Gian nan tạo việc làm cho người nghiện sau cai

Học nghề, tìm kiếm việc làm để ổn định cuộc sống là nhu cầu chính đáng và thiết thực của những người nghiện sau cai (NNSC). Việc ổn định được công việc giúp họ tái hòa nhập cộng đồng, ngăn chặn việc tái nghiện. Tuy nhiên, còn nhiều rào cản trong xã hội khiến người nghiện sau cai gặp khó khăn trong việc hòa nhập cuộc sống và tự tạo cơ hội 'đổi đời'.

Người nghiện đến Bệnh viện 09 để điều trị thay thế nghiện bằng thuốc Methadone. Ảnh: PV

Hỗ trợ dạy nghề cho học viên cai nghiện

Hiện tại, các Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục Lao động xã hội trên địa bàn TP.Hà Nội đang quản lý tổng số hơn 2.600 học viên; trong đó, cai nghiện bắt buộc cho 803 người, quản lý sau cai nghiện ma túy cho 700 người, cai nghiện tự nguyện cho 955 người (không hỗ trợ kinh phí: 72 người; hỗ trợ kinh phí: 883 người), 40 người lưu trú tạm thời, 121 người điều trị Methadone.

Nhằm nâng cao hiệu quả cai nghiện ma túy tại các Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục Lao động xã hội, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.Hà Nội) đã chỉ đạo các Trung tâm này đổi mới công tác tuyên truyền giáo dục, thực hiện tốt quy trình cai nghiện, rà soát nhu cầu và xây dựng kế hoạch dạy nghề cho các học viên cai nghiện.

Quá trình hoạt động, các Trung tâm đã thực hiện tuyên truyền giáo dục giúp học viên ổn định tư tưởng, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi bằng các hình thức như: Tuyên truyền qua hệ thống loa đài, chiếu phim, các kỹ năng phòng, chống tái nghiện; trao đổi, học tập, chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động truyền thông tại đội; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao hưởng ứng các ngày lễ lớn… Cùng với đó, tổ chức luyện tập các hoạt động giao lưu hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy; Ngày Quốc tế và Ngày toàn dân phòng, chống ma túy 26.6.

Ngoài ra, các Trung tâm còn chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức giáo dục, tư vấn, tuyên truyền cho học viên; thường xuyên duy trì từ 15-19 lớp giáo dục chuyên đề cho hơn 1.800 học viên; cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình cho 1.100 học viên.

Cần xóa bỏ rào cản với người nghiện sau cai

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, việc đào tạo nghề và tạo việc làm cho NNSC còn hạn chế. Hằng năm, số NNSC có việc làm chỉ chiếm khoảng 10% so với số người được chữa trị, phục hồi, và cũng chỉ khoảng 20% trong số đó có việc làm ổn định, đủ nuôi sống bản thân. NNSC chủ yếu làm công nhân ở các cơ sở sản xuất (62%), số còn lại làm công việc tự do. Hầu hết NNSC có công việc ổn định đều thấy tự tin khi hòa nhập, 57% yên tâm với cuộc sống hiện tại và chỉ một số ít (14%) còn chưa tin tưởng vào chính mình cũng như đồng nghiệp.

Tại Hà Nội, sau 5 năm triển khai công tác quản lý sau cai nghiện ma túy (2010-2015), các quận, huyện trên địa bàn thành phố đã ra 13.000 quyết định áp dụng biện pháp quản lý sau cai nghiện cho đối tượng đã hết thời gian cai nghiện bắt buộc tại trung tâm và nơi cư trú; 1.615 NNSC được dạy nghề; 2.431 NNSC được hỗ trợ, tạo việc làm tại địa phương. Như vậy, con số được hỗ trợ học nghề và tạo việc làm còn khiêm tốn so với số người nghiện sau cai trên địa bàn thủ đô.

Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình tái hòa nhập, anh Hoàng Xuân Nam - hiện đang điều trị ngoại trú Methadone tại bệnh viện 09 chia sẻ: “Hằng ngày, tôi đến bệnh viện 09 uống thuốc, cùng với đó tôi vẫn lao động bình thường và đang làm công nhân tại Thanh Trì. Ban đầu, những người như chúng tôi đi làm thì bị mọi người khá kỳ thị và nhiều nơi họ còn không thuê. Về sau khi thấy chúng tôi cũng tích cực chữa bệnh và làm việc, thì mọi người hiểu và cảm thông hơn”.

Để tạo điều kiện cho các học viên sau cai nghiện tìm kiếm được việc làm, từng bước ổn định cuộc sống, các Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục Lao động xã hội đã tiến hành rà soát nhu cầu học nghề của học viên và xây dựng kế hoạch dạy nghề phù hợp. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức tư vấn hướng nghiệp, học nghề cho học viên tại Trung tâm.

LÊ HOA

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/ban-doc/gian-nan-tao-viec-lam-cho-nguoi-nghien-sau-cai-684688.bld