Giới hạn nào buộc luật sư phải tố giác thân chủ?

Ngày 27/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã tổ chức Hội nghị góp ý về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 để các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) có thêm thời gian thảo luận và ý kiến đóng góp về Dự án Luật quan trọng này.

Ảnh minh họa

Chênh lệch lớn dễ gây bất công

Một số ĐBQH bày tỏ băn khoăn về quy định xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể khởi điểm để xem xét trách nhiệm hình sự (TNHS). Theo Dự thảo Luật, với tội “cố ý gây thương tích”, hành vi gây tổn hại sức khỏe từ 11% đã bị xem xét TNHS nhưng mức khởi điểm để xem xét TNHS với tội “vô ý gây thương tích” lại được quy định là từ 31%.

ĐB Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc) cho rằng, độ “vênh” giữa các mức khởi điểm như vậy là rất lớn. “Đành rằng giữa hành vi phạm tội cố ý và vô ý có mức độ nguy hiểm khác nhau nhưng mức khởi điểm xem xét TNHS có chênh lệch lớn sẽ khó thuyết phục được cử tri, nhất là khi hậu quả gây ra với hành vi vô ý là không nhỏ”, ĐB Hà nói và cho rằng quy định như vậy có thể sẽ tạo điều kiện cho đối tượng phạm tội cố ý tìm mọi cách để được chuyển sang xem xét ở hành vi phạm tội vô ý, thoát khỏi việc bị xử lý hình sự, gây ra tình trạng bất công cho người bị xâm hại.

Ngoài ra, ĐB Đào Tú Hoa (TP Hà Nội) cũng đề nghị rà soát lại quy định về chính sách hình sự với hành vi gây thương tích làm biến dạng vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể ở mức 61% trở lên. “Theo quy định tại khoản 3 Điều 134 của Dự thảo Luật, việc dùng a-xít sunfuric hoặc hóa chất nguy hiểm khác gây thương tích hoặc gây tổn hại cho người khác từ 61% sức khỏe trở lên cũng chỉ chịu mức phạt từ 7 năm đến 15 năm. Khung hình phạt như vậy là thấp hơn quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015, trong khi đây loại tội phạm này trên thực tế có dấu hiệu ngày càng gia tăng, để lại hậu quả nặng nề cả về thể chất và tinh thần cho nạn nhân”, ĐB nói.

Giới hạn nào buộc LS phải tố giác thân chủ?

Một trong những nội dung gây tranh cãi nhất của Dự thảo những ngày qua được đưa ra thảo luận tại Hội nghị là Điều 19 BLHS năm 2015. Theo đó, quy định người bào chữa phải chịu TNHS về hành vi không tố giác tội phạm đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của BLHS.

Đại diện cho Liên đoàn Luật sư (LS) Việt Nam, LS Đỗ Ngọc Thịnh (ĐBQH tỉnh Khánh Hòa) - Chủ tịch Liên đoàn LS Việt Nam - cho rằng quy định tại Điều 19 của Dự thảo Luật là xung đột với Điều 9 của Luật LS trong việc tố giác thân chủ của LS.

“Trường hợp LS tố giác tội phạm thì chính thân chủ đó có mời LS nữa hay không, xã hội có tẩy chay nghề LS, nghề LS có điều kiện tồn tại hay không?”, ĐB Thịnh nói. Từ phân tích kinh nghiệm quốc tế và tình hình thực tiễn của Việt Nam hiện nay, Chủ tịch Liên đoàn LS Việt Nam đề nghị Điều 19 nên quy định giới hạn ở khoảng 20 đến 30 tội buộc LS phải có trách nhiệm tố giác tội phạm gồm tội đặc biệt nghiêm trọng hay các tội xâm phạm an ninh quốc gia.

Góp ý về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, LS ngoài đạo đức nghề nghiệp còn đạo đức trách nhiệm của công dân. “Việc LS cứ đi tố giác thân chủ thì không được nhưng ở đây cần hiểu là nên giới hạn trong tội nào. Biết thân chủ phạm tội rất nghiêm trọng mà không tố giác thì LS hoàn thành nghĩa vụ của mình nhưng ảnh hưởng tới quốc gia, đất nước, tới nhiều người dân vô tội nữa nên làm ngơ là không được”, Chủ tịch QH nói.

Do còn ý kiến khác nhau, Chủ tịch QH đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra ngồi lại thảo luận thấu tình, đạt lý với các LS, có thể mời các nhà làm luật tranh luận riêng để sớm thống nhất về quy định này.

Minh Ngọc

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tu-phap/gioi-han-nao-buoc-luat-su-phai-to-giac-than-chu-336914.html