Giáo sư Trần Văn Khê luyện nhạc từ trong bụng mẹ

(Phunutoday) - Hơn 90 năm, cây đại thụ ấy vẫn chưa già. Trong ông tràn ngập tình yêu thương với quê hương xứ sở và một lòng đau đáu muốn truyền thụ lại tinh túy văn hóa dân tộc cho thế hệ mai sau biết trân trọng gìn giữ. GS Trần Văn Khê tâm sự: “Ước nguyện hiện tại của tôi là có thể say sưa nói về âm nhạc trong cả những phút cuối cùng được sống”.

Giáo sư Trần Văn Khê là một người thầy lớn về Âm nhạc Dân tộc Việt Nam, nguyên Giáo sư đại học Sorbonne Paris, thành viên danh dự của Hội đồng quốc tế Âm nhạc thuộc Unesco, Viện sĩ thông tấn của Hàn Lâm Viện châu Âu về Khoa học – Văn chương và Nghệ thuật. Ông là tiến sĩ âm nhạc học đề tài âm nhạc truyền thống Việt Nam, tham gia chỉ đạo nghiên cứu và làm giám khảo cho 40 cuộc thi cao học và tiến sĩ tại ĐH Sorbonne.

Ông đã đi nhiều nước trên thế giới nói chuyện, truyền bá tinh thần và tinh hoa âm nhạc truyền thống Việt Nam, tham gia giảng dạy và thuyết trình ở nhiều trường ĐH trên thế giới, nói chuyện trên đài phát thanh và truyền hình nhiều nước về âm nhạc Việt Nam và ở bất cứ đâu, ông cũng được hoan nghênh, chào đón.

Không những hiểu biết thông suốt về âm nhạc dân tộc truyền thống Việt Nam, GS Trần Văn Khê còn là chuyên gia về âm nhạc truyền thống Ấn Độ, Ba Tư, Trung Quốc, Nhật Bản và các nước Ả Rập, ông đóng một vai trò rất quan trọng trong việc phổ biến âm nhạc châu Á trên thế giới. Nói không quá, GS Trần Văn Khê là người nổi tiếng nhất thế giới trong lĩnh vực âm nhạc truyền thống.

Tiếng đàn nhắc nhớ cội nguồn

Thỉnh thoảng ghé thăm GS Trần Văn Khê tại nhà riêng, chúng tôi thấy ông ngồi trên xe lăn, đi lại phải có người giúp đỡ nhưng giọng nói vẫn ấm áp, rổn rảng, đầy nhiệt huyết dù đã vào tuổi 91. Thỉnh thoảng, bọn trẻ chúng tôi được rửa tai, nghe ông đàn. Một huyền thoại sống của nền âm nhạc dân tộc Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung như ông đích thân chơi nhạc, đâu phải chuyện chơi.

Những ngón tay run run chạm vào dây đàn, rung lên những cung bậc mà cả đời ông nghiên cứu, theo đuổi, truyền bá nét hay, nét đẹp, nét tình của nghệ thuật đàn ca tài tử. Không gian văn hóa đậm hồn dân tộc, ấm tình người. Những thanh âm ngân lên dập dìu, tình cảm, thôi thúc, khoan nhặt, rộn ràng từng khúc khiến lòng người như thoát khỏi bức tường đô thị, bay bổng về miền quê ký ức nào đó của tuổi thơ. “Ba tôi là người không có tuổi, không cần cắm ngọn nến 90 lên bánh sinh nhật của ông” - con dâu GS Trần Văn Khê, ca sĩ nổi tiếng một thời, người đàn bà hát ca khúc “Đêm đông” ấn tượng nhất - bà Bạch Yến - từng nói như thế trong sinh nhật 90 tuổi của ông.

Quả thực, người ta không thấy GS già. Ở ông tỏa ra thần khí của một đấng anh kiệt tài hoa lại khiêm nhu, giản dị.

Luyện nhạc từ trong bụng mẹ

Đêm rằm tháng 6 âm lịch năm Tân Dậu (1921), cậu bé Trần Văn Khê chào đời trong một gia đình bốn đời nhạc sĩ. Tính xa ra cả trăm năm, cụ cố Trần Quang Thọ của GS Trần Văn Khê trước kia là nhạc công Triều đình Huế. Ông nội là Trần Quang Diệm, tục danh là ông Năm Diệm, biết đàn kìm, đàn tranh. Cha là Trần Quang Triều, mà giới tài tử trong Nam thường gọi là Ông Bảy Triều biết đàn nhiều cây, mà đặc biệt nhất là đàn bầu, và đàn kìm (đàn nguyệt).

Với độc huyền, Ông Bảy Triều đã bắt chước tiếng đào thán, tiếng ca nỉ non, nũng nịu của một người con gái, và ông đã chế ra cách lên dây đàn kìm mà ông gọi là "dây Tố Lan", thuộc hò nhì, lấy chữ xự làm hò mà dây Tồn cao bằng giọng hò trầm, thường dùng để đàn Văn Thiên Tường và Tứ đại oán, mà giới tài tử trong Nam đều biết và vẫn còn sử dụng.

