Giành học bổng toàn phần thạc sĩ, cô gái Việt luận văn học Anh trên… đất Mỹ

Nguyễn Phương Anh (sinh năm 1994) tốt nghiệp Franklin & Marshall College năm 2016 với 2 chuyên ngành Văn học Anh và Kinh tế. Phương Anh giành học bổng toàn phần thạc sĩ ngành Văn học Anh tại Trường ĐH Georgetown (Mỹ). Trao đổi với GD&TĐ, Phương Anh đã chia sẻ về kinh nghiệm giành học bổng, học tập tại Mỹ cũng như kinh nghiệm phát triển nghề nghiệp, làm việc tại Mỹ và Việt Nam.

Cô gái Việt xinh đẹp, tài năng Nguyễn Phương Anh

Cô gái Việt xinh đẹp, tài năng Nguyễn Phương Anh

Tiết lộ mức lương của cử nhân mới ra trường tại Mỹ

* Chào Phương Anh! Không biết chính sách mới về nhập cư của chính phủ Mỹ có ảnh hưởng gì đến việc học tập của bạn và các du học sinh quốc tế không?

- Cá nhân tôi thấy các chính sách mới thắt chặt về nhập cư không có tác động tiêu cực tức thời đến quyết định của các du học sinh đang học tập tại Mỹ, họ vẫn rất tự tin, yên tâm học tập. Bởi khi Tổng thống Mỹ đưa ra một quyết định, để triển khai còn cần qua những quy trình thủ tục khác. Bên cạnh đó, quyền lực của các bang tại Mỹ rất lớn, đa số các trường đại học là trường tư, coi trọng vai trò và những đóng góp của du học sinh quốc tế, theo đó, chính sách liên quan đến giáo dục khó bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, theo tôi, những chính sách mới của chính phủ Mỹ có thể ảnh hưởng đến tương lai của các du học sinh sau khi học tập 4 năm. Bởi vậy, ngay từ khi có ý định du học, phụ huynh và học sinh nên trả lời rõ câu hỏi: Du học Mỹ để làm gì? Sau khi du học ở lại Mỹ làm việc, học tiếp lên cao hay quay về Việt Nam làm việc? Nên nhớ rằng chỉ có rất ít du học sinh có khả năng vượt trội có thể ở lại để cạnh tranh trong môi trường làm việc khắt khe tại Mỹ.

* Với cá nhân Phương Anh, bạn trả lời những câu hỏi trước khi du học như thế nào?

- Tôi luôn tâm niệm du học để tăng cường kiến thức và kỹ năng sống, hiểu thêm về văn hóa các quốc gia khác nhau. Và trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, khi có kiến thức, kỹ năng và đam mê, bạn có rất nhiều cơ hội để cống hiến. Tôi có nhiều người bạn học rất giỏi ở Mỹ, sau khi học xong quay về nước làm việc cho các tổ chức quốc tế, các công ty và nhận mức lương rất cao. Và họ còn có cơ hội để thử sức ở các quốc gia khác. Để thấy rằng có rất nhiều lựa chọn cho du học sinh.

Từ những trải nghiệm của bản thân, tôi thấy đi làm ở nước ngoài không có nghĩa là nhận được lương cao và chế độ đãi ngộ tốt. Mức lương khi ra trường thường là 1.000 – 2.000 USD/tháng, người nào vượt trội thì được 3.000 USD/tháng. Một nửa số lương đó chi trả cho ăn, ở, một nửa là chi phí khác. Vậy nên nếu bậc cha mẹ nghĩ rằng con cái du học Mỹ xong, làm việc tại đó là sẽ gửi tiền về nhà, nuôi cha mẹ, lo cho các em ăn học… thì quả thật rất áp lực cho du học sinh. Mẹ tôi luôn nói: Đầu tư cho giáo dục không bao giờ là thừa. Tôi rất biết ơn gia đình đã luôn ủng hộ tôi. Ví như ngành học của tôi là Văn học Anh tốt nghiệp xong không làm ra tiền ngay được. Nhưng mẹ tôi luôn ủng hộ vì đó là đam mê của tôi, là lĩnh vực tôi cảm thấy bản thân có tài năng.

Phương Anh trong vai trò diễn giả tại buổi tọa đàm do VietAbroader tổ chức tại Hà Nội, ngày 14/6

Lý do không “nhảy cóc” học tiến sĩ

* Rất nhiều bạn khi học xong đại học tại Mỹ tìm kiếm cơ hội học lên cao bằng cách học tiến sĩ. Phương Anh học rất giỏi bậc đại học, vậy tại sao bạn không học lên tiến sĩ luôn?

