Giáo sư Trần Hồng Quân dưới góc nhìn của cộng sự

Nhiều cấp quản lý xa lánh các nhà khoa học, nhà giáo dục và khi họ muốn xin phép làm điều gì thì gây khó khăn. Nhưng GS.Trần Hồng Quân thì không như vậy...

LTS: GS.Trần Hồng Quân (sinh ngày 15 tháng 2 năm 1937) nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Đại học, Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề, trong 3 năm (1987-1990) và sau đó là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trong các năm 1990-1997.

Hiện nay Giáo sư tiếp tục cống hiến trong vai trò Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam.

Nhân ngày sinh nhật lần thứ 80 của Giáo sư, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng gửi đến bạn đọc chia sẻ của một vài cộng sự về những cống hiến cho ngành giáo dục của Giáo sư Trần Hồng Quân.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

Đột phá trong tư duy đổi mới giáo dục đại học

Là người đầu tiên khai sinh ra mô hình đại học ngoài công lập tại Việt Nam [1], GS.Hoàng Xuân Sính – Chủ tịch Hội đồng quản trị Đại học Thăng Long tâm sự: “Ngày đó, tôi mở đường thành công vì đúng thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Đặc biệt, tôi nhận được sự ủng hộ của Bộ trưởng Trần Hồng Quân”.

GS.Hoàng Xuân Sính nhớ lại, để thu hút được sinh viên giỏi, Đại học Thăng Long đã có nhiều cố gắng để có học bổng cho sinh viên đi nước ngoài trong những năm 1990 đầy khó khăn đối với ngành giáo dục.

Lúc đó, GS.Hoàng Xuân Sính có một người bạn Pháp đang là hiệu trưởng một trường đại học tư thục tại Pháp, người bạn này ngỏ ý muốn trở thành thành viên Hội đồng quản trị của trường Thăng Long để việc xin học bổng từ Pháp cho sinh viên Đại học Thăng Long được dễ hơn.

GS.Trần Hồng Quân được đánh giá là vị Bộ trưởng gần gũi với cấp dưới, luôn luôn tôn trọng ý kiến và lắng nghe (Ảnh: Xuân Trung)

Nhưng quy chế tổ chức và hoạt động do Nhà nước ban hành cho các trường đại học ngoài công lập lúc đó không có điều, khoản nào cho phép người nước ngoài tham gia vào hội đồng quản trị, GS.Hoàng Xuân Sính “liều” trình bày lời ngỏ ý của người bạn Pháp với Bộ trưởng Trần Hồng Quân và đã được đồng ý.

Kể từ đó, Thăng Long trở thành trường đại học ngoài công lập đầu tiên và duy nhất có thành viên Hội đồng quản trị trường là người ngoại quốc và trường chúng tôi được “lợi” rất nhiều từ quyết định này của Bộ trưởng Trần Hồng Quân.

Cho nên tôi tự hỏi, cớ sao nhiều cấp quản lý xa lánh các nhà khoa học, các nhà giáo dục và khi họ muốn xin phép làm điều gì thì không cho hoặc gây khó khăn. Nhưng GS.Trần Hồng Quân thì hoàn toàn trái ngược”, nữ giáo sư bày tỏ.

Nhân dịp Giáo sư Trần Hồng Quân tròn tuổi 80, bà mong Giáo sư có sức khỏe tốt để tiếp tục đồng hành cùng sự nghiệp giáo dục.

Giáo dục phải đổi mới phù hợp với khát vọng của thế hệ trẻ

Nhắc tới nguyên Bộ trưởng Trần Hồng Quân, TS.Mai Văn Tỉnh – cựu chuyên viên cao cấp Bộ GD&ĐT nói ngay: “GS.Trần Hồng Quân là không quan cách mà trái lại vị Bộ trưởng này rất gần gũi với cấp dưới, luôn luôn tôn trọng ý kiến và lắng nghe”.

Gần 40 năm phục vụ ngành giáo dục đại học (1972-2010), được tiếp xúc qua 6 Bộ trưởng, ấn tượng sâu sắc nhất với tôi vẫn là Bộ trưởng Trần Hồng Quân", TS.Mai Văn Tỉnh tâm sự.

Nét nổi bật của vị giáo sư này khi ở cương vị Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đầu tiên thời kỳ đổi mới là tầm tư duy chiến lược đặc biệt nhạy bén, quyết đoán và sâu sắc.

Giáo sư đã tập hợp nhiều chuyên gia giỏi thực hiện công cuộc “cởi trói” cho giáo dục đại học theo tinh thần đổi mới của Đại hội Đảng toàn quốc khóa VI.

TS.Mai Văn Tỉnh nhắc lại một vài kỷ niệm khó quên.