Người cô thứ ba là bà Trần Ngọc Viện, tục gọi là cô Ba Viện, trước dạy nữ công tại trường Áo Tím, năm 1926 vì để tang cụ Phan Châu Trinh nên bị sa thải, về Vĩnh Kim lập gánh hát đồng Nữ Ban, toàn diễn viên con gái, con nông dân vùng Vĩnh Kim, Đông Hòa, Long Hưng, đàn tranh rất hay và đã truyền ngón cho GS Trần Văn Khê trong những bài Nam Xuân, Nam Ai.

Cụ cố ngoại là Nguyễn Tri Phương, đã làm đến chức Khâm sai Kinh Lược Nam Kỳ, tuyệt thực tử tiết khi Pháp chiếm thành Hà Nội lúc cụ đang giữ chức Tuyên sát đồng sức đại thần miền Bắc. Ngoại tổ là Nguyễn Tri Túc, lúc sinh thời đã nuôi rất nhiều nhạc sĩ danh tiếng vùng Cần Đước, Vĩnh Kim để cho hai người con là Nguyễn Tri Lạc và Nguyễn Tri Khương học các thứ đàn.

Ông Nguyễn Tri Khương - cậu thứ năm của GS Trần Văn Khê, cũng là thầy dạy Trần Văn Khê đánh trống nhạc lễ và trống hát bội - đã sáng tác nhiều bản nhạc theo truyền thống như "Yến tước tranh ngôn", "Phong xuy trịch liễu" mà sau này GS Trần Văn Khê đã ghi âm vào đĩa hát CD OCORA. Mẹ là Nguyễn Thị Dành không được cha cho học nhạc, nhưng thường thích nghe hòa nhạc trong gia đình.

GS Trần Văn Khê chẳng những được may mắn sanh trong một gia đình mà hai bên nội ngoại đều là nhạc sĩ, mà ngay từ khi còn trong bụng mẹ, ông đã được ươm mầm âm nhạc. Nhà phía bên nội ở gần lò heo, nên người cậu thứ năm - ông Nguyễn Tri Khương - đã xin phép nội tổ được đem mẹ Trần Văn Khê về dưỡng thai trong miếng vườn riêng có trồng nhiều thứ hoa đẹp lại xa lò heo, không nghe tiếng heo kêu la khi bị thọc huyết.

Mỗi ngày, ông lại thổi sáo và đàn tranh cho người em gái nghe mỗi sáng, trưa, chiều; mắt không xem hát bội, không xem đá gà, chỉ thường đọc những sách như "Nhị Thập Tứ Hiếu", "Gia Huấn Cạ". Sau khi chào đời, mỗi ngày Trần Văn Khê vẫn tiếp tục được nghe đàn sáo của cậu Năm Nguyễn Tri Khương, và cậu Mười Nguyễn Tri Ân cũng là người thổi ống tiêu rất hay.

Sau khi thôi nôi, Trần Văn Khê được ông nội rước về ở và hàng ngày nghe ông đàn tỳ bà, cha đàn độc huyền, cô đàn tranh, chú bé đã sống trong một không khí đầy nhạc. Khách tới, ông nội đàn bài Lưu Thủy, để cho chú bé Trần Văn Khê nhảy trong tay người cô hay người khách, hễ ông đàn mau, thì nhảy mau, ông đàn chậm thì nhảy chậm.

Sáu tuổi, cậu bé Trần Văn Khê đã biết đàn kìm; bảy tuổi, đã tập cho các chị diễn viên gánh đồng Nữ Ban của cô Ba Viện hát bài "La Madelon" để diễn màn đầu cải lương. Tám tuổi, Trần Văn Khê biết đàn cò; mười hai tuổi, biết đàn tranh và đánh trống nhạc.

Ai cũng có thể thành công nếu có ý chí

GS.TS Trần Văn Khê có một tuổi thơ không mấy hạnh phúc. Năm ông ba tuổi, ông ngoại qua đời. Năm tuổi đến phiên ông nội. Mẹ mất năm ông chín tuổi, và năm sau, mười tuổi, cha ông từ trần. Giáo sư tâm sự: “Nếu tôi buồn khổ thì hai em tôi sẽ buồn khổ thêm. Trong mọi tình huống, tôi luôn nghĩ mình phải tự lực cánh sinh, không chờ đợi sự giúp đỡ của cô bác. Hoàn cảnh mồ côi đáng thương trở nên cơ hội đáng quý để tôi tự rèn luyện bản thân”.

Năm mười hai tuổi, ông bị đau đan bạch, vẫn đi lại được nhưng yếu ớt, xanh xao, không làm được việc nặng. Bằng nghị lực và niềm tin phi thường, GS nỗ lực luyện tập thể lực, kiên trì tập từng động tác, để từ một cậu bé xanh xao, yếu ớt, ông vượt qua bệnh tật và có cơ thể cường tráng, khỏe mạnh. Chỉ là những câu chuyện nhỏ GS kể lại nhưng bật lên cốt cách một nhà văn hóa, một nhà đạo đức mẫu mực để thế hệ sau ông rút kinh nghiệm, học hỏi và chiêm nghiệm.

