Giao quyền ban hành định mức đối với xe ô tô công, trụ sở làm việc cho Chính phủ

Theo nội dung Dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) do Bộ trưởng Bộ Tài chính trình tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, ngày 31/10, thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, định mức đối với xe ô tô công, trụ sở làm việc được đề xuất giao cho Chính phủ.

Tại chương III "Quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị" được xây dựng gồm 54 Điều (từ Điều 21 đến Điều 74) đã chia thành 8 mục quy định chung về quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công; chế độ quản lý, sử dụng tài sản công tại từng loại hình cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Nội dung của Chương này cơ bản được kế thừa các quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2008, đưa một số quy định tại các nghị định và thông tư hướng dẫn đã được kiểm nghiệm và chứng minh sự phù hợp trong quá trình tổ chức thực hiện vào dự thảo Luật như: nguồn hình thành tài sản công; đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp; hạch toán, báo cáo, bảo dưỡng, sửa chữa tài sản; các hình thức xử lý tài sản (thu hồi, điều chuyển, bán, thanh lý, tiêu hủy); sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết... Đồng thời, điều chỉnh, bổ sung một số nội dung.

Sáng 31/10, Bộ trưởng Bộ tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) trước Quốc hội

Cụ thể, Dự thảo Luật đề xuất giao thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, định mức đối với xe ô tô công, trụ sở làm việc cho Chính phủ (thay cho thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ như hiện nay); bổ sung các quy định để đảm bảo việc ban hành tiêu chuẩn, định mức được chặt chẽ, công khai, minh bạch. Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm tuân thủ, giám sát, kiểm tra việc tuân thủ tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công trong toàn bộ quy trình đầu tư xây dựng, mua sắm, sử dụng, khai thác, xử lý tài sản công để khắc phục những hạn chế trong quá trình thực hiện thời gian vừa qua.

Dự thảo cũng bổ sung một số hình thức mới trong đầu tư xây dựng, mua sắm, sử dụng, xử lý tài sản công bao gồm: Mua sắm tập trung; đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp theo hình thức đối tác công - tư (PPP), khoán kinh phí sử dụng tài sản công; huy động vốn để đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản tại đơn vị sự nghiệp công lập; ghi giảm tài sản do nguyên nhân bất khả kháng.

Việc khoán kinh phí sử dụng tài sản được áp dụng đối với nhà công vụ, xe ô tô phục vụ chức danh và xe ô tô phục vụ công tác chung của cơ quan nhà nước; điện thoại công vụ tại nhà riêng, điện thoại di động và các tài sản khác theo chế độ quản lý, sử dụng đối với từng loại tài sản công do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Khoán kinh phí là phương thức được ưu tiên khi có nhu cầu sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị. Chỉ khi không áp dụng được phương thức khoán mới áp dụng các phương thức khác.

Dự thảo Luật này quy định điều kiện trang bị tài sản công theo hướng ưu tiên áp dụng các phương thức trang bị theo thứ tự ưu tiên: khoán kinh phí, thuê tài sản, mua sắm, đầu tư xây dựng.

Dự thảo cũng đề nghị bỏ quy định về việc xác định lại giá trị tài sản để giao cho đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính để giảm thủ tục hành chính và chi phí xác định lại giá trị tài sản; tăng quyền tự chủ về tài sản cho đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư trong việc quyết định định mức sử dụng tài sản, bảo đảm tài sản phục vụ hoạt động, sử dụng kết quả khai thác tài sản, huy động vốn đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản.

Đồng thời, đề nghị điều chỉnh chế độ quản lý, sử dụng tài sản là bất động sản đã giao cho các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp từ cơ chế áp dụng như cơ quan nhà nước theo Luật hiện hành sang cơ chế cho phép tổ chức được khai thác bất động sản được Nhà nước giao theo hình thức kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết như chế độ áp dụng đối với đơn vị sự nghiệp công lập nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng, khai thác tài sản.

Dự thảo cũng đề xuất bổ sung quy định về quản lý vận hành tài sản công theo hướng cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập có thể tự thực hiện quản lý vận hành tài sản công được giao quản lý, sử dụng hoặc thuê đơn vị có chức năng thực hiện quản lý vận hành.

Cuối cùng là đề xuất quy định việc xử lý tài sản công khi chuyển đổi mô hình hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập (cổ phần hóa, chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành doanh nghiệp ) để đáp ứng yêu cầu đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập trong thời gian tới.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về Tài sản Nhà nước, từ ngày 01/01/2009 đến ngày 31/7/2016, Tai sản nhà nước (gồm: đất, nhà, xe ô tô, các tài sản khác có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên) trong khu vực HCSN được đầu tư tăng thêm 94.285 tài sản với tổng giá trị là 220.774,71 tỷ đồng.

Trong đó, khối quản lý nhà nước tăng 32.496 tài sản với tổng giá trị là 62.064,31 tỷ đồng, khối giáo dục – đào tạo tăng 34.056 tài sản với tổng giá trị là 65.902,06 tỷ đồng, khối y tế tăng 12.335 tài sản với tổng giá trị là 32.121,38 tỷ đồng, khối VH-TT tăng 2.016 tài sản với tổng giá trị là 7.589,07 tỷ đồng, khối sự nghiệp khác tăng 10.603 tài sản với tổng giá trị là 46.210,32 tỷ đồng, khối tổ chức tăng 2.779 tài sản với tổng giá trị là 6.887,57 tỷ đồng.

Tổng giá trị TSNN đến 31/7/2016 là 1.040.451,98 tỷ đồng; trong đó, tại các cơ quan nhà nước là 281.086,12 tỷ đồng, tại các đơn vị sự nghiệp là 718.562,12 tỷ đồng, tại các tổ chức là 37.609,26 tỷ đồng, tại các ban quản lý dự án: 3.194,48 tỷ đồng.

Hữu Tuấn

Nguồn Đầu Tư: http://baodautu.vn/giao-quyen-ban-hanh-dinh-muc-doi-voi-xe-o-to-cong-tru-so-lam-viec-cho-chinh-phu-d53851.html