- Ngành Văn học Anh hầu như không có trường nào cho học bổng. Tôi đã nộp hồ sơ thẳng từ bậc đại học lên tiến sĩ và được hai trường đại học hàng đầu tại Mỹ là Đại học California ở San Diego và Đại học Massachusetts ở Amherst cấp học bổng tiến sĩ toàn phần. Tuy nhiên, tôi đã quyết định từ chối để nhận học bổng toàn phần bậc thạc sĩ ngành Văn học Anh tại Trường ĐH Georgetown – trường đứng thứ 20 trong bảng xếp hạng các trường ĐH tại Mỹ, có vị trí địa lý rất tốt.

Đây là quyết định khó khăn và mất nhiều thời gian. Lúc đầu tôi dự định sẽ học tiến sĩ luôn vì không muốn khổ công nộp hồ sơ lần nữa sau khi học xong thạc sĩ. Nhưng Georgetown đã chấp nhận và cho tôi học bổng thạc sĩ hiếm. Ở Mỹ người ta rất khó cấp học bổng thạc sĩ, đặc biệt với ngành của Văn học Anh, gần như không có trường nào ngoài Georgetown.

* Được biết Phương Anh tốt nghiệp đại học với 2 chuyên ngành là Kinh tế và Văn học Anh? Tại sao lại có sự khác biệt trong ngành học như vậy? Và vì sao bạn lại chọn Văn học Anh là ngành học thạc sĩ?

- Con đường học Văn học Anh của tôi hơi chông gai. Đây không phải là ngành “hot”. May mắn tôi học trong môi trường mà các sinh viên được khuyến khích tìm hiểu các ngành học khác nhau, khám phá bản thân xem mình yêu thích điều gì. Theo quy định của trường, 2 năm đầu tiên tôi không quyết định chọn ngành ngay. Tôi chọn học Kinh tế kinh doanh, sau đó học ngành phụ là Văn học Anh.

Đến năm học thứ 3, tôi phát hiện ra mình rất hứng thú với Văn học Anh. Mỗi khi đọc các tác phẩm văn học, tôi đều thấy run lên vì vui sướng, cứ như có một dòng chảy mạnh mẽ nào trong từng mạch máu khiến tôi rung cảm, hạnh phúc vậy, khác hẳn với cảm xúc khi học ngành kinh tế. Tôi nhớ cô giáo tôi từng nói: Hãy chọn học môn gì em cảm thấy vui sướng nhất. Và tôi quyết định sẵn sàng thử thách bản thân với môn học “hiếm” trong giới du học sinh quốc tế!

Xin nói thêm là ngành Văn học Mỹ ít có cơ hội phát triển, không như ngành truyền thông. Tôi cũng đã thử trải nghiệm làm báo ở tờ Vietnam Economic Times (Việt Nam) và BBC Capital – một chuyên trang của BBC tại New York nhưng sau đó vẫn thấy hứng thú với văn học hơn. Chính vì vậy tôi mong muốn sau này sẽ trở thành một giáo sư về văn học Anh!

* Ồ! Một giáo sư về văn học Anh! Rất đáng để phấn đấu! Nhưng ngành học đã hiếm như vậy ắt cơ hội việc làm cũng sẽ không nhiều! Bạn tính sao về điều này?

- Việc học văn học Anh cho tôi những kỹ năng không chỉ trong bình luận, phân tích… văn học mà còn là cách suy luận, suy nghĩ logic, thuyết trình, phản biện, kỹ năng viết, thể hiện bản thân bằng tiếng nói. Đây là những kỹ năng có thể sử dụng cho nhiều ngành nghề khác nhau.

Nhiều người tò mò rằng thế việc tiền bạc với tôi thì sao? Có phải lo lắng gì nhiều không? Có chứ! Kinh tế cũng rất quan trọng! Tôi có thể ở lại Việt Nam dạy tiếng Anh với mức lương khá cao. May mắn là tôi có học bổng để học tiếp, được gia đình ủng hộ. Tôi đã tự chọn ngành học, tự xin học bổng thay vì xin tiền gia đình. Đây là một quá trình của những trải nghiệm, kể cả việc đối mặt với những thách thức, rủi ro. Tuy nhiên, tôi luôn tự tin mình có khả năng để học ngành này. Trong khóa học của tôi, tôi là sinh viên quốc tế duy nhất học Văn học Anh tại trường!

Niềm vui ngày tốt nghiệp. Ảnh NVCC

Học đại học, hoạt động 19 tiếng/ngày vẫn thấy thiếu thời gian

* Được biết thành tích học tập của bạn rất vượt trội. Phương Anh có thể chia sẻ bí quyết học tập của mình?

