Giản Tư Trung: Tôi muốn cống hiến cho xã hội này một cuộc đời tử tế

Không ít người, sau khi đọc cuốn sách 'Đúng việc - Một góc nhìn về câu chuyện khai minh', thậm chí nghe Giản Tư Trung thuyết giảng đều nghĩ rằng, những điều ông viết hay nói ra đều là lý thuyết. Nhưng ông vẫn say mê nghiệp giảng, tự đặt những câu hỏi đôi khi có vẻ 'ngớ ngẩn' để tự chiêm nghiệm, suy nghĩ. Đó là cách học tự nhiên nhất để khai minh chính mình và người khác.

Cách sống

Không hiểu Giản Tư Trung nghĩ gì khi đáp lại câu hỏi của ông rằng, "người trẻ sống làng nhàng hay dấn thân?" trong buổi thuyết giảng mới đây về "Quản trị cuộc đời" tại Hà Nội, cả hội trường gần nghìn sinh viên chìm vào yên lặng. Chỉ một vài giọng nói yếu ớt vang lên: "sống làng nhàng".

Họ không dám trả lời hay thực tế họ sống làng nhàng, không rõ lý tưởng sống? Điều này dường như đi ngược với những nỗ lực truyền bá lý tưởng sống gắn với sự học của Giản Tư Trung trong suốt 15 năm qua, kể từ khi khai lập Trường Doanh nhân PACE (trường doanh nhân đầu tiên của Việt Nam) mà ông vẫn gọi là khai minh chính mình và những người trẻ.

Ông nghĩ thế nào trước những người trẻ đang không dám đối diện với chính họ? Sự khai minh mà ông mong muốn đang ở chặng đường nào?

Tôi đứng lớp không phải dạy người khác mà chính là quá trình tôi tự khai minh chính mình. Tôi cần môi trường xúc tác xung quanh. Khi tôi đặt câu hỏi như: "Bạn sống để làm gì?", "Thế nào là con người?", "Bạn có phải con người không?"..., tôi muốn chúng tôi, tôi và mọi người, cùng suy ngẫm và tự trả lời. Nếu ai đó không quan tâm đến vấn đề này thì khó chạm vào khai minh lắm.

Tôi sẽ không quên câu nói của một sinh viên Đà Nẵng sau buổi giảng của tôi. Cậu ấy nói với tôi: "Em đã mua sách của thầy, em đã đọc vài trang, nhưng chắc sẽ không bao giờ đọc lại nữa vì thầy toàn viết những điều lý thuyết”. Tôi hỏi cậu đã đi làm chưa và sống có đủ không. Câu trả lời là đã đi làm được 2 năm, công việc phập phù, lúc kiếm được lúc không.

Nếu cậu ấy không thấy sự phập phù đang là vấn đề của mình, thì tôi sẽ giúp cậu ấy thế nào đây?

Theo ông tại sao nhiều người trẻ lại có cách sống như vậy?

Học, chơi và làm làng nhàng. Người ta chỉ dấn thân để học khi biết học để làm gì? Học vì mục tiêu gì? Không trả lời được học để làm gì thì đừng có học. Nhưng tôi vẫn thấy rất nhiều sinh viên đến trường vì cha mẹ họ muốn vậy, những người xung quanh nói cần phải vậy.

Tôi vẫn nói khi đứng lớp là, con người được xác định bởi 2 câu hỏi: học để làm gì và sống để làm gì? Nếu xác định được sống để làm người, làm danh, làm nghề thì sẽ xác định được động cơ cần học. Từ đó, sẽ có hành động dấn thân trong cuộc sống.

Tôi mong những người trẻ hãy đặt câu hỏi đó cho chính mình để họ dám dấn thân.

Cũng phải nói thêm, ngay trong buổi thuyết trình đó, chính những con người không dám tự trả lời liệu mình đang sống dấn thân hay làng nhàng lại có ham muốn lớn về sự thành công và giàu có. Nhiều sinh viên đã tâm sự muốn làm kinh doanh để làm giàu, có tiền và có quyền. Câu hỏi mà ông Giản Tư Trung nhận được nhiều nhất trong ngày hôm đó là làm thế nào để khởi nghiệp thành công.

Hôm đó, khi nhận được câu hỏi làm thế nào để kinh doanh thành công, ông có đặt câu hỏi là “làm thế nào để đạt giải Nobel” và cũng không ai trả lời. Hàm ý của ông là gì?

Tôi chỉ muốn nói với các bạn ấy rằng, những người làm việc xác định để đạt giải Nobel sẽ không bao giờ có được nó. Giải thưởng sẽ tự tìm đến với những người cống hiến hết mình cho khoa học.

Làm kinh doanh cũng vậy, phải hiểu kinh doanh là gì thì mới yêu, từ yêu mới dấn thân và hệ quả là tạo ra sản phẩm và tiền - kết quả cuối cùng của cả quá trình.

Những người yêu tiền thường không kiếm được nhiều tiền, hoặc nếu có kiếm được nhiều tiền thì cũng không phải bằng con đường chính đạo.

Tôi muốn nhắc đến những con người kiếm được rất nhiều tiền, được quý mến. Phần lớn họ là những người yêu sự sáng tạo, muốn tạo ra những giải pháp ưu việt để giải quyết những vấn đề của cuộc sống. Chính mong muốn đó của họ được “đóng gói” trong các giải pháp, trở thành sản phẩm và dịch vụ để cung cấp cho thị trường. Họ thành công vì mong muốn tốt đẹp cho cuộc sống, cho mọi người, chứ không phải vì mục tiêu kiếm tiền.

