Giang Kim Đạt nói mua tàu đúng quy trình!

Sáng 17/8, Tòa án cấp cao tại Hà Nội mở phiên phúc thẩm xét đơn kháng cáo của các bị cáo trong đại án tham nhũng tại Công ty TNHH MTV Vận tải Viễn dương (Vinashinlines) làm thất thoát 260 tỷ đồng.

Ba bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm

Trước đó, TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên phạt Trần Văn Liêm (SN 1955) - nguyên Tổng giám đốc Vinashinlines và Giang Kim Đạt (SN 1977) - nguyên Quyền Trưởng phòng kinh doanh Công ty cùng mức án tử hình về tội “Tham ô tài sản”.

Trần Văn Khương (SN 1950) -  nguyên Kế toán trưởng Vinashinlines bị kết tội “Tham ô tài sản”, lĩnh án chung thân. Còn bị cáo Giang Văn Hiển- bố đẻ Giang Kim Đạt bị quy kết tội rửa tiền bị phạt 12 năm tù về tội “Rửa tiền”. Sau đó các bị cáo kháng án kêu oan.

Giang Văn Hiển cho rằng số tiền trong tài khoản của mình không phải phạm tội mà có, vì vậy chống án sơ thẩm. Nhưng tại phiên phúc thẩm, bị cáo có đơn xin vắng mặt vì lý do sức khỏe.

Quá trình xét xử sơ thẩm, bố Giang Kim Đạt luôn khẳng định hàng trăm tỷ đồng bị đưa ra xem xét là tiền của ông ta, vì thế bị cáo Hiển cũng kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Tuy nhiên, ông Hiển lại có đơn xin được xử vắng mặt vì lý do sức khỏe. Ngoài ra, vợ con bị cáo Hiển (người liên quan) cũng kháng cáo đề nghị giải tỏa kê biên hàng loạt tài sản.

Tại tòa, Giang Kim Đạt cho rằng việc mua bán tàu đúng quy trình, không thỏa thuận với các công ty nước ngoài nhận tiền hoa hồng, bị cáo không nhận được sự chỉ đạo của Trần Văn Liêm. Những khoản tiền được chuyển về cho bị cáo là tiền kinh doanh môi giới. Đạt phủ nhận nhờ bố đẻ mở tài khoản để hưởng lợi từ công ty mua bán tàu thủy cũng như việc dùng tiền bị cáo mua nhà ở nước ngoài.

Tương tự, Trần Văn Liêm vẫn khẳng định bản thân không hề chỉ đạo đồng phạm và chiếm đoạt tiền của Nhà nước. Còn Trần Văn Khương bị cáo buộc giúp sức cho Liêm cũng cho rằng bản thân luôn làm đúng chức trách được giao. Trong vụ việc mua bán tàu biển cũng như gửi giá cước cho thuê tàu biển luôn làm theo chỉ đạo của cấp trên.

Về số tiền 260,5 tỷ đồng mà Giang Kim Đạt cùng đồng phạm tham ô, cấp sơ thẩm xác định ở thời điểm các bị cáo phạm tội, Vinashinlines thuộc Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam nên cần trả lại Vinashin toàn bộ số tiền đó. Còn hiện nay, do Vinashinlines thuộc Vinalines nên sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, Vinashin cần đối trừ công nợ cho Tổng công ty Hàng hải Việt Nam.

Trịnh Ninh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn//cau-chuyen-phap-dinh/giang-kim-dat-noi-mua-tau-dung-quy-trinh-349771.html