Giới trẻ đua nhau cưới hai lần để... cải số!?

(Nguoiduatin.vn) - Thời gian gần đây, những đám cưới đón dâu hai lần (cưới hai lần) xuất hiện ngày càng nhiều. Người ta tổ chức đón dâu hai lần vì cưới vào tuổi Kim Lâu hoặc do cô dâu sinh vào năm... cao số.

Họ sợ không hợp tuổi thì lấy nhau sẽ ly dị . Vì thế, để tránh ly dị, họ qua hai lần đò từ khi mới cưới. Thế nhưng, gần đây, cưới hai lần như đã trở thành mốt, có những người không Kim Lâu, chẳng cao số cũng cưới hai lần cho... chắc!

Trăm sự do “thầy”... phán (!)

Chị Nguyễn Thị Liễu (ở Việt Hùng - Quế Võ - Bắc Ninh) dạo này gầy rộc hẳn đi vì lo chuẩn bị cưới cô con gái rượu. Người ta sắp có con rể thì vui mừng phấn khởi, còn chị Liễu cả mấy tuần không ngủ được vì lo cho con cưới hai lần. Chị Liễu chia sẻ, chị chỉ có cô con gái duy nhất sinh năm 1989 (Kỷ Tỵ), yêu một bạn trai cùng làng sinh năm 1986 (Bính Dần). Là người rất chú trọng chuyện tuổi tác vì chị Liễu cho rằng bản thân mình đã ly hôn chồng là do không hợp tuổi (chị sinh năm 1959 (Kỷ Hợi), chồng chị sinh năm 1953 (Quý Tỵ).

Đám cưới nên là sự kết trái ngọt ngào của những hòa hợp trong tình yêu và lẽ sống thay vì chuyện mê tín viển vông . Ảnh minh họa.

Khi biết con gái yêu người không hợp tuổi, chị đã nhiều lần gây áp lực bắt con gái chia tay người yêu. Nhưng con gái chị vẫn như con thiêu thân lao vào cuộc tình nhiều ngăn trở, thậm chí con chị có lần đã bỏ nhà đi vì bị mẹ cấm đoán. Cuối cùng, trời không chịu đất thì đất phải chịu trời, chị Liễu đành chấp nhận một cuộc hôn nhân "tứ hành xung", với điều kiện nhà trai phải hứa sẽ tổ chức đón dâu... hai lần!

Sở dĩ có chuyện lạ lùng như vậy là do khi chị đi xem ngày để cưới cho con thì thầy bói phán rằng: "Muốn hóa giải những trắc trở của cuộc hôn nhân "tứ hành xung" này thì cần phải cưới làm hai lần". Ban đầu bên nhà trai nghe nói vậy phản đối khá kịch liệt, nhưng cũng vì hạnh phúc của các con mà đành tặc lưỡi vì “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”.

Còn Dương Viết Chung và Nguyễn Thanh Huyền (Tiên Du - Bắc Ninh) yêu nhau đã được bốn năm, nội ngoại gia đình hai bên đều biết. Khi cả hai đều đã tốt nghiệp ra trường, có công ăn việc làm ổn định thì họ quyết định tiến đến hôn nhân. Những tưởng mọi thứ đều thuận buồm xuôi gió, thế nhưng thầy bói lại phán rằng: "Gái Đinh, Nhâm, Quý, Giáp thì hai lần đò".

Huyền không hiểu mới hỏi lại thì ông thầy bói giảng giải rằng, Huyền sinh năm Đinh Mão là có chữ Đinh đứng ở đầu, tức là người cao số. Đường tình duyên của cô sẽ lận đận và rất dễ phải qua hai lần đò, tức là bỏ chồng, bỏ con.

Nếu muốn hóa giải điều này thì phải tổ chức đón dâu hai lần, tức tổ chức cưới làm hai lần. Đem chuyện này nói với ông bố chồng, ông cho đó là chuyện vớ vẩn nên “đùng đùng” nổi nóng khiến đám cưới của Huyền suýt không thành. Sau đó Huyền và Chung vẫn quyết định về sống với nhau bằng một đám cưới đơn giản, ấm cúng.

Không chỉ những người xung khắc tuổi, phạm phải Kim Lâu (tuổi Âm lịch của người con gái khi lấy chồng có hàng đơn vị là 1,3,6,8) mà những người được cho là hợp tuổi cũng tổ chức cưới hai lần cho... chắc. Trường hợp của Liên và Văn (Liên ở Gia Bình - Bắc Ninh, Văn ở Đông Anh, Hà Nội) là một điển hình.

Cả hai đều sinh năm 1990 (Canh Ngọ). Họ làm đám cưới vào tháng 8/2011, Liên vừa tròn 22 tuổi (tính theo tuổi Âm lịch để tổ chức đám cưới), không Kim Lâu, không tứ hành xung, không thuộc diện cao số, hơn nữa người Việt Nam có câu: “Cùng tuổi nằm duỗi mà ăn” (ý nói cuộc sống nhàn hạ, sung túc). Thế mà bố mẹ Liên vẫn cứ đề nghị bố mẹ Văn tổ chức cưới hai lần để tránh những điều bất trắc cho đôi vợ chồng trẻ.

