Gian nan bảo tồn nhà cổ ở phố cổ Hà Nội

Theo số liệu khảo sát năm 1999, khu vực phố cổ Hà Nội có khoảng 1.000 ngôi nhà cổ có giá trị về kiến trúc, lịch sử. Trong vòng 10 năm trở lại đây, diện mạo phố cổ Hà Nội đã có nhiều thay đổi. Thế nhưng gần đây, Hà Nội mới có dự án kiểm tra, đánh giá lại nhà cổ. Thế nên đến giờ phút này chưa có kết luận chính xác về thực trạng nhà cổ. Thời gian không biết đợi chờ nên nhiều ngôi nhà cổ ngày một xuống cấp, hư hại, gặp biến cố...

Sống chật... Chúng tôi đi cùng một cư dân phố cổ, người có tình yêu cháy bỏng với vùng di sản này để được nghe được, thấy sự "khéo co" của chủ nhân các ngôi nhà cổ đang xuống cấp và chật chội bậc nhất ở khu vực di sản đô thị này. Đến đây, chúng tôi giật mình so sánh, họ còn sống trong điều kiện tồi tệ ở phần diện tích bé hơn nhiều cái tỷ lệ trung bình 80.000 người/km2, một tỷ lệ được liệt vào diện cao nhất...thế giới. Ngủ phía trên, vật dụng sinh hoạt như xô, chậu, bếp dầu, nồi niêu để dưới gầm phản. Quần áo treo trên tường, ngăn cách với hàng xóm bằng chỉ bằng tấm ri đô. Đã vậy, khoảng trời riêng của bác Phùng Thị Minh Tân, một trong những người đồng thừa kế ngôi nhà ở 100 Hàng Bạc còn bị công cộng hóa. Nghĩa là, từ giường ngủ bước xuống cũng chính là lối đi của hai hộ bên trong. Mọi sinh hoạt riêng tư của bác dù rất tế nhị nhưng luôn trong tình trạng lọt vào mắt người khác bất cứ lúc nào. Theo bác Tân, ngôi nhà này hơn 100 tuổi, do cụ ngoại bác làm nghề kim hoàn xây dựng. Bác dẫn chúng tôi đến vị trí mà cách đây 1 năm bỗng dưng sập. Trên các bức tường, dấu vết đổ vỡ vẫn còn. Vị trí trước kia được kê giường ngủ, nay để các vật dụng lỉnh kỉnh.Theo bác Tân, từ khi nó bị sụt đến giờ, chẳng ai sửa chữa lại. Hộ gia đình trước đây ở vị trí này, giờ đã chuyển đi nơi khác. Việc này vô tình tạo ra một khoảng trống trong khối nhà có diện tích 68m2 mặt sàn. Chẳng phải kiến trúc sư nhưng chúng tôi cũng nhận thấy, ngôi nhà có nét đặc trưng của nhà cổ. Nhà hai tầng, có hai sân trời, nguyên liệu chủ yếu bằng gỗ. Nói về việc bảo tồn, sửa chữa, bác Tân cho biết, phải đợi thành phố áp dụng chương trình giãn dân. Sau khi việc giãn dân được thực hiện, gia đình bác sẽ tự tiến hành sửa chữa, bảo tồn nguyên trạng. Tại số nhà 47 Hàng Bạc, chúng tôi gặp bác Nguyễn Thị Quế đang ngồi bán quần áo treo trên vách tường sát vỉa hè. Theo bác Quế, số nhà này hiện có 6 hộ dân đang sinh sống. Gia đình bác được sử dụng 16m2 để ở, ngoài ra còn được sử dụng sân, lối đi, công trình phụ chung. Khu nhà vệ sinh chật chội với đủ vật dụng lỉnh kỉnh. Cuộc sống của một gia đình lớn trong diện tích 16m2 vô cùng chật vật. Ngay như việc bếp núc, cũng tùy tình hình để chọn địa điểm. Tuy các hộ đã "tách" bếp nhưng nhà vệ sinh các hộ dân ở tầng dưới vẫn dùng chung, chỉ có duy nhất một hộ dân ở tầng hai đã có nhà vệ sinh riêng. Chúng tôi đi sâu vào bên trong, hậu quả của cơn hỏa hoạn xảy ra vào ngày 8 Tết vẫn còn hiển hiện. Những thanh gỗ cháy nham nhở, đen xì. Tấm biển báo, "khu vực nguy hiểm", nhắc nhở chúng tôi phải thận trọng. Theo bác Quế, cách đây khoảng 6 - 7 tháng, phần mái thẳng của ngôi nhà bị đổ; ngày 28 Tết, lại đổ mái nhà ngoài, người ta khắc phục bằng cách lợp một mái tôn khác; và ngày 8 Tết xảy ra hỏa hoạn, ngọn lửa bắt lên từ gác thờ chung của dòng họ, phá hủy gần hết ngôi nhà trừ phần mặt tiền. 38 năm làm dâu, sống tại ngôi nhà được các nhà nghiên cứu về kiến trúc, lịch sử xếp vào diện đẹp nhất nhì trong 1.000 ngôi nhà cổ nhưng bác Quê lại chịu cảnh sống hết sức chật chội. Sau ngần ấy năm, chứng kiến sự xuống cấp từng ngày của ngôi nhà và mới đây là hỏa hoạn, bác sẵn sàng di dời đến nơi ở mới để cuộc sống đỡ bí bách. Ý kiến của bác khiến chúng tôi rất ngạc nhiên, bởi theo khảo sát, tỷ lệ người được hỏi sẽ một hai "sống chết" ở phố cổ chiếm đa số. Cũng tại khu vực phố cổ, cách đây khoảng 20 năm Hà Nội đã tiến hành sửa chữa, cải tạo một số ngôi nhà xuống cấp, có nguy cơ sụp đổ. Để biết cuộc sống của người dân trong các ngôi nhà đã được cải tạo, chúng tôi trò chuyện với vợ chồng bác Vũ Thị Chất, một trong những cư dân gắn bó cả đời mình với số nhà 41 Hàng Buồm... Khi chúng tôi hỏi, có sự khác biệt nào khi ở nhà cổ và nhà xây mới, bác Chất cho biết, ở nhà mới không lo bị sập. Tuy nhiên, do diện tích không được mở rộng nên không gian sống vẫn rất chật hẹp. Điều kiện sống cũng không được cải thiện bởi vẫn sử dụng chung khu vệ sinh, vòi nước. Trong cuộc hội thảo hồi tháng 3/2009, "Bảo tồn phố cổ Hà Nội - Tìm kiếm những giải pháp từ kinh nghiệm quốc tế", một hoạt động của chương trình "Bảo tồn và phát triển khu phố cổ Hà Nội" của các tổ chức trong và ngoài nước đã đánh giá, vệ sinh là vấn đề bức bối nhất tại đây. Điều này đã phản ánh đúng thực trạng hiện nay ở khu phố cổ. Nó cũng cho thấy, điều kiện sống của cư dân khu vực này rất thấp. Hà Nội đã và sẽ làm gì để vừa bảo tồn, vừa nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân phố cổ, trong số báo tiếp theo, chúng tôi sẽ có bài viết về vấn đề này

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/xahoi/2010/3/126882.cand