Trong những điều ông nói, tôi nhớ nhất câu: “Tôi không có gì phi thường, tôi không phải người vĩ đại, tôi là người Việt Nam rất bình thường. Chỉ là tôi biết tổng hợp và nhìn nhận để biến những điều khó khăn trở nên dễ dàng, biến phức tạp thành đơn giản… bằng những quy tắc dễ nhớ, dễ làm. Tôi tin rằng ai cũng có thể thành công nếu mình có ý chí”.

Trái tim Việt Nam

GS.TS Trần Văn Khê vừa bước qua tuổi 91. Hơn nửa thế kỷ bôn ba khắp thế giới để học và phát dương âm nhạc dân tộc Việt Nam đến với bạn bè năm châu, trải qua bao thăng trầm, cay đắng, vinh quang, ông đã vắt kiệt trí tuệ, tình yêu của mình với âm nhạc quê hương xứ sở.

“Một hãng phim trả tôi 30.000 francs cho 5 phút tôi đánh đàn cò để làm nền cho cảnh người phu xe Việt Nam đổ mồ hôi kéo xe chở một người Pháp to lớn. Tôi từ chối ngay vì không thể dùng tiếng đàn của mình góp phần thể hiện hình ảnh đồng bào mình dưới ách thực dân thuộc địa” - ông tâm sự. Lúc đó GS.TS Trần Văn Khê còn có cuộc sống khó khăn rất khó khăn ở Pháp.

Lần khác, khi Hiệp hội Những người Pháp từng sống tại Đông Dương tổ chức tiệc lớn để gặp gỡ, nhắc lại chuyện xưa khi còn làm quan lớn tại các cơ quan hành chính, thuế, ngỏ ý mời ông giới thiệu về âm nhạc truyền thống Việt Nam với giá thù lao gấp 20 lần tiền lương của ông tại hiệu ăn, GS Trần Văn Khê từ chối: “Tôi không nhận lời vì không muốn đem tiếng đàn của mình làm vui tai cho những người từng bóc lột dân tộc tôi”.

Trở thành thành viên danh dự Hội đồng âm nhạc quốc tế của Unesco, GS Trần Văn Khê luôn dành cho âm nhạc dân tộc Việt Nam vị trí trang trọng trong mỗi lần ông biểu diễn, thuyết trình ở khắp thế giới. Với GS, tình yêu âm nhạc truyền thống Việt Nam còn hơn cả tín ngưỡng.

Về vấn đề tại sao thế hệ trẻ không thiết tha với âm nhạc dân tộc, GS Trần Văn Khê cho rằng: “Lỗi không phải tại thanh niên mà tại xã hội, cụ thể là chính sách về âm nhạc truyền thống chưa được chặt chẽ để có thể giữ được con người không vọng ngoại âm nhạc. Không đưa âm nhạc dân tộc vào học đường thì con trẻ không thể tiếp cận được.

Nước Việt Nam là nước độc lập, âm nhạc Việt Nam là âm nhạc độc lập, là chủ nhà. Chúng ta có thể mở cửa đón âm nhạc nước ngoài nhưng đó chỉ là những vị khách, khách thì phải ở phòng khách, khách tới chơi nhà vài bữa rồi về chứ không phải ở luôn và ngồi vào bàn thờ để thanh niên thờ lạy, thần tượng”.

“Bạn hãy nghĩ rằng âm nhạc Việt Nam như cơm chúng ta ăn, không cơm chúng ta đói, như nước chúng ta uống, thiếu nước chúng ta sẽ khát. Thỉnh thoảng, ta thích ăn bún, bánh mì, uống rượu Tây... cho vui nhưng làm sao có thể lấy những món đó thay cơm ăn, nước uống. Nếu bạn xem âm nhạc dân tộc cần thiết như cơm ăn, nước uống, bạn sẽ có thái độ trân trọng hơn với âm nhạc Việt Nam. Từ trân trọng sẽ đi đến tìm hiểu, hiểu rồi sẽ thương, sẽ yêu, sẽ quý âm nhạc quê hương mình”.

Hơn 90 năm, cây đại thụ ấy vẫn chưa già. Trong ông tràn ngập tình yêu thương với quê hương xứ sở và một lòng đau đáu truyền thụ lại tinh túy văn hóa dân tộc cho thế hệ mai sau. Nhà Thơ Huy Cận viết về GS.TS Trần Văn Khê như sau: “Chân đi tám hướng mười phương / Tinh thần dân tộc một đường trước sau”.

Thiên Anh

Nguồn ĐS&PL: http://phunutoday.vn/blognguoinoitieng/201111/Giao-su-Tran-Van-Khe-luyen-nhac-tu-trong-bung-me-2110415/