Hay như Nguyễn Thị Tú và Nguyễn Công Thắng (Phương Liễu - Quế Võ - Bắc Ninh) cũng vậy. Thắng sinh năm 1985 (Ất Sửu) còn Tú sinh năm 1988 (Mậu Thìn). Xét về mọi phương diện thì cả hai đều sinh vào những năm lành, tuổi thì không kỵ, không phạm. Vậy mà tháng 9 vừa qua họ cũng phải qua hai lần đưa đón rồi mới được chính thức về ở cùng nhau.

Nhiêu khê, tốn kém

Chi phí cho một lần “cưới nháp” này cũng bằng một phần ba của một đám cưới chính

Theo kinh nghiệm của người Việt Nam thì: "Lấy vợ xem tuổi đàn bà/ Làm nhà xem tuổi đàn ông". Trước khi cưới, người ta thường xem tuổi Âm lịch của người con gái. Nếu cưới vào tuổi Kim Lâu, cuộc hôn nhân sẽ không thuận. Cũng không rõ từ bao giờ mà người dân Việt Nam cho rằng, những người con gái tuổi "Đinh, Nhâm, Quý, Giáp" thường cao số hoặc có cuộc sống thiếu may mắn, lận đận đường tình duyên, thậm chí là lấy hai đời chồng?!

Và để hóa giải sự thiếu may mắn, không hợp tuổi hoặc tuổi Kim Lâu người ta thường tiến hành cưới hai lần. Gọi cưới hai lần nhưng thực chất nó như là một cuộc "chia tay trước" để sau này tránh cho hai vợ chồng trẻ sẽ không bỏ nhau nữa. Cả cưới lần một và cưới lần hai đều có nhiều thủ tục lễ nghi và đặc biệt khá tốn kém. Nghi lễ cưới lần một thường là ngày cưới đẹp nhất trong tháng.

Bên họ nhà trai cử các ông bà có vai vế trong họ đi đón dâu với đầy đủ thủ tục như: Mang lễ vật, xin dâu, cúng gia tiên, tổ chức ăn uống. Cô dâu trong ngày cưới lần một cũng không nhất thiết phải mặc lễ phục, mà có thể thay bằng áo dài hoặc trang phục tùy thích. Khi đón dâu về rồi thì cô dâu ở lại nhà chú rể (lúc này đã chính thức là nhà chồng của mình) một vài ngày rồi lại trở về nhà mẹ đẻ để chuẩn bị cho đám cưới chính thức với họ hàng quan khách nhà mình trong một thời gian không xa so với lễ đón dâu lần một.

Lần đón dâu thứ nhất, sẽ được giản tiện hơn lần cưới thứ hai, tức cưới chính. Tuy nhiên, nó cũng khá tốn kém. Gia chủ phải mời đầy đủ những người đứng đầu các chi của một dòng họ, những họ hàng thân thiết. Bên cạnh đó, gia chủ cũng phải mời đầy đủ các chức sắc trong làng để chứng kiến lễ thành hôn của đôi trai gái.

Chi phí cho một lần “cưới nháp” này cũng bằng một phần ba của một đám cưới chính. Rất nhiều nhà không có điều kiện về kinh tế tốt nhưng vì lo cho con nên cũng cố gắng chạy vạy để cưới bằng được.

Mang màu sắc mê tín và không phải là văn hóa Việt truyền thống

Nguoiduatin.vn đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Ngô Văn Giá, người có rất nhiều tâm huyết và thành công trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa Việt. PGS.TS Ngô Văn Giá khẳng định: "Trong văn hóa truyền thống của người Việt Nam từ xưa đến nay, không hề có nghi lễ đón dâu hai lần trong đám cưới. Khi văn hóa Trung Hoa ảnh hưởng tới Việt Nam thì nghi lễ cưới hỏi thường trải qua sáu bước, gọi là "Lục lễ nghi danh", hay "Lục lễ thành thân" hoặc "Lục thành hôn sự”. Nhưng trong quá trình tồn tại ở Việt Nam, người Việt đã dần đơn giản hóa những lễ nghi đó cho phù hợp với bản sắc văn hóa Việt, đám cưới hiện nay phổ biến có ba nghi lễ chính là: Dạm ngõ (chạm ngõ), ăn hỏi và đám cưới. Việc đón dâu hai lần hoàn toàn chỉ mang tính chất tục lệ của địa phương, nhuốm màu sắc mê tín. Nó không nằm trong văn hóa truyền thống của người Việt".

Dương Thu

Nguồn ĐS&PL: http://nguoiduatin.vn/gioi-tre-dua-nhau-cuoi-hai-lan-de-cai-so-a20007.html