Đây là điều tôi muốn gửi tới các bạn trẻ đang muốn bước chân vào kinh doanh, bắt đầu sự nghiệp của mình.

Nhưng nếu không đặt mục tiêu kiếm tiền, động lực trong khởi nghiệp có vẻ không định hình rõ nét?

Đừng trở thành nô lệ cho tiền hay nô lệ cho danh. Hãy sống để là một người tự do.

Hành trình của thành công, hạnh phúc đến từ 3 con đường: người tự do, người trách nhiệm và người ưu tú.

Trước khi trở thành một doanh nhân, thì phải là một con người có văn hóa cái đã. Nói một cách dễ hình dung nhất, con người có văn hóa khi kinh doanh sẽ là mang lại giá trị cho khách hàng, cho xã hội và không lừa ai, không hại ai.

Đạo kinh doanh

Trong con mắt của Giản Tư Trung, kinh doanh là một nghề cao quý. Đó là nghề đem lại những sản phẩm, giải pháp đưa cuộc sống tốt đẹp hơn. Đó cũng là nền tảng của một quốc gia vững mạnh.

Theo ông, yếu tố nào mang lại thành công cho người khởi nghiệp?

Để khởi nghiệp thành công và theo đuổi nghiệp kinh doanh lâu dài, trước hết cần có tố chất kinh doanh, năng lực lãnh đạo, nền tảng văn hóa và đam mê kinh doanh.

Nhưng nền tảng văn hóa luôn đóng vai trò tiên quyết trong mọi thành công và sự bền vững của mọi sự nghiệp. Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với thế giới ngày nay, người Việt nói chung và người trẻ Việt nói riêng không chỉ cần cái “túi chuyên môn” để làm việc hay làm nghề, mà còn cần cái “túi văn hóa” để làm người. Thực chất, “túi chuyên môn” sẽ nằm lọt trong “túi văn hóa”.

Cách mà ta làm việc, làm nghề hay làm ăn sẽ thể hiện rõ con người của ta. Do vậy, có thể nói đạo kinh doanh (lý tưởng kinh doanh) của ta cũng là một phần trong đạo sống (hay đạo làm người hay nền tảng văn hóa) của ta. Nếu ta làm ăn bậy bạ, ta là con người bậy bạ, ngược lại, nếu ta làm ăn đàng hoàng, nó thể hiện con người tử tế và lương thiện của ta.

Tôi tin rằng, bất kỳ ai, nếu muốn vươn đến đỉnh cao nghề nghiệp một cách bền vững thì cần phải có nền tảng văn hóa vững chắc. Còn ngược lại, nếu có thành công thì chắc chắn cũng không bền.

Còn cách làm cụ thể, giới trẻ muốn biết rõ làm gì và làm thế nào?

Tôi muốn nói đến phương pháp luận trước, vì khi đó, mỗi người sẽ xác định riêng cho mình một “hệ điều hành”.

Ví dụ, Người Nhật học cách nghĩ của người phương Tây. Người Trung Quốc học cách làm. Học cách làm giống như làm 1 bài văn mẫu, sản phẩm làm ra là gần giống, thậm chí là hàng giả, hàng nhái. Nhưng học cách nghĩ dẫn tới yêu những việc mình đang làm, tìm ra con đường của mình, tìm ra đam mê.

Các bạn trẻ sẽ chọn cách học nào, thưa ông?

Tôi muốn nói thêm là tinh thần làm giàu phải có trước hết từ trường học. Trường học phải là nơi tồn tại của chân lý khoa học. Điều này những trường phương Tây làm được. Đó là môi trường đào luyện tinh thần con người trong thời gian dài từ những câu hỏi: Học để làm gì? Làm để làm gì? Sống để làm gì?.

Nền tảng này sẽ xác định mỗi bước đi của con người đều xoay quanh câu hỏi: Tại sao và để làm gì?

Đây là điều ông đang muốn khai minh?

Cơ hội sẽ vô cùng lớn cho những bạn trẻ có thể nhìn xuyên qua thời đại của mình.

Tôi kỳ vọng những người trẻ trong kiến tạo doanh nghiệp dù là lớn hay chỉ nhỏ gọn trong phạm vi gia đình cũng có tinh thần đua tranh. Đua tranh này không chỉ với những người xung quanh mà phải xa hơn, với thế giới.

Đó còn là khát vọng dẹp bỏ những hình ảnh “doanh nhân Việt Nam xấu xí”, mà thay vào đó là khát vọng xây dựng hình ảnh mới đẹp hơn cho cả cộng đồng doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Tôi tin chúng ta sẽ có những doanh nhân có khả năng nhìn xa (không chỉ 2 năm, 5 năm, mà có thể là 20 năm, 30 năm..., thậm chí là xa hơn) và trông rộng (không chỉ giới hạn ở tầm nhìn Việt Nam, mà còn có khả năng nhìn thấy cơ hội ở khắp nơi trên thế giới); có khả năng sống một cách đàng hoàng và làm việc thành công cùng những con người với đủ màu da, quốc tịch, chủng tộc, cũng như tôn giáo....

Nền kinh thương mới cần tinh thần mới (tinh thần toàn cầu) và con người mới với khát vọng mới, năng lực mới và văn hóa mới. Và cách yêu nước thiết thực nhất và dễ thương nhất đó là cống hiến cho xã hội này một cuộc đời tử tế, làm đúng việc và sống hết mình mà không trông chờ vào ai cả.

Khi ai cũng nghĩ và làm như vậy, lo gì đất nước không đổi thay và đi lên.

Hải Hà/baodautu.vn

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/doanh-nhan/gian-tu-trung-toi-muon-cong-hien-cho-xa-hoi-nay-mot-cuoc-doi-tu-te-142406.html