Giáo viên tiếng Anh “rụng như sung” với chuẩn châu Âu

(Nguoiduatin.vn) - Trước thực tế giáo viên tiếng Anh “rụng như sung” với chuẩn châu Âu, nhiều ý kiến, ngay cả các giáo viên không đạt chuẩn cũng cho rằng việc đánh giá giáo viên đạt chuẩn về tiếng Anh là công việc đáng làm.

Ông Đào Quốc Vinh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Tô Hiến Thành, Hà Nội cho biết: “Theo tôi, ban Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân đến năm 2012 đã có một cuộc khảo sát cần thiết, với một kết quả hết sức khách quan. Trường chúng tôi cũng có kế hoạch sát hạch trực tiếp giáo viên từ lúc tuyển dụng. Trong quá trình giảng dạy tại trường, họ được các chuyên gia đầu ngành về tiếng Anh như nhà giáo Nguyễn Quốc Hùng MA giúp đỡ, chỉ đạo xây dựng chương trình học, dự giờ và đánh giá rút kinh nghiệm các tiết dạy. Ngoài ra, những năm đầu tiên chúng tôi còn cử giáo viên đến học tập kinh nghiệm dạy tiếng Anh tại các trường bạn”.

Cô Lê Lan Hương, giảng viên ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc Gia HN thì hoàn toàn không nghi ngờ kết quả thống kê của ban đề án. Cô nói, nếu thống kê về các ngoại ngữ khác thì thực tế còn tệ hơn nhiều. Việc tuyển chọn ở nhiều nơi chỉ dựa vào bằng cấp (điều kiện cần) mà không dựa vào đánh giá năng lực thực sự của đối tượng tuyển chọn (điều kiện đủ) rõ ràng là một sự bất cập. Giáo viên dạy ngoại ngữ là sản phẩm của các trường đào tạo, phản ánh chất lượng đào tạo của họ. Vì vậy, không thống kê đánh giá tình hình gửi về nơi đào tạo một cách công khai để các trường điều chỉnh là một “lỗ hổng” hiện nay.

Chị Dương Thị Nhàn, sinh viên ngành sư phạm, Đại học Hùng Vương cho rằng, Đánh giá cả kiến thức sẽ công bằng hơn: “Thống kê nghiêng về đánh giá kỹ năng nghe nói, đọc viết, trong khi thực tiễn giảng dạy ở phổ thông chỉ chủ yếu truyền đạt kiến thức. Tuy nhiên, tôi cho rằng nếu có điều tra đánh giá kiến thức thì kết quả cũng sẽ không khá hơn bao nhiêu, nhưng sẽ khiến đối tượng được đánh giá cảm thấy công bằng hơn. Kèm theo đó là ở nhiều nơi điều kiện tuyển dụng dễ dãi hoặc vô nguyên tắc (do quan hệ, tiền bạc) cũng là nguyên nhân dẫn đến chất lượng giáo viên kém.

Anh Trần Minh Hoàng, cựu giảng viên ĐH Hà Nội mong muốn sự minh bạch khâu tuyển dụng. Anh Hoàng cho biết: "Tôi không được đọc toàn bộ báo cáo nên không nhìn thấy bức tranh toàn cảnh cũng như các thông tin chi tiết cho từng cấp độ cụ thể. Tuy nhiên khi công bố thì tôi kiến nghị nên cung cấp cụ thể là trong 97% hay 93% có bao nhiêu % thuộc cấp độ nào. Ví dụ 100 điểm là đạt thì có bao nhiêu người trên 80 điểm, bao nhiêu dưới 50 điểm chẳng hạn để niềm tin không bị tuột dốc không phanh. Nếu chỉ nghe có từng ấy phần trăm đạt thì hoang mang quá. Nhiệm vụ của chúng ta là cần minh bạch, công khai các khâu trong tuyển dụng giáo viên. Cứ kín tiếng như cách làm từ trước đến nay chỉ tạo ra môi trường tốt cho cơ chế xin cho, đổi chác…".

Chị Trần Thị Hường, Cầu Giấy, Hà Nội nêu ý kiến: “Kết quả này lý giải phần nào, tại sao học sinh học 7 năm ngoại ngữ mà vẫn không thể giao tiếp. Ngay cả Hà Nội, TP.HCM mà còn hàng loạt giáo viên không đạt chuẩn, thì không hiểu ở các tỉnh vùng sâu vùng xa sẽ thế nào?. Theo cá nhân tôi, đối với sinh viên từ bậc cao đẳng trở lên, trong chương trình học phải yêu cầu có thời gian ở nước ngoài, ít nhất là 1-3 tháng. Cái khó để triển khai việc là vấn đề chi phí? Chúng ta có thể thực hiện các chương trình sang các nước láng giềng trong ASEAN, các chương trình trao đổi ở cấp Nhà nước, cấp bộ để giảm thiểu chi phí”.

Ông Nguyễn Ngọc Hùng, ban Đề án Ngoại ngữ quốc gia năm 2020, Bộ Giáo dục &â Đào tạo chia sẻ suy nghĩ: “Chúng ta phải đổi mới từ trong tư duy, cách tổ chức giảng dạy, phương pháp kiểm tra đánh giá, đổi mới về đào tạo đội ngũ giáo viên. Hiện Bộ GD&ĐT đã có yêu cầu đổi mới toàn diện việc dạy và học tiếng Anh, bằng việc giao cho các trường ĐH sư phạm hàng đầu xây dựng chương trình. Các trường đã xây dựng xong 3 chương trình gồm: Đào tạo giáo viên tiếng Anh tiểu học hệ CĐ; đào tạo giáo viên tiếng Anh hệ THCS hệ CĐ; đào tạo giáo viên tiếng Anh hệ THPT hệ ĐH. Năm 2012, các trường sẽ xây dựng chương trình đào tạo giáo viên tiếng Anh tiểu học hệ ĐH. Chương trình này được xây dựng với mong muốn năng lực của đội ngũ giáo viên ngày càng tốt hơn.

Trưởng bộ môn tiếng Anh vẫn...trượt

Điều khiến dư luận “sốc” khi biết rằng trong số 929 giáo viên không đạt chuẩn có rất nhiều người là tổ trưởng bộ môn tiếng Anh ở các trường nổi tiếng, thậm chí có người đã tốt nghiệp cao học, nổi tiếng với thành tích bồi dưỡng học sinh giỏi, nổi tiếng với tỉ lệ dạy học sinh thi đậu ĐH 100%. Ngay cả hai trường chuyên của TP là Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa và Lê Hồng Phong của TP.HCM cũng có giáo viên không đạt chuẩn.

Đỗ Thơm – Hương Lan

Nguồn ĐS&PL: http://nguoiduatin.vn/giao-vien-tieng-anh-rung-nhu-sung-voi-chuan-chau-au-a45991.html