Giao hưởng, thính phòng Việt Nam: Mong có những cú hích mạnh

(HNM) - 47 tỷ đồng đầu tư cho bộ nhạc cụ của Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP Hồ Chí Minh vừa qua đã không chỉ làm nức lòng người trong nghề mà còn thực sự là cú hích cho âm nhạc thính phòng và giao hưởng. Song những cú hích ấy chưa nhiều, chưa đa dạng. Trong khi đó loại hình âm nhạc hàn lâm này là một trong những cầu nối văn hóa đầy hiệu quả để Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới.

Thời vang bóng Một buổi biểu diễn của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ huy dàn nhạc giao hưởng năm 1960 đã nhắc nhở chúng ta về sự quan tâm rất sớm và kịp thời của Đảng và Nhà nước đối với loại hình âm nhạc bác học. Chủ tịch Hội Âm nhạc Việt Nam Đỗ Hồng Quân khẳng định: Cách đây vài chục năm là thời kỳ hoàng kim của âm nhạc cách mạng với sự phát triển hài hòa các loại hình; đậm tính tư tưởng, nghệ thuật, dân tộc và kinh điển. Trong đó không thể quên những vở nhạc kịch, những bản giao hưởng, hợp xướng… góp phần tạo nên dấu ấn một thời của nền âm nhạc Việt Nam chuyên nghiệp, đỉnh cao. Có thể kể đến Hoàng Việt với giao hưởng "Quê hương" 4 chương; Đỗ Nhuận với nhạc kịch "Cô Sao", "Người tạc tượng"; Nhật Lai với nhạc kịch "Bên bờ Krông-pa", Hồ Bắc với "Hợp xướng ca ngợi Tổ quốc"… Rồi biểu diễn có Tạ Bôn, Bích Ngọc, Nguyễn Hữu Tuấn, Hoàng My, Đặng Thái Sơn… Tuy nhiên, khoảng hai chục năm trở lại đây, âm nhạc có những biểu hiện mất cân đối. Nhiều người day dứt, vì âm nhạc không vang lên thì âm nhạc là con số 0 tròn trĩnh, nhất là loại hình âm nhạc lớn. Nhiều tác giả có cảm giác bị lãng quên; nhiều bản nhạc công phu "phủ bụi thời gian". Hoạt động biểu diễn của Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Việt Nam vẫn hạn chế về lượng khán giả. Trong khi đó, phát triển âm nhạc bác học là một trong những ưu tiên của rất nhiều quốc gia trong khu vực. Cách đây 20 năm, Dàn nhạc Giao hưởng Thái Lan còn rất sơ khai. Việt Nam từng mang dàn nhạc sang đó biểu diễn. Nhưng nay không chỉ phát triển mạnh, dàn nhạc Thái Lan còn mời gọi nhạc công của Việt Nam sang làm việc với mức lương cao. Đầu tư có chiến lược Việc TP Hồ Chí Minh đầu tư 47 tỷ đồng mua nhạc cụ cho Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP Hồ Chí Minh là một tin vui đối với người trong nghề. NSƯT Ngô Hoàng Quân (Giám đốc Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam) đánh giá cao và coi đây là sự đầu tư rất căn bản, xứng tầm với hoạt động âm nhạc đặc thù này. GS-TS Ngô Văn Thành (Giám đốc Dàn nhạc Giao hưởng Hà Nội, Giám đốc Học viện Âm nhạc Việt Nam) nhấn mạnh: Khoản đầu tư này sẽ rất có ý nghĩa cho việc trang bị nhạc cụ. Nhiều nhạc cụ càng dùng lâu càng tốt như bộ dây, song có những nhạc cụ như bộ hơi rất cần đầu tư mới, đồng bộ. Từ sự kiện này có thể thấy rất cần một chiến lược đầu tư dành cho âm nhạc bác học. Trong đó yếu tố con người là hàng đầu. Ngoài nguy cơ chảy máu chất xám, dàn nhạc bị già hóa, còn là những vấn đề về chế độ, chính sách đối với nghệ sĩ. Đa phần nhạc công sau khi tham gia những chương trình "hoành tráng" thì phải chơi thêm ở các cuộc biểu diễn "tàng tàng". Nghệ sĩ violin Bùi Công Duy cũng thừa nhận: Đất biểu diễn cho các nghệ sĩ trong nước quá thiếu, trong một số chương trình, cách ứng xử với biểu diễn âm nhạc cổ điển chưa đúng mức, thiếu chuyên nghiệp. Những người hoạt động trong lĩnh vực này còn thêm nỗi lo về cơ sở vật chất. Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam mỗi năm mất gần 1 tỷ đồng thuê nhà hát. Trong khi đó tiền bán vé cho 60 buổi biểu diễn/năm chỉ vẻn vẹn 200 triệu đồng. Hoạt động quảng bá cũng chẳng thành chiến lược. Nhiều quốc gia đã tổ chức những buổi diễn dành riêng cho trẻ em để xây dựng công chúng cho loại hình âm nhạc này, trong khi đó trẻ ta chưa có thói quen đó. Nhiều người cho rằng các chương trình nhạc thính phòng phát vào lúc đêm khuya cũng không hợp lý. Rất cần những kênh riêng cho loại hình âm nhạc này và phát 24/24 giờ như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga… Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc cho rằng: "Giao hưởng không khó nghe, nó rất gần với đời sống con người. Như nhạc phim "Cuốn theo chiều gió", giao hưởng đấy, sao vẫn lay động lòng người!". Xây dựng dàn nhạc giao hưởng và biểu diễn âm nhạc bác học ngày càng được các nước coi trọng như một biểu hiện của gương mặt văn hóa quốc gia. Loại hình âm nhạc này cũng giống như "bộ lọc" tâm hồn trong một xã hội ngày càng bộn bề, tất bật. Mai Thi Âm nhạc hàn lâm với "1000 năm Thăng Long - Hà Nội" * Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam đang xây dựng công trình Phòng hòa nhạc với đầy đủ tiêu chuẩn biểu diễn âm nhạc hàn lâm. Đây sẽ là phòng hòa nhạc chuyên nghiệp đầu tiên của Hà Nội, món quà ý nghĩa chào mừng Đại lễ. * Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam sẽ có hai chương trình biểu diễn lớn vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, huy động khoảng 1.000 nghệ sĩ khắp thế giới.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/vn/43/222990/