Giới trẻ ASEAN trông đợi sự hội nhập sâu rộng

Đa số thanh niên ASEAN quan tâm đến kế hoạch hội nhập kinh tế của khu vực và sự ra đời của Cộng đồng kinh tế ASEAN

Một nhà máy sản xuất thiết bị điện tử ở Indonesia

Kết quả khảo sát do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố cho thấy, hơn 3/4 giới trẻ ASEAN đang trông đợi sự hội nhập sâu rộng hơn của các nền kinh tế ở khu vực Đông Nam Á để tạo thêm nhiều cơ hội việc làm và có những bước tiến mới trong công việc.

Ủng hộ toàn cầu hóa

Cuộc khảo sát được tiến hành trên 20.000 thanh niên ở độ tuổi từ 16 đến 22 tại Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam - những quốc gia thành viên của ASEAN.

Theo kết quả khảo sát, hơn 3/4 người cho biết đất nước của họ có nhiều bước thay đổi lớn sau khi trở thành thành viên của ASEAN. Đa số đều ủng hộ toàn cầu hóa và bày tỏ sự lo ngại về chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa bảo hộ ở châu Âu và Mỹ đang đe dọa đến các hiệp định thương mại trên toàn cầu. Cũng trong cuộc khảo sát, đa số thanh niên ASEAN quan tâm đến kế hoạch hội nhập kinh tế của khu vực và sự ra đời của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC).

Giới trẻ là một trong những nhân tố chính trong nền kinh tế ASEAN, chiếm hơn 26% trong tổng dân số ở Hiệp hội các nước Đông Nam Á.

Theo nhận định của tờ Jakarta Globe, kể từ khi được thành lập cách đây 50 năm, ASEAN đã chứng kiến sự thay đổi to lớn về khoa học công nghệ của thế giới. Để đối phó với những thách thức trong tương lai, người dân tại 10 quốc gia thành viên ASEAN, đặc biệt là giới trẻ vốn hiểu biết về công nghệ và kỹ thuật số, cần xây dựng và phát triển các kỹ năng để có thể phát triển hơn nữa trong tương lai.

Một trong những kỹ năng quan trọng mà giới trẻ cần phát triển để tận dụng các tài sản kỹ thuật số ở ASEAN là kỹ năng cứng và mềm. Kỹ năng cứng là việc nắm bắt, dịch và giải thích dữ liệu thông qua phân tích dữ liệu và học hỏi từ máy móc, lọc và đánh giá số lượng dữ liệu khổng lồ.

Trong khi đó, kỹ năng mềm bao gồm sự đồng cảm, khiêm tốn, sự chú ý, cởi mở, kiên nhẫn, kiên trì, trí tuệ cảm xúc, sự hiểu biết về xã hội và hành vi nhằm thúc đẩy khả năng trực quan và sáng suốt hơn trong công việc.

Nâng cao kỹ năng kết nối mạng

Cũng theo Jakarta Globe, kỹ năng tiếp theo mà người trẻ cần phát triển là khả năng hiểu biết về văn hóa và bản sắc của nhau. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ mới đòi hỏi một sự thống nhất chung, giới trẻ tại các nước ASEAN cần phải thống nhất và giữ vững bản sắc ASEAN để ứng phó với những thách thức trong tương lai.

Việc xây dựng năng lực giao thoa chéo có thể bắt đầu từ chương trình học trong các trường học qua các môn về lịch sử, ẩm thực và văn hóa của các quốc gia. Hợp nhất trong một bản sắc chung của ASEAN có thể tạo điều kiện cho việc tạo ra việc làm, đồng thời cũng giúp những người trẻ kết nối vào sân chơi chung toàn cầu, tạo ra các hệ sinh thái công nghệ mới.

Giới trẻ ASEAN cũng cần phải nâng cao kỹ năng kết nối mạng để có thể trở thành một phần của cộng đồng mạng, từ đó đóng góp cho sự đa dạng của nguồn tài nguyên này.

Sáng 21-5, tại đảo Koh Pich, thủ đô Phnom Penh, Đại sứ quán Việt Nam và Indonesia đã phối hợp với Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia, Tòa đô chính Phnom Penh đồng chủ trì sự kiện “Đi bộ từ thiện vui vẻ” (Charity Fun Walk), mở đầu chuỗi các hoạt động kỷ niệm 50 năm thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.

Toàn bộ số tiền quyên góp được sẽ dành cho Bệnh viện Nhi Kantha Bopha, nơi điều trị miễn phí cho trẻ em Campuchia. Sau cuộc đi bộ khoảng 1,6km tại trung tâm đảo Koh Pich, các công dân ASEAN và người dân Campuchia tham gia sự kiện đã cùng nhau quyên góp từ thiện và thưởng thức các món ăn truyền thống của các nước ASEAN.

THANH HẰNG (tổng hợp)

Nguồn SGGP: http://www.sggp.org.vn/gioi-tre-asean-trong-doi-su-hoi-nhap-sau-rong-446060.html