Trong một lần đàm đạo với anh em trong Vụ Giáo dục Đại học, GS. Trần Hồng Quân nói: “Chỉ những ai có kiến thức, có suy nghĩ trăn trở mới biết đặt câu hỏi”.

Năm 1996 tại Hội thảo “Giới thiệu giáo dục đại học Hoa Kỳ trước ngưỡng cửa thế kỉ 21”, GS.Trần Hồng Quân bày tỏ với chuyên gia: “Ứng dụng Internet vào giáo dục đại học Hoa Kỳ là phát minh tuyệt vời, khắc phục khoảng không giao tiếp, vậy làm thế nào thể hiện tình cảm cá nhân khi giao tiếp từ xa?”. Câu trả lời bị bỏ ngỏ.

Và gần đây khi chuyện trò về lớp trẻ, GS.Trần Hồng Quân nói: “Có tin thế hệ trẻ nước nhà thì mới làm giáo dục thành công. Nhưng giáo dục phải đổi mới sao cho cho phù hợp với khát vọng của thế hệ trẻ”.

Ở tuổi 80, GS.Trần Hồng Quân vẫn đau đáu trăn trở bài toán đổi mới giáo dục nước nhà và có những linh cảm dự báo chiến lược đi trước thời đại.

Nhân dịp sinh nhật lần thứ 80 của nguyên Bộ trưởng Trần Hồng Quân, TS.Mai Văn Tỉnh chúc Giáo sư nhiều sức khỏe, tiếp tục phát huy dòng tư duy chiến lược mẫn tiệp và sâu sắc để tư vấn cho lãnh đạo đất nước những quyết sách đổi mới giáo dục nhằm đào tạo nguồn nhân lực của thế hệ “công dân toàn cầu”.

Một nhà kiến tạo chính sách giáo dục

Trong trí nhớ của TS. Đặng Văn Định – từng là giảng viên đại học, chuyên viên Vụ Giáo dục Đại học, sau lên giúp Thủ tướng xử lý mảng công việc về giáo dục, khi nhắc tới nguyên Bộ trưởng Trần Hồng Quân, đây là một là một nhà kiến tạo chính sách giáo dục .

TS. Đặng Văn Định chia sẻ: “Bây giờ nhà nước đã chính thức tuyên bố giáo dục là dịch vụ công, khẳng định chủ trương xã hội hóa phát triển giáo dục, đang đẩy mạnh tự chủ đại học.

Những việc này, từ cuối thập niên 80 của thế kỷ trước ở cương vị bộ trưởng GS Trần Hồng Quân đã “vào cuộc” thông qua 4 tiền đề để đổi mới giáo dục đại học mà những người đối mặt với công việc thường nói nôm na:

Thứ nhất, đại học không chỉ đào tạo cho nhà nước mà còn cho các thành phần kinh tế khác.

Thứ hai, đào tạo đại học không chỉ dựa vào ngân sách nhà nước.

Thứ ba, đào tạo đại học không chỉ cung cấp nhân lực cho nhà nước mà đáp ứng nhân lực cho các thành phần kinh tế khác, cho nhu cầu nhân lực trong tương lai.

Thứ tư, người tốt nghiệp đại học không chỉ làm việc theo phân công của nhà nước mà phải tự tìm việc làm”.

Đã hơn ba mươi năm đổi mới, không ít định chế từ thời GS.Trần Hồng Quân đương nhiệm được kế thừa và phát triển thêm.

Minh chứng về “không ít định chế” đó, TS.Đặng Văn Định chỉ rõ: “Quyền tự chủ về học thuật của mô hình đại học quốc gia, quyền tự chủ về tài chính và nhân sự của mô hình đại học bán công cơ bản được duy trì, phát triển và đang được khuyến khích mở rộng sang các trường đại học công lập khác (theo tinh thần NQ -77 năm 2015 của Chính phủ);

Đặc điểm của các trường đại học dân lập (loại hình trường đại học không còn ghi trong Luật Giáo dục đại học) được tìm thấy trong mô hình trường đại học tư thục không vì lợi nhuận ở Điều lệ trường đại học hiện hành;

Rồi đào tạo theo diện rộng, trường đại học đa ngành đa lĩnh vực, tích lũy kiến thức theo hệ thống tín chỉ là xu thế chung của các trường đại học…”

Nhân dịp Giáo sư tròn tuổi 80, TS.Đặng Văn Định thay chén rượu mừng, bằng cách “bật mí” một phần những gì đọng lại trong ông về một người con của đất Phương Nam tâm huyết với sự nghiệp giáo dục.

Tài liệu tham khảo:

[1] http://www.tienphong.vn/xa-hoi/nu-giao-su-ke-chuyen-mo-truong-dai-hoc-tu-dau-tien-o-viet-nam-1076010.tpo

Thùy Linh

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/giao-su-tran-hong-quan-duoi-goc-nhin-cua-cong-su-post174413.gd