Giáo dân làm giàu từ đồng vốn chính sách

Hơn 15 năm qua, từ nguồn vốn vay của NHCSXH, nhiều người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo của địa phương.

Chị Hoàng Thị Hường vay vốn chính sách mua bò về nuôi

Chị Hoàng Thị Hường vay vốn chính sách mua bò về nuôi

Ông Hoàng Anh - giáo dân ở thôn Đồng Tiến, xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh - là một trong những hộ thoát nghèo từ vốn vay ưu đãi. Năm 2013, ông vay 20 triệu đồng từ NHCSXH huyện Kỳ Anh để mua 2 con bò về nuôi. Nhờ chịu khó chăn nuôi, chăm sóc, đàn bò của ông phát triển tốt. Cùng với việc đầu tư chăn nuôi, ông Hoàng Anh còn làm thêm nghề xây dựng, vợ ông làm nghề nấu rượu cũng có đồng ra đồng vào.

Khi kinh tế gia đình bớt khó khăn, ông đã hoàn trả vốn cho ngân hàng. Năm 2015 gia đình ông thoát khỏi danh sách hộ nghèo, ông lại tiếp tục vay 50 triệu đồng vốn chương trình hộ cận nghèo của NHCSXH, đầu tư mua 2 con trâu và đàn lợn 10 con. Cùng với sự chăm chỉ của người nông dân và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi nên đàn trâu, bò, lợn của gia đình ông phát triển tốt, hứa hẹn mang lại thu nhập cao cho gia đình.

Ông Hoàng Anh chia sẻ: “Nguồn vốn ưu đãi đã “tiếp sức” cho gia đình tôi vượt qua khó khăn, có vốn đầu tư vào chăn nuôi, từ nay tôi chỉ tập trung chăm sóc đàn gia súc để sớm thu hồi vốn và có tiền trả nợ ngân hàng”.

Cũng giống gia đình ông Hoàng Anh, gia đình chị Hoàng Thị Hường - giáo dân ở thôn Hoàng Dụ, xã Kỳ Khang – là một tấm gương sáng trong việc sử dụng và phát huy hiệu quả vốn vay tín dụng chính sách. Khi chúng tôi đến thăm nhà, chị Hường vừa tay bế con nhỏ vừa tất bật chăm sóc đàn bò. Chỉ tay vào đàn bò béo mẫm, chị Hường phấn khởi nói: “Nhờ có vốn vay, nay tôi mới có của để dành là đàn bò này đấy”.

Theo chị Hường, nhiều năm trước, gia đình chị thuộc diện nghèo nhất xóm. “Hai vợ chồng tôi lấy nhau xong thì đẻ 7 đứa con. Suốt ngày quần quật, làm đủ mọi việc nhưng chỉ lo cái ăn, cái mặc và học hành của con cái là đã chóng mặt, kinh tế mãi không khá lên được. Thấy người ta chăn nuôi lợn, bò có lãi, tôi cũng muốn làm nhưng trong tay chẳng có nổi một đồng vốn nên chưa biết tính sao” – chị nhớ lại.

Năm 2013, gia đình chị Hường được NHCSXH huyện Kỳ Anh cho vay 20 triệu đồng chương trình hộ nghèo. Có vốn, chị Hường mua ngay một cặp bò mẹ về nuôi. Được chăm sóc tốt, đàn bò sinh sôi nhanh lên 3, rồi 4 con. “NHCSXH đã tạo điều kiện cho mình vay vốn ưu đãi thì mình phải giữ chữ tín với đồng vốn. Chăn nuôi bò hiệu quả, gia đình tôi đã hoàn trả gốc và lãi đúng hạn cho ngân hàng. Năm 2016, gia đình tôi tiếp tục được NHCSXH duyệt cho vay 50 triệu đồng chương trình hộ nghèo đầu tư chăn nuôi bò. Đến nay, gia đình tôi đã nhân đàn bò lên 9 con” - chị Hường phấn khởi khoe.

Ông Hồ Xuân Trính - Chủ tịch UBND xã Kỳ Khang - cho biết: “Đồng vốn của NHCSXH đã đồng hành giúp nông dân phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững và nâng cao thu nhập. Mong muốn của người dân là số tiền vay tối đa lớn hơn để bà con có số vốn tương đối lớn có thể đầu tư phát triển các mô hình sản xuất kinh doanh thu lợi nhuận cao”.

Theo ông Phạm Anh Đức - Giám đốc NHCSXH huyện Kỳ Anh, hiện nay đơn vị đang cho vay 14 chương trình tín dụng với tổng dư nợ trên 438 tỷ đồng, với hơn 16.700 hộ vay, bình quân mỗi hộ vay 30 triệu đồng. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, NHCSXH huyện Kỳ Anh đã làm tốt công tác tuyên truyền, phối hợp với các hội, đoàn thể nhận ủy thác và chính quyền địa phương để đưa nguồn vốn chính sách về với người dân.

Thông qua hoạt động cho vay, NHCSXH huyện thường xuyên phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã và các hội, đoàn thể thường xuyên kiểm tra, giám sát, bảo đảm vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận vốn vay nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu đầu tư mở rộng sản xuất, chăn nuôi để nâng cao thu nhập.

Có thể khẳng định, các chính sách tín dụng ưu đãi của NHCSXH kết hợp với các chương trình khuyến nông, khuyến công, chuyển giao khoa học kỹ thuật trên địa bàn huyện Kỳ Anh đã giúp cho đời sống của các hộ nghèo (trong đó có nhiều hộ là giáo dân) trong huyện có nhiều chuyển biến rõ rệt. Từ những phương thức sản xuất lạc hậu, manh mún, tự cung, tự cấp dựa nhiều vào tự nhiên là chủ yếu, đến nay người nghèo trên địa bàn huyện đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật mới, đầu tư chăn nuôi, trồng rừng, trồng cây công nghiệp…, nhiều hộ đã thoát nghèo và vươn lên khá giả, có thu nhập ổn định, xây dựng nhà ở kiên cố, mua sắm các trang thiết bị sinh hoạt tiện nghi, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Trần Giáp

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn//bat-dong-san/giao-dan-lam-giau-tu-dong-von-chinh-sach-353842.html