Giao dịch thẻ tín dụng nội địa trong quý 1 đạt 10.000 tỷ đồng

Thông tin trên được Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước chia sẻ tại Hội thảo 'Phát huy tiềm năng thẻ tín dụng nội địa hướng tới xã hội không tiền mặt' ngày 21/5.

Phát triển thẻ tín dụng nội địa ghi nhận nhiều điểm sáng

Chia sẻ tại hội thảo, ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN cho biết, cùng với xu hướng phát triển mạnh mẽ của hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, dịch vụ thẻ ngân hàng cũng được các tổ chức tín dụng quan tâm phát triển, trong đó thẻ tín dụng là phương thức thanh toán đáp ứng đa dạng nhu cầu tiêu dùng, thanh toán của khách hàng.

Tính đến hết quý 1/2024, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tiếp tục đạt được những kết quả tích cực so với cùng kỳ. Hệ thống bù trừ, chuyển mạch giao dịch tài chính tăng 39,06% về số lượng và 20,64% về giá trị.

Giao dịch TTKDTM tăng 56,57% về số lượng và 31,35% về giá trị; qua kênh Internet tăng 48,81% về số lượng và 25,73% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 58,70% về số lượng và 33,12% về giá trị.

Trong xu hướng phát triển mạnh mẽ của hoạt động TTKDTM, dịch vụ thẻ ngân hàng cũng được các tổ chức tín dụng (TCTD) quan tâm phát triển, trong đó thẻ tín dụng là phương thức thanh toán đáp ứng đa dạng nhu cầu tiêu dùng, thanh toán của khách hàng.

Tính đến tháng 3/2024, số lượng thẻ đang lưu hành đạt hơn 150,6 triệu thẻ, tăng 3,29% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó có hơn 106,7 triệu thẻ nội địa, 43,9 triệu thẻ quốc tế. Hiện có 27 ngân hàng đang triển khai mở thẻ bằng eKYC với hơn 15,3 triệu thẻ mở bằng eKYC đang lưu hành hoạt động.

Giao dịch thẻ tín dụng nội địa trong 3 tháng đầu năm 2024 đạt 1,3 triệu giao dịch với giá trị đạt 10.000 tỷ đồng, tăng 75,43% về so với cùng kỳ năm 2023 và 89,85% về giá trị, cao hơn mức tăng tương ứng của thẻ tín dụng quốc tế là 27,26% và 25,1%.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước đánh giá, con số trên dù vẫn còn khiêm tốn nhưng tăng trưởng mạnh về số lượng, giá trị giao dịch là điểm sáng đáng ghi nhận về phát triển thẻ tín dụng nội địa trong năm vừa qua.

“Với cơ cấu dân số trẻ, thu nhập người dân ngày càng tăng, xu hướng thương mại điện tử, hoạt động kinh tế số ngày càng thịnh hành thì thị trường thẻ tín dụng nội địa còn nhiều tiềm năng phát triển nữa. Bên cạnh tiềm năng lớn từ thị trường thẻ tín dụng, sản phẩm thẻ tín dụng nội địa còn nhiều tính năng, tiện ích, ưu đãi hấp dẫn không kém gì thẻ tín dụng quốc tế," ông Dũng nói.

Ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN - phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Tô Thế

Ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN - phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Tô Thế

Tiềm năng và thách thức của thẻ tín dụng nội địa

Tại hội thảo, chia sẻ về tiềm năng của thẻ tín dụng nội địa, ông Nguyễn Quang Minh - Tổng Giám đốc NAPAS cho rằng, thẻ tín dụng nội địa không chỉ có các tính năng thông thường như khách hàng chi tiêu trước trả tiền sau, thời gian miễn lãi dài từ 45 đến 55 ngày..., hay thanh toán rộng rãi ở các điểm chấp nhận thanh toán trong nước mà còn sử dụng thanh toán/ rút tiền ở một số quốc gia.

Ngoài ra, một số tiện ích, tính năng của thẻ tín dụng nội địa có thể là điểm hấp dẫn nhóm khách hàng phổ thông hoặc lần đầu tiếp cận sản phẩm, dịch vụ ngân hàng như: thủ tục mở thẻ đơn giản, chi phí phát hành và thanh toán thấp.

Bên cạnh đó, thẻ tín dụng nội địa còn là phương thức hiệu quả giúp người dân có thể tiếp cận nguồn vốn vay chính thức từ các ngân hàng và công ty tài chính, nhất là trong trường hợp khách hàng có phát sinh nhu cầu tài chính đột xuất thì không phải tìm đến hình thức cho vay tín dụng đen với lãi suất cao.

Ông Nguyễn Quang Minh - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) - trình bày tham luận. Ảnh: Tô Thế

Ông Nguyễn Quang Minh - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) - trình bày tham luận. Ảnh: Tô Thế

Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp hi hữu xảy ra, chia sẻ về những vấn đề rủi ro xung quanh việc sử dụng thẻ tín dụng, ông Ngô Thành Huấn - Giám đốc điều hành CTCP Tư vấn đầu tư và quản lý tài sản FIDT cho biết, dù các ngân hàng đang hướng về thị trường thẻ tín dụng là giải pháp thanh toán, tiêu dùng, thậm chí rút tiền mặt… mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, từ đó cũng thúc đẩy tình trạng lạm chi do chạy theo các chương trình khuyến mãi; rút tiền mặt từ thẻ và trả góp không kế hoạch, dẫn đến nợ xấu.

