.200m2), Đỗ Văn Tài (9.148m2), Đỗ Văn Thại (18.122m2), Đỗ Văn Hai (5.653m2), Đỗ Thị Lợi (3.142m2), Phan Hữu Khánh (2.000m2) và Đỗ Thái Hùng (4.000m2). Theo các báo cáo của UBND quận 9, thì việc chính quyền cấp sổ đỏ cho các hộ dân trên là do các hộ đã canh tác trên đất và đã đăng ký theo chỉ thị 299/TTg của Thủ tướng Chính phủ; cho nên, việc cấp sổ đỏ cho các hộ dân trên là đúng quy định luật pháp.

Tuy nhiên, tài liệu chúng tôi nắm được lại thể hiện ngay từ đầu, khi kê khai nguồn gốc đất để làm sổ đỏ với chính quyền, 7/8 hộ dân kể trên đã có dấu hiệu gian dối, kê khai không đúng sự thật về nguồn gốc đất đai mà họ đang canh tác. Cụ thể, tại tài liệu kê khai nguồn gốc đất vào năm 1997, các hộ Sang, Tài, Thại, Hai, Lợi, Khánh và Hùng đều có chung một nội dung kê khai là “ đất phá hoang” từ năm 1954 hoặc 1956, xuất phát từ người chú là Đỗ Văn Trì hoặc người cha là Đỗ Văn Giao “phá hoang, để lại cho con cháu” (?)…

Trong khi đó, theo bà Phạm Thị Nguyệt - người đứng đơn tố cáo đòi lại đất cho gia tộc: “Toàn bộ diện tích đất mà các hộ trên kê khai để làm sổ đỏ cho riêng họ, trên thực tế lúc đó, là đất hợp pháp của gia đình tôi. Nó thể hiện trên bằng khoán, giấy tờ mua bán có chứng thực, xác nhận của chính quyền chế độ cũ…

Thật phi lý, ngày 15.8.1966, ông bà nội tôi là Tăng Như Hoa và Nguyễn Thị Ô mới mua đất, gia tộc tôi trực tiếp quản lý, sử dụng 72.240m2 đất từ thời điểm đó. Sau năm 1970 mới cho ông Trì, ông Giao canh tác nhờ trên đất, thì cơ sở nào các hộ trên nói ông Trì, ông Giao “phá hoang” từ năm 1954, 1956 ?”. Thật vậy, chính ông Đỗ Văn Giao (là cha đẻ của một số trong 7 hộ dân còn lại), khi kê khai để làm sổ đỏ, phải thừa nhận nguồn gốc đất mà ông Giao đang canh tác là của ông Tăng Như Hoa.

Vì sao UBND quận 9 vẫn cấp sổ đỏ?

Theo luật sư Hồ Nguyên Lễ - Trưởng Văn phòng luật sư Tín Nghĩa (TPHCM): “Hành vi kê khai gian dối, không đúng sự thật để hợp thức hóa hàng ngàn mét vuông đất lấn chiếm của người khác; đồng nghĩa, hồ sơ cấp sổ đỏ cho các hộ dân trên là giả mạo, không hợp pháp, thậm chí vi phạm luật pháp. Vì vậy, việc UBND TP chỉ đạo UBND quận 9 thu hồi sổ đỏ cấp sai, giữ nguyên hiện trạng là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với quy định của luật pháp”.

Thế nhưng, theo ông Nguyễn Văn Thành - Phó Chủ tịch UBND quận 9: Trong số các giấy chứng nhận QSDĐ đã cấp cho các hộ nêu trên, đã có một số hộ chuyển nhượng QSDĐ cho người khác… Ông Thành cũng cho rằng, quận 9 đã thực hiện giải quyết khiếu nại của bà Nguyệt từ tháng 10.1998. “Vì vậy, việc UBND quận 9 cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho các hộ là đúng quy định” - ông Thành khẳng định. Do đó, theo quan điểm của ông Thành và UBND quận 9, việc thu hồi sổ đỏ của UBND TP là không đúng quy định”.

Luật sư Lễ cho rằng: “Thực chất vụ việc, có dấu hiệu làm giả hồ sơ, sai phạm có hệ thống trong việc cấp sổ đỏ, gây hậu quả nghiêm trọng cho người khác, thì UBND quận 9 lại… làm ngơ”.

Dư luận đang chờ cách giải quyết của UBND TPHCM.

Cao Hùng

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/gian-doi-ke-khai-nguon-goc-dat-sao-van-cap-so-do-657211.bld