Giáo sư Mỹ khâm phục chiến lược của Nga

Khác với Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh, Nga đang đi theo một chiến lược khôn khéo hơn và dường như có được nhiều lợi ích hơn.

Dấu ấn Nga

Trang realclearworld mới đây đăng bài viết của giáo sư người Mỹ Nikolas K. Gvosdev đánh giá về vị thế của Nga hiện nay ở Trung Đông, trong đó cho rằng nước Nga hiện đã vươn tầm ảnh hưởng của mình ra khắp khu vực này.

Theo giáo sư, Nga hiện đang đi đầu trong nỗ lực kết thúc cuộc nội chiến ở Syria và thiết lập các vùng phi xung đột giữa các phe phái và những bên ủng hộ. Nga can dự vào vấn đề người Kurd – cả ở những khu vực người Kurd ở Syria có dính dáng tới Thổ Nhĩ Kỳ cũng như trong những nỗ lực nhằm xác định vị thế của người Kurd ở Iraq và chính quyền Baghdad.

Nga đóng vai trò chính trong việc hỗ trợ người Hồi giáo Shi’ite ở Iran, Iraq và Syria song cũng tham gia đàm phán trực tiếp với Saudi Arabia và các nước vùng Vịnh về cách thức duy trì thế cân bằng quyền lực ở khu vực.

Nga đang thể hiện sức mạnh quân sự đáng nể tại Syria và sự linh hoạt ngoại giao tại Trung Đông

Cả Ai Cập và Israel giờ đều có đường dây liên lạc riêng với điện Kremlin và coi Tổng thống Nga Vladimir Putin là một chính khách đáng tin cậy hơn, người luôn làm những gì mình nói và giữ đúng các cam kết.

Theo giáo sư Gvosdev, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng có chung đánh giá như vậy và dường như sẵn sàng thúc đẩy một trục chiến lược mới với Nga về năng lượng, an ninh Âu-Á và sự liên kết tương lai của Trung Đông.

Moscow cũng đã chủ trì các cuộc họp giữa các phe phái Libya, các đảng chính trị Palestine, các đại diện người Kurd và các thành viên phe đối lập Syria. Các nhà lãnh đạo Trung Đông thường xuyên tới Moscow để hội ý với Kremlin.

Giáo sư Gvosdev đánh giá, xét mọi mặt, Nga đang “trở lại”. Mặc dù dường như rõ ràng là nước Nga đương đại không phải Liên Xô. Kremlin không còn quan tâm tới việc truyền bá tư tưởng riêng cũng không tìm cách áp đặt các nước trong khu vực phải lựa chọn giữa Moscow và Washington. Đó là bởi Nga không muốn phải thanh toán các hóa đơn khổng lồ cho việc hỗ trợ an ninh và kinh tế.

Thực tế, cách tiếp cận của Nga trong thế kỷ 21 là không thế chỗ Mỹ, nước đang tiếp tục chu cấp cho khu vực rất nhiều khoản chi phí lớn về an ninh, mà thay vào đó sẽ hành động theo kiểu “nước đôi” đối với những chế độ trong khu vực để giữ cân bằng với những ưu tiên của Mỹ và để có nhiều lựa chọn tránh bị Mỹ đặt điều kiện.

Các nhà lãnh đạo ở Trung Đông, trong đó có Thủ tướng Israel Netanyahu (trái) thường xuyên tới Nga để gặp Tổng thống Putin

Moscow thể hiện mình là nhà trung gian đáng tin cậy hơn so với Washington và cung cấp những thiết bị và khả năng mà Washington còn lưỡng lự. Đổi lại, điều này đã khiến các cựu thù thời Chiến tranh Lạnh ở khu vực này, nhất là Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Saudi Arabia và Israel, trở nên cởi mở hơn với việc phát triển một mối quan hệ mới với Nga.

Cách tiếp cận của Nga là công nhận rằng các giải pháp dài hạn vào thời điểm hiện nay là không thể, cho nên Moscow trên thực tế nỗ lực tập trung vào việc dàn xếp một loạt thỏa hiệp: vùng phi xung đột ở Syria, cố gắng thử thực hiện một chính phủ tự trị người Kurd ở Syria cùng với một khu vực an ninh Thổ Nhĩ Kỳ, duy trì sự cân bằng giữa các lợi ích của Hồi giáo Sunni và Hồi giáo Shi’ite ở Syria và nhiều nơi khác nữa, đảm bảo Iran có khả năng tiếp cận với các nhóm ủy trị Hezbollah ở Lebanon với việc cho phép Israel thực thi các giới hạn đỏ của mình.

Theo giáo sư Gvosdev, Nga đưa ra quan điểm qua lăng kính của thế kỷ 19 về phạm vi ảnh hưởng và sự cân bằng quyền lực – với Moscow đóng vai trò đối tác đàm phán bên ngoài cốt yếu – thay cho một Washington rất dễ bị phân tán đang rao giảng về tầm nhìn thế kỷ 21 chẳng liên quan gì tới bất cứ cam kết thực sự nào về nguồn lực.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/giao-su-my-kham-phuc-chien-luoc-cua-nga-3343192/