Lấy dẫn chứng, ông Ngô Thành Huấn kể về một chủ đề thẻ tín dụng được dư luận và truyền thông liên tục nhắc đến hồi đầu năm nay là khoản nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu đồng, sau 11 năm bỗng chốc biến thành nghĩa vụ thanh toán khủng lên đến 8,8 tỷ đồng.

Sự vụ dù được lãnh đạo của phía ngân hàng ngay lập tức làm rõ trên truyền thông nhưng vẫn không thể ngăn được “trào lưu” kiểm kê và hủy hàng loạt thẻ tín dụng và kéo theo nhiều ngân hàng khác "bị vạ lây" trong thời gian ngắn.

Xét đến xu hướng hủy thẻ tín dụng khá nhiều sau câu chuyện bên trên, trước tiên cần hiểu thêm về thói quen chi tiêu cũng như cách nhìn nhận của người Việt về thẻ tín dụng. Có thể thấy rõ thế hệ 8X trở về trước vẫn giữ thói quen khá cẩn trọng trong việc chi tiêu, tính toán chi tiết để vén khéo túi tiền của gia đình. Cũng như trong bối cảnh 10 - 20 năm trở về trước khi các nhu cầu mua sắm, du lịch, giải trí vẫn chưa phong phú và đa dạng như hiện nay thì có thể giải thích phần nào cho việc thế hệ này vẫn khá hạn chế tương tác với thẻ tín dụng.

Ông Ngô Thành Huấn - Giám đốc điều hành CTCP Tư vấn đầu tư và quản lý tài sản FIDT

Theo ông Huấn, hạn chế trong kiến thức về tài chính dẫn đến hiệu ứng tâm lý đám đông là tác nhân chính tạo ra việc hủy thẻ hàng loạt sau sự cố không đáng có, cũng như giải thích cho mức độ tiếp cận thẻ tín dụng còn quá thấp của thị trường Việt Nam, đặc biệt ở các tỉnh thành nhỏ, vùng sâu và ở phân khúc lao động phổ thông, công nhân.

Tuy nhiên, việc sử dụng thẻ tín dụng hợp lý cũng cần được áp dụng để thật sự tối ưu về tài chính cho mỗi gia đình. Theo ông, thứ nhất theo ông Huấn, cần hiểu việc rút tiền mặt sẽ bị tính phí ngay lập tức chứ không miễn lãi và thường mức này cũng không nhỏ.

Thứ hai, cần có kế hoạch chi tiêu để tránh bị thói quen lạm phát lối sống làm ảnh hưởng đến việc tích lũy tài chính dài hạn và kế hoạch thanh toán nợ thẻ để không bị quá hạn dẫn đến ảnh hưởng đánh giá tín dụng cho các khoản vay khác lớn hơn về sau.

Cuối cùng, cần nắm rõ cách tính lãi của thẻ tín dụng, không phải thanh toán tối thiểu là sẽ không bị tính lãi. Ông cũng cho biết việc không kém phần quan trọng là bảo vệ thẻ cẩn thận và báo ngay khóa thẻ khi mất thẻ.

Giải pháp thúc đẩy thị trường thẻ tín dụng nội địa

Để tiếp tục phát triển mạnh hơn nữa thị trường thẻ tín dụng nội địa, về phía cơ quan điều hành, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN cho biết, trong thời gian tới Ngân hàng Nhà nước cùng với các thành viên thị trường cần triển khai một số giải pháp:

Một là, tiếp tục hoàn thiện và triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách, quy định về thanh toán không dùng tiền mặt, hoạt động thẻ ngân hàng. Triển khai hiệu quả Nghị định số 52/2024/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt; hoàn thiện, ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn Nghị định mới.

Đồng thời tiếp tục triển khai các giải pháp tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn bảo mật hoạt động thanh toán, thẻ ngân hàng, đặc biệt là tổ chức triển khai Quyết định 2345/QĐ-NHNN đạt kết quả tốt.

Hai là, chỉ đạo nâng cấp, phát triển hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, hệ thống thanh toán của các ngân hàng đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả và có khả năng kết nối, tích hợp với các hệ thống khác, mở rộng hệ sinh thái thanh toán số để phục vụ thanh toán trực tuyến.

Ba là, các tổ chức tín dụng cần tiếp tục phối hợp xây dựng hệ sinh thái thẻ chip nội địa đa ứng dụng, nghiên cứu, phát triển các sản phẩm thẻ tín dụng nội địa hiện đại, tiện ích, đảm bảo an toàn, bảo mật, kết hợp với các chính sách ưu đãi, khuyến mãi đối với khách hàng và đơn vị chấp nhận thanh toán để thu hút khách hàng mở và sử dụng thẻ tín dụng nội địa.

Bốn là, tổ chức chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử cần phối hợp với các ngân hàng, công ty tài chính nghiên cứu, xây dựng cơ chế chia sẻ phí hợp lý để hỗ trợ, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển bền vững thị trường thẻ tín dụng nội địa; chủ động xây dựng công cụ phát hiện, phòng ngừa gian lận thanh toán.

Cuối cùng là, NHNN, các thành viên thị trường tiếp tục tăng cường đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục tài chính, trong đó có phương tiện về thẻ tín dụng nội địa, tập trung việc cung cấp đầy đủ thông tin, lợi ích, tính năng vượt trội, kỹ năng sử dụng, đảm bảo an toàn, bảo mật trong quá trình sử dụng.

Thu Trang

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/giao-dich-the-tin-dung-noi-dia-trong-quy-1-dat-10000-ty-dong-post34836.html