Giới trẻ Hà Thành dựng lều, cắm trại thức trắng đêm xem mưa sao băng

Mưa sao băng Perseids diễn ra vào đêm 12, rạng sáng 13 tháng 8 với tần xuất cực đại thường đạt khoảng 80-100 vệt mỗi giờ. Để có thể tận mắt chiêm ngưỡng, những bạn trẻ yêu thiên văn học tại Hà Nội đã dựng lều, cắm trại để đợi chờ từng vệt sao băng.

Tối 12 rạng sáng 13/8, Hội Thiên văn Nghiệp dư Hà Nội tổ chức chương trình ngắm mưa sao băng Perseids tại Công viên Thiên Văn học Hà Nội.

Nhiều người đã có mặt từ rất sớm, chuẩn bị đầy đủ với chăn bạt, đồ ăn để sẵn sàng thức qua đêm hòng chiêm ngưỡng một trong những cơn mưa sao băng lớn hàng đầu trong năm.

Chị Hằng là một người yêu thiên văn, cũng là một trong những người đến sớm nhất để chuẩn bị dụng cụ ngắm sao. 'Tôi tranh thủ thời gian cuối tuần để thỏa mãn đam mê với thiên văn học, tiện đưa luôn cháu nhà đi xem sao băng, vừa để dạy cháu, vừa là một chuyến picnic nhỏ ban đêm', chị cho biết.

Nhiều bạn trẻ cẩn thận hơn còn chuẩn bị cả lều trại du lịch.

Thế Đạt (sinh viên năm 2 Học viện Bưu Chính Viễn Thông) chia sẻ: 'Mình học về công nghệ thông tin nhưng có niềm đam mê với thiên văn từ nhỏ. Mình được biết đến chương trình này thông qua Facebook nên cũng có mặt ở đây từ 9h, là lúc bắt đầu cơn mưa sao băng đạt cực đại để quan sát