Giáo trình Ấn đào tạo thủy thủ tàu ngầm Kilo Việt Nam

6 tháng các sĩ quan và thủy thủ tàu ngầm Việt Nam sẽ học trên giảng đường và 6 tháng huấn luyện tác chiến trên tàu ngầm thực sự ở ngoài biển.

Trang tin DailyO của Ấn Độ mới đây cho hay, ngày 31/8/2016, một kíp gồm 20 sĩ quan và 40 thủy thủ tàu ngầm Việt Nam đã hoàn tất khóa đào tạo đầu tiên kéo dài 6 tháng tại trường huấn luyện tàu ngầm INS Satavahana ở Visakhapatnam (Ấn Độ).

Tuy nhiên, khóa đào tạo 6 tháng này chưa thể khiến kíp 60 người trên điều hành tàu ngầm thuần thục được.

Tàu ngầm Kilo nâng cấp của Hải quân Ấn Độ.

Tàu ngầm Kilo nâng cấp của Hải quân Ấn Độ.

Lý do là 60 quân nhân Việt Nam này, biên chế đủ cho 1 tàu ngầm Kilo, chỉ vừa học xong khóa đào tạo cơ bản ở trường INS Satavahana.

Hầu hết thời gian họ học là ở trên giảng đường, để hiểu rõ cấu tạo của tàu ngầm và các hệ thống quan sát, hoa tiêu, máy móc, liên lạc…

Giai đoạn kế tiếp chính là học thực hành trên tàu ngầm thật, và phải xuống tàu ngầm để ra biển. Từ đó quân nhân tàu ngầm Việt Nam sẽ học tác chiến thực sự dưới lòng biển.

Việc đào tạo tác chiến dưới nước là giai đoạn 2 của khóa huấn luyện, cũng kéo dài 6 tháng, trong đó kíp thủy thủ tàu ngầm Việt Nam phải có ít nhất 45 ngày huấn luyện trên tàu ngầm ở ngoài biển.

Sau khi hoàn tất 6 tháng tiếp theo này, tức tổng cộng 1 năm đào tạo, kíp thủy thủ và sĩ quan tàu ngầm Việt Nam mới nhận đủ huy hiệu 2 cá heo, chứng nhận họ đã trở thành những quân nhân tàu ngầm thực thụ.

Trong khóa huấn luyện giai đoạn 2, quân nhân tàu ngầm Việt Nam sẽ được dạy kỹ năng âm thầm bám theo tàu chiến của đối phương, rải mìn phong tỏa hải cảng, săn tìm tàu ngầm địch, và đặc biệt là cách sử dụng hệ thống tên lửa hành trình Klub có tầm bắn 220 km có thể vừa diệt tàu chiến vừa tấn công được các mục tiêu trên đất liền.

Vào tháng 10/2013, Ấn Độ đã khởi động việc đào tạo 550 sĩ quan và thủy thủ tàu ngầm Việt Nam theo thỏa thuận hợp tác với chính phủ Việt Nam. Số lượng sĩ quan và thủy thủ này tương đương 9 kíp quân nhân tàu ngầm (mỗi tàu ngầm Kilo cần khoảng 60 người).

Khóa quân nhân tàu ngầm đầu tiên của Việt Nam với 54 người đã hoàn tất đào tạo tại trường Satavahana vào cuối năm 2014, sau khi bắt đầu học từ tháng 10.2013, theo báo Times of India ngày 28/10/2014.

Năm 2015, trường tàu ngầm Satavahana đào tạo khóa thứ hai của quân nhân tàu ngầm Việt Nam, gồm 19 sĩ quan và 42 thủy thủ.

Việt Nam vào cuối năm 2009 đã ký hợp đồng với Nga đặt đóng 6 tàu ngầm diesel - điện lớp Varshavyanka, còn gọi là lớp Kilo nâng cấp.

Hải quân Ấn Độ, với kinh nghiệm sử dụng tàu ngầm Kilo ở vùng biển nhiệt đới hơn 30 năm qua là nơi cần thiết để cung cấp sự huấn luyện cho quân nhân tàu ngầm Việt Nam với các khóa đào tạo chiến thuật về khai thác sử dụng tàu ngầm, về phát huy tối đa khả năng tác chiến của tàu ngầm.

Theo DailyO, tàu ngầm như lớp Kilo vũ trang ngư lôi, mìn biển, tên lửa hành trình diệt hạm và tấn công đất liền. Tàu ngầm khó bị phát hiện khi thực hiện các sứ mạng chống xâm nhập hoặc ngăn cản hải quân đối phương tự do đi lại trên biển. Tàu ngầm cho phép lực lượng hải quân nhỏ có thể đối đầu với lực lượng hải quân lớn hơn, và có thể xem như là lối đánh du kích trên biển.

Tuy nhiên điều hành tàu ngầm khó và phức tạp hơn lối đánh du kích trên bộ. Hải quân Việt Nam vốn chưa từng sử dụng tàu ngầm đã nhảy vọt một bước lớn ngang hàng với các lực lượng hải quân toàn cầu khi đặt mua đến 6 tàu ngầm Kilo từ Nga.

Việc đào tạo huấn luyện trên sẽ đảm bảo cho Hải quân nhân dân Việt Nam có thể gây thiệt hại nặng cho bất kỳ kẻ xâm lược bằng đường biển nào, thậm chí có thể đánh trả ngay trên sân nhà của đối phương. Lực lượng du kích trong lòng biển của Việt Nam cũng là một cơ hội tuyệt vời cho Ấn Độ để củng cố chính sách hướng Đông.

Không chỉ hỗ trợ huấn luyện tàu ngầm, Ấn Độ cũng giúp huấn luyện phi công Su-30MK2 Việt Nam.

Tiêm kích Su-30MK2 của Không quân Việt Nam. Ảnh: Air Recognition

Không quân Việt Nam hiện nay đang sở hữu hàng chục máy bay chiến đấu Sukhoi Su-30MK2 do Nga sản xuất, trong khi Không quân Ấn Độ (IAF) sở hữu hơn 200 máy bay cùng thế hệ là Su-30MKI. Ngoài Nga ra, Ấn Độ chính là quốc gia vận hành nhiều máy bay dòng Su-30 nhất.

Hơn nữa, ngoài việc đã có hơn 20 năm điều khiển các máy bay tiêm kích hạng nặng dòng Su-30, các phi công Ấn Độ còn có những cơ hội huấn luyện quý báu với các dòng chiến đấu cơ đình đám của Mỹ và NATO như F-15, F-16, Rafale hay Eurofighter Typhoon.

Nếu được huấn luyện ở Ấn Độ, các phi công Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp thu những kinh nghiệm quý, đồng thời có cơ hội quan sát và trực tiếp tham dự những cuộc tập trận của không quân Ấn Độ cũng như các cuộc diễn tập không quân đa quốc gia khác.

Từ việc Ấn Độ giúp Việt Nam huấn luyện phi công máy bay chiến đấu Su-30 và thủy thủ tàu ngầm Kilo, các nước khác trong khu vực Đông Nam Á đang sử dụng Su-27 và Su-30 như Malaysia và Indonesia cũng có thể học tập kinh nghiệm của Việt Nam.

Kim Hoa

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/hai-quan-viet-nam-suc-manh-quan-su-viet-nam/giao-trinh-an-dao-tao-thuy-thu-tau-ngam-kilo-viet-nam-3326362/