Gian nan công tác phòng, chống tham nhũng trong các lĩnh vực nhạy cảm

KTĐT - Nhận định về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) thời gian qua ở Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh cho rằng,đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là trong lĩnh vực tài chính, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, thẩm định, phê duyệt dự án… và bước đầu đã hạn chế những sơ hở có thể dẫn đến tham nhũng. Có được chuyển biến này, chính là nhờ sự kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp của thành phố, trong đó có việc ban hành những cơ chế, chính sách nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực nhạy cảm; tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao kỷ luật, kỷ cương, xử lý trách nhiệm cán bộ vi phạm.

Một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu góp phần ngăn ngừa, hạn chế tham nhũng, lãng phí chính là công tác cán bộ và cải cách hành chính. Đây cũng là hai khâu đột phá mà Hà Nội đã tích cực thực hiện quyết liệt trong những năm qua. Về cải cách hành chính, ngoài việc ban hành 121 văn bản quy phạm pháp luật, TP cũng đã công bố bộ danh mục thủ tục hành chính (TTHC) gồm 1881 thủ tục đã thực hiện tại các cấp, các ngành (cấp huyện 296; cấp xã 155 và cấp sở, ban, ngành là 1430). Hà Nội cũng đã rà soát các TTHC thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông đối với 80 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết cấp huyện; 51 TTHC thẩm quyền cấp xã và 684 TTHC thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành. Qua rà soát, đã hủy bỏ 14 TTHC cấp huyện và 16 TTHC cấp xã. Trong công tác cán bộ, qua 3 đợt điều động, TP đã luân chuyển 57 cán bộ diện Thành ủy quản lý, từ các sở, ban, ngành TP tăng cường cho các quận, huyện. Công tác quy hoạch cán bộ được triển khai tích cực, đồng bộ từ cơ sở đến thành phố và đạt kết quả tốt, đã quy hoạch được 845 cán bộ diện Thành ủy quản lý, hoàn thành quy hoạch nhân sự chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp của Thành phố vào năm 2010. Về thanh tra kinh tế – xã hội, trong 9 tháng năm 2009, thanh tra các cấp đã và đang thực hiện 195 cuộc thanh tra (33 cuộc thanh tra đột xuất), phát hiện sai phạm và kiến nghị thu hồi gần 28 tỷ đồng, 18.868 m2 đất và kiến nghị xử lý 18 cán bộ (thanh tra đất đai tại hai huyện Mỹ Đức và Mê Linh); đề nghị chuyển cơ quan điều tra 2 vụ tại huyện Ứng Hòa và Chi cục quản lý thị trường. Qua công tác giải quyết khiếu nại tố cáo cũng đã kiến nghị thu hồi gần 6 tỷ đồng, 71.420m2 đất, trả cho dân 388 triệu đồng, thu hồi 5 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… Về đấu tranh chống tham nhũng, công an TP đã thụ lý điều tra 26 vụ với 38 đối tượng (tham ô 6 vụ, 9 đối tượng; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản 4 vụ, 4 đối tượng; đưa hối lộ 9 vụ, 11 đối tượng…). Tổng số thiệt hại do tội phạm gây ra là 19 tỷ 958 triệu đồng, đã xử lý thu hồi 16 tỷ 121 triệu đồng… Để phát huy những kết quả đạt được, Ban chỉ đạo PCTN thành phố đã kiến nghị với Chính phủ trình Quốc hội bổ sung quy định về thành lập các Ban chỉ đạo cấp quận, huyện, thị xã; bổ sung chế độ, chính sách cho cán bộ làm công tác này và hoàn thiện các văn bản, hướng dẫn thực hiện Luật PCTN… Cùng với đó, thành phố tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật, kỷ cương công vụ; nâng cao hiệu quả giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiên quyết xử lý cán bộ né tránh, đùn đẩy và không làm hết trách nhiệm trong công tác này. Đồng thời để ngăn ngừa các hành vi tham nhũng, Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh yêu cầu các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh xử lý vi phạm về đất đai và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; nâng cao chất lượng thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thông qua việc rà soát, điều chỉnh, sửa đổi kịp thời những bất hợp lý… Mặc dù công tác PCTN đã có bước tiến bộ, nhưng Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh cho rằng, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp. Đáng lo ngại là thủ đoạn tham nhũng ngày càng tinh vi, như trong lĩnh vực ngân hàng, số cán bộ tham ô, tham nhũng chiếm tỷ lệ lớn, có vụ tham ô lên tới hàng chục tỷ đồng, gây thiệt hại và làm ảnh hưởng đến chính sách đầu tư của nhà nước và thành phố. Dự báo trong thời gian tới, loại tội phạm trong lĩnh vực này vẫn diễn biến phức tạp và gia tăng cả về số lượng, thành phần tham gia, nhất là ở ngành ngân hàng, xây dựng cơ bản, đền bù GPMB của các dự án, thuế, quản lý thị trường. Phó Chủ tịch cũng đặc biệt lưu ý tới lĩnh vực quyết toán, chất lượng công trình dự án kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội và việc sử dụng gói kích cầu của Chính phủ và TP. B.Châu

Nguồn KTĐT: http://www.ktdt.com.vn/newsdetail.asp?catid=16&newsid=179801