Giao khoán, bước đệm để bảo vệ rừng

Quảng Trị đang thực hiện chủ trương xã hội hóa nghề rừng, phân cấp, phân quyền và huy động các nguồn lực để quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên lẫn rừng trồng. Song bên cạnh những lợi ích thiết thực, giao khoán rừng đã bộc lộ không ít bất cập.

Người dân tích cực phối hợp với lực lượng kiểm lâm thường xuyên tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: H.T.

Hài hòa lợi ích để ngăn khai thác trái phép

Số liệu của Chi cục Kiểm lâm Quảng Trị cho hay, toàn tỉnh hiện có 242.240 ha rừng. 11.262 ha rừng tự nhiên đã giao cho cộng đồng và hộ gia đình quản lý, bảo vệ với tổng kinh phí thực hiện 2,9 tỷ đồng. Từ năm 2005 đến nay, thông qua các chương trình dự án như Dự án JICA2, Chương trình 30a. Chi trả dịch vụ môi trường rừng… 3933 hộ tham gia, tổng kinh phí thực hiện 46,3 tỷ đồng.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Trị - Khổng Trung, sau khi được giao rừng tự nhiên, cộng đồng và hộ gia đình đã thành lập 40 ban quản lý rừng cộng đồng với 200 thành viên, 84 tổ, nhóm tuần tra bảo vệ rừng. Các chủ rừng đã xây dựng phương án bảo vệ rừng, tổ chức tuần tra dựa trên phương án bảo vệ rừng đã phê duyệt và họ đã làm tốt. Ông Trung đưa ra dẫn chứng, tổ tuần tra bảo vệ rừng của cộng đồng bản Ăng Công, xã A Ngo (huyện Đakrông) năm 2007 đã phát hiện các đối tượng vào rừng khai thác tinh dầu de và tiến hành đẩy đuổi các đối tượng ra khỏi rừng, thu giữ 40 kg gạo, 4 cái rìu, 2 tấm bạt lều trại.

Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa - Võ Thanh kể, nhà ông Hồ Mơ, bản Prin xã A Dơi thuộc vùng Lìa của huyện, năm 2009 đã phát hiện một số người vào rừng tìm gỗ trắc và một số người ở địa phương khác đến đốt rừng làm nương rẫy. Chính quyền địa phương và các ngành chức năng đã phối hợp ngăn chặn, đẩy đuổi. Chủ tịch UBND huyện Đakrông Lê Đắc Quỳ cho hay, tại tiểu khu 820 vùng giáp ranh khu vực chiến khu xưa Cùa (huyện Cam Lộ) thuộc địa phận Khu Bảo tồn thiên nhiên Đakrông năm 2013, 2 tổ tuần tra bảo vệ rừng của xã Ba Lòng và Triệu Nguyên (thuộc huyện Đakrông) đã cùng cán bộ Khu bảo tồn bắt giữ và xử lý 4 vụ vi phạm, thu giữ 3 máy cưa và đẩy đuổi hàng chục người vào rừng khai thác trái phép. Còn “ở xã Cam Nghĩa cuối năm 2015, một số hộ dân đã phát hiện và báo cáo với lực lượng Kiểm lâm bắt giữ và chuyển hồ sơ cho Công an khởi tố 2 vụ án với 3 bị can về hành vi lấn chiếm rừng tự nhiên”, Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ Ngô Xuân Chiến nói.

Chi cục Phó Chi cục Kiểm lâm Quảng Trị - Hoàng Đăng Doanh cho biết, thông qua quy ước bảo vệ rừng, kế hoạch quản lý rừng cộng đồng đã tạo được sự gắn kết giữa người dân sống gần rừng với nhau, chia sẻ hài hòa lợi ích giữa Nhà nước với nhân dân. Nhờ làm tốt công tác bảo vệ rừng nên các khu rừng của cộng đồng và hộ gia đình không bị khai thác trái phép, không bị phá làm nương rẫy, cây rừng sinh trưởng và phát triển tốt.

Nhiều vướng mắc chưa được giải quyết

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị - Hà Sĩ Đồng cho hay, việc giao rừng, cho thuê rừng và khoán bảo vệ rừng còn để xảy ra rất nhiều vụ cháy rừng gây thiệt hại lớn về kinh tế và môi trường. Tình trạng xâm lấn đất rừng xảy ra nhiều song chưa được giải quyết. Rồi lâm tặc hoành hành... Nguyên do là sự quản lý lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm của các chủ rừng, sự vào cuộc của các cơ quan pháp luật còn kém, xử lý chưa nghiêm các vụ vi phạm. Người dân thiếu đất sản xuất (toàn tỉnh Quảng Trị có 9.353 lượt hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất, thiếu sinh kế… nên phải lấn chiếm, đốt phá rừng.

Theo ông Đồng, tiến độ giao rừng còn rất chậm do nhiều nguyên nhân như: Kinh phí hạn hẹp; Diện tích rừng tự nhiên giao cho hộ và cộng đồng có trữ lượng thấp, chất lượng rừng kém, lâm sản ngoài gỗ ít và nằm ở xa khu dân cư nên ảnh hưởng đến công tác bảo vệ rừng; Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng đã giao quá chậm (8.397 ha chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Năm 2015, Quảng Trị dự kiến giao trên 16.000ha rừng tự nhiên cho hộ dân và cộng đồng, song hiện mới chỉ giao được 11.200 ha.

Hữu Thành

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/xa-hoi/giao-khoan-buoc-dem-de-bao-ve-rung-1082790.tpo