Giết người vì “cái bụng tao nghĩ thế nào thì làm như thế”

Ngay cả đến khi ngồi tù, nhiều phạm nhân là người dân tộc vẫn cho rằng mình luôn đúng... VOV.VN - HLV Fernando Santos của ĐT Bồ Đào Nha nhận định, với sức mạnh hiện tại, ĐT Anh đủ sức vô địch EURO 2016.

…Trong hầu hết thời gian của cuộc trò chuyện, họ đều cho rằng mình không phạm tội. Rằng, tội lỗi của họ không đáng bị ngồi tù lâu đến vậy? Họ vẫn luôn cho rằng mình chẳng có lỗi lầm gì, thậm chí họ thấy đúng khi “hồn nhiên” với tội ác…

Ngay cả đến khi ngồi tù, nhiều phạm nhân là người dân tộc vẫn cho rằng mình luôn đúng. “Tao không sai”, “Cái bụng tao nghĩ thế nào thì làm như thế”…là điệp khúc được lặp đi lặp lại đối với nhiều phạm nhân đang thụ án tại trại giam Nam Hà (Hà Nam).

Phạm nhân Chẻo Yêu Sơn lĩnh án tù chung thân với hành vi giết người

Cuộc sống quanh năm gắn liền với nương rẫy đã khiến việc tiếp cận thông tin, tiếp cận với kiến thức pháp luật của nhóm đối tượng này gần như bị rơi vào một “khoảng trắng”. Ở đó, họ chỉ lờ mờ hiểu những thứ căn bản nhất như việc Đảng và Nhà nước cấm mua bán ma túy, cấm trồng cây thuốc phiện. Nếu giết người sẽ bị công an tới còng tay bắt đi tù, xa vợ xa con…

Họ biết giết người là phạm tội nhưng sẵn sàng đánh đồng hành vi đó với việc tự vệ chính đáng nên phải được tha bổng. Họ biết ma túy là tội ác có thể bị tử hình nhưng vẫn vô tư làm kẻ vận chuyển vì cố tình nghĩ, mình đang làm việc tốt giúp người khác mà lại kiếm ra tiền.

Thiếu kiến thức cần thiết khiến họ bị lợi dụng và luôn rơi vào tư thế chịu trận khi sự việc bị phát giác. Ở họ là những câu chuyện vừa đáng thương vừa đáng trách, đầy giận dữ nhưng cũng cần sự cảm thông.

Chẻo Yêu Sơn là người dân tộc Dao. Năm nay, Sơn 35 tuổi và đang chấp hành án phạt tù “Chung thân” tại trại giam Nam Hà bởi tội danh “Giết người”. Một buổi tối thanh vắng, Sơn đi chơi cùng người yêu và bị đám trai làng quấy rối.

Sẵn con dao luôn mang bên mình mỗi khi đi làm nương rẫy, Chẻo Yêu Sơn đã tước đoạt mạng sống của một kẻ trêu chọc mình bằng 4 nhát dao oan nghiệt. Gây án xong, Sơn chạy đến nhà chị gái và lên kế hoạch trốn lên núi sống hòng tránh sự trừng phạt của pháp luật. Được người nhà khuyên nhủ Sơn mới “hết sợ” tìm cách ra trình diện trước cơ quan công an. Sau 14 năm thụ án, Chẻo Yêu Sơn vẫn không tin mình phạm tội

“Sự việc đã xảy ra rồi nhưng mình vẫn cảm thấy không có lỗi. Mình chỉ tự vệ nên kể cả khi gây ra án mạng cũng không cảm thấy day dứt hay ám ảnh bởi những gì đã gây ra” – Chẻo Yêu Sơn bộc bạch.

