Giáo viên, phụ huynh còn nhiều băn khoăn

Đổi mới cách dạy và học ở trường phổ thông, đặc biệt là bậc Tiểu học, theo mục tiêu phát triển năng lực và phẩm chất học sinh đang là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ GD&ĐT tập trung triển khai trong năm học 2014-2015.

Ngoài việc mở rộng các mô hình trường học mới (VNEN), triển khai thí điểm ở 63 tỉnh/thành, thì điều đáng lưu ý là từ năm học này, các trường Tiểu học trên cả nước sẽ bắt đầu áp dụng Thông tư 30 quy định đánh giá xếp loại học sinh tiểu học. Theo quy định thì đánh giá học sinh tiểu học sẽ không bằng điểm số như từ trước đến nay mà là những hoạt động quan sát, theo dõi, trao đổi, kiểm tra, nhận xét quá trình học tập, rèn luyện của học sinh; tư vấn, hướng dẫn, động viên học sinh; nhận xét định tính hoặc định lượng về kết quả học tập, rèn luyện, sự hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất của học sinh tiểu học.

Tuy nhiên vấn đề khiến không ít phụ huynh học sinh lo lắng khi được cô giáo chủ nhiệm phổ biến tinh thần của quy định mới này trong đợt họp phụ huynh đầu năm học. Chị Nguyễn Thanh Huyền có con học lớp 3 ở một trường Tiểu học ở quận Hoàn Kiếm cho biết: “Rõ ràng động viên, khích lệ các con ở độ tuổi này là hết sức cần thiết, nhưng nếu các cô cứ áp dụng một cách cứng nhắc, máy móc quy định như cách nói của cô giáo là “từ bây giờ các cô không được chê các con mà chỉ khen thôi”, làm tôi và rất nhiều phụ huynh cùng có băn khoăn chung là đối với các con còn hay mất tập trung, hiếu động mà không được cảnh báo kịp thời thì sẽ ra sao. Cùng với đó là bạn nào cũng được cô khen thì các bạn có ý thức học tập tốt và bạn yếu hơn thì cũng như nhau, không tạo được động lực, tính cạnh tranh…”.

Một giờ học theo mô hình trường học mới VNEN tại Trường Tiểu học Dạ Trạch (Khoái Châu, Hưng Yên).

Cùng với đó là mô hình trường học mới (VNEN) đã được Bộ GD&ĐT triển khai ở 63 tỉnh/thành, theo đánh giá của Bộ thì đã bước đầu có kết quả tốt với 1.447 trường tham gia, tăng thêm 250 trường so với năm học trước. Chúng tôi cũng đã tận mắt chứng kiến một số giờ học của học sinh lớp 2 và lớp 3 theo mô hình này ở Trường Tiểu học Dạ Trạch (Khoái Châu, Hưng Yên), thấy ngay sự đổi mới, thân thiện hơn từ cách kê bàn ghế. Lớp học truyền thống bị phá bỏ, các em kê bàn xoay đối diện nhau, mỗi nhóm khoảng 6, 7 bạn, trong đó có 1 bạn nhóm trưởng. Nhóm trưởng được thay đổi luân phiên, có trách nhiệm hướng dẫn nhóm tự đọc sách, tự thảo luận, trả lời câu hỏi. Cô giáo chỉ có vai trò như là người hướng dẫn, chứ không truyền thụ kiến thức một cách thụ động.

Đấy là nỗi lo của những người trực tiếp làm công tác quản lý giáo dục. Liên kết hai câu chuyện đổi mới dạy và học, chúng tôi cũng có nỗi băn khoăn về sự thay đổi đột ngột mà không có bước đệm trước. Như mô hình VNEN, có em học trong nhóm nhưng sức học yếu, hay bị các bạn nói là học dốt; có em không tập trung, nếu để các em tự học thì với sĩ số lớp theo mô hình vẫn là 30 em, một cô giáo quán xuyến cũng không xuể, sẽ dẫn tới không thể kiểm soát được học lực của các học sinh này. Cũng như các quy định của Thông tư 30 thay đổi cách đánh giá học sinh tiểu học, nếu các thầy cô áp dụng một cách máy móc, không linh hoạt thì cũng rất dễ dẫn đến buông lỏng chất lượng. Không chấm điểm nhưng sẽ tăng cường trao đổi giữa phụ huynh học sinh và giáo viên. Hình thức trao đổi ở các trường ở các thành phố lớn là sổ liên lạc điện tử, chỉ phản ánh một dòng tin rất ngắn gọn tình hình của con trên lớp hằng tháng. Còn hình thức trao đổi trực tiếp giữa phụ huynh và thầy cô giáo còn gặp nhiều khó khăn do thời gian đón con là giờ tan tầm, nhiều người chỉ kịp lao đến đón con rồi đưa con về, nhiều thầy cô giáo cũng có con nhỏ phải vội về đón con…

Chính vì thế, mọi sự thay đổi cần được cả Bộ GD&ĐT, những người làm quản lý giáo dục, hiệu trưởng các trường và các thầy cô giáo trực tiếp đứng lớp vận dụng một cách linh hoạt, có hình thức theo dõi sự phát triển của học sinh và truyền đạt kịp thời tới phụ huynh đồng thời dám đề xuất những gì chưa phù hợp, đảm bảo chất lượng dạy và học, thực sự khuyến khích, khích lệ và phát hiện tố chất của học sinh, phục vụ cho công tác định hướng nghề nghiệp sau này của các em

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/xahoi/2014/10/246272.cand