- Học đại học là quãng thời gian tốt nhất để trải nghiệm! Trong thời gian học đại học, tôi đã thúc đẩy bản thân bằng nhiều hoạt động ở trường ĐH trong khi vẫn tìm cơ hội đi làm vào mùa hè, tìm kiếm các cơ hội trong tương lai: Chủ tịch Câu lạc bộ quốc tế ở trường; phụ đạo giúp các du học sinh quốc tế, tham gia dàn đồng ca của trường, học hát opera, đi làm thêm trong hè, thực tập tại một số tòa báo…

Thú thật là có đôi lúc cũng cảm thấy stress, có ngày chỉ ngủ 5 tiếng đồng hồ. Nhưng tôi cho rằng không có trải nghiệm nào là thừa cả. Bản thân tôi đã trải qua nhiều thay đổi về môi trường sống, ngành học, định hướng nghề nghiệp… Tất cả trải nghiệm đó đều có đóng góp không nhỏ cho lối suy nghĩ của tôi bây giờ.

Tôi luôn khuyên các bạn học sau mình hãy nắm bắt cơ hội, cho dù cơ hội đó tưởng chừng rất khó đạt. Nhiều người khi thấy đối thủ có vẻ mạnh hơn mình thì hay “rụt” lại, tự ti, nghĩ rằng làm sao mà cạnh tranh được. Tôi cho rằng chính vì là du học sinh quốc tế nên ta sẽ có góc nhìn mới lạ, cách tiếp cận sáng tạo hơn. Và ở đâu thì cũng luôn cần những điều đó.

* Phương Anh có nói đến việc phụ đạo, có phải là kèm cặp các sinh viên khác như kiểu thuê gia sư đến nhà không?

- Có thể hiểu phụ đạo như một kiểu gia sư do trường trả lương. Tôi rất tự hào về công việc này của mình. Trong trường có một trung tâm hỗ trợ học sinh. Chúng tôi trao đổi, thảo luận cùng các sinh viên đến trung tâm, hỗ trợ họ tìm đề tài, sửa bài luận, tìm ý tưởng… Trường có hơn 2.000 sinh viên nhưng gia sư chỉ có 20 người. Mỗi kỳ chúng tôi có khoảng hơn 3.000 buổi gặp gỡ, trao đổi như vậy. Các thầy cô trong trường rất trân trọng đội ngũ gia sư chúng tôi.

Phương Anh là sinh viên quốc tế duy nhất học ngành Văn học Anh tại trường ĐH

Đứng lên sau cú vấp

* Nghe bạn kể thì con đường học hành rất êm xuôi, dường như trải đầy hoa hồng vậy. Hỏi riêng một chút: Có bao giờ bạn gặp thất bại trong học tập không? Và bạn xử lý nó như thế nào?

- “Cú vấp” khiến tôi nhớ nhất là bài luận đầu tiên khi học Văn học Anh tôi nhận điểm C! Tôi không bao giờ nghĩ là mình lại bị điểm kém đến như vậy bởi trước đó tôi còn đạt giải về viết ở trường. Điểm số này cảnh tỉnh tôi rằng mình còn có nhiều thiếu sót. Tôi đã gặp giáo sư để hỏi thêm những điều chưa hiểu, lắng nghe các bạn trong lớp để bắt chước cách suy nghĩ của họ. Và điểm của tôi đã lên A, A+, từ xuất phát điểm rất thấp đã đạt lên điểm cao.

Trải nghiệm thất bại này đã khiến tôi trưởng thành lên rất nhiều. Tôi luôn kể với bạn bè và học sinh của mình về kỷ niệm này, cũng là chia sẻ kinh nghiệm học tập tại Mỹ: Hãy luôn học hỏi những người xung quanh mình.

* Học ngành văn học, vậy có thể chờ một cuốn sách văn học của nữ sĩ Phương Anh?

- Tôi đã từng thử viết. Cách luyện tiếng Anh của tôi chính là viết những câu chuyện nhỏ, viết nhật ký hàng ngày bằng tiếng Anh. Tuy nhiên, tôi cảm thấy bản thân không đủ sức sáng tạo để viết một tiểu thuyết. Tôi muốn ra sách về lý luận văn học, đó mới đúng là chuyên ngành tôi học.

* Xin cảm ơn Phương Anh về cuộc trò chuyện. Chúc bạn hoàn thành được những dự định của mình!

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/tre/gianh-hoc-bong-toan-phan-thac-si-co-gai-viet-luan-van-hoc-anh-tren-dat-my-3423333-v.html