Suy nghĩ đơn giản của phạm nhân này đã phải đánh đổi bằng cuộc sống 14 năm trong trại giam. Sự “hồn nhiên” đeo bám Sơn như một điều gì đó hiển nhiên rất khó lý giải. Sơn vừa cười vừa nói: “Thực sự thì quên mất đường về nhà rồi. Kể từ ngày đi tù không nhớ nổi nhà mình ở hướng nào. Vào tù thì không phải lo cái ăn bị đói như ở nhà nhưng vẫn thích ăn cơm với gia đình hơn. Nhiều khi xem tivi thấy mấy bà già 70,80 tuổi thì đoán giờ mẹ mình chắc cũng tầm tuổi đấy. Không nhớ nổi khuôn mặt của mẹ vì đi tù lâu quá, rồi hơn chục năm nay có được ai đến thăm đâu”.

Không nhớ nổi khuôn mặt của người mẹ cũng chẳng nhớ nổi đường về nhà! Đó thực sự là một bi kịch của một con người. Nhưng đối với Chẻo Yêu Sơn thì khác, dường như nó cũng chỉ là chuyện bình thường. Sai thì đi tù – Không nhớ thì quên, tất cả chỉ đơn giản như vậy!

May mắn hơn Chẻo Yêu Sơn là phạm nhân Sùng A Mua (29 tuổi, người dân tộc Mông, trú tại tỉnh Điện Biên). Mua từng bị kết án tử hình nhưng được lệnh ân giảm của Chủ tịch nước xuống còn án “Chung thân”. Nguồn cơn khiến Sùng A Mua vướng vào vòng lao lý là do buôn bán heroin xuyên quốc gia từ Lào về Việt Nam.

Thời gian chờ đợi lệnh ân giảm của Chủ tịch nước, Mua sống không bằng chết. Những hình ảnh chết chóc, pháp trường luôn lởn vởn trong tâm trí của phạm nhân này. Sợ cái chết có thể đến bên mình bất cứ lúc nào nhưng Mua lại luôn nghĩ tội mình không nặng đến thế!

Sùng A Mua tâm sự: “Đến lúc bị bắt mới biết buôn bán heroin là bị cấm. Thấy người ta nhờ mình đi mua hàng và được tiền nên cứ thế là đi thôi. Có tiền thì cũng chỉ biết mua đồng hồ, quần áo, điện thoại…hết tiền người ta nhờ thì mình lại đi tiếp. Đến lúc bị bắt mới cảm thấy sợ vô cùng”.

Còn bao nhiêu người dân tộc như phạm nhân Sùng A Mua vẫn nghĩ vận chuyển ma túy là làm việc tốt giúp người khác?

Nếu phải chỉ ra điểm chung nào đó giữa Sùng A Mua và Chẻo Yêu Sơn thì đó chính là sự hồn nhiên đến đáng sợ trước tội lỗi và cái ác. Bên ngoài xã hội, liệu còn bao nhiêu cuộc đời giống như phạm nhân Sơn và Mua? Bao nhiêu đồng bào chưa được tiếp cận đầy đủ thông tin về pháp luật? Sẽ ra sao nếu chỉ cần bỏ ra vài triệu đồng sẽ có ngay một Sùng A Mua khác sẵn sàng vận chuyển ma túy xuyên quốc gia? Sẽ ra sao khi luôn có một Chẻo Yêu Sơn khác xuống tay giết người, nhưng vẫn nghĩ đó là hành động tự vệ chính đáng? Khi những kiến thức phổ cập về pháp luật không đến được bên những con người quanh năm trên nương rẫy, thì việc họ liên tiếp phạm tội với những mức án ngày càng tăng là điều khó tránh khỏi.

Khi sự “hồn nhiên” trước cái ác và “khoảng trắng” về pháp luật không được lấp đầy thì những bản án dành cho người đồng bào có lẽ là điều đã được dự báo trước./.

Lê Huy/VOV Giao thông

Nguồn VOV: http://vov.vn/phap-luat/giet-nguoi-vi-cai-bung-tao-nghi-the-nao-thi-lam-nhu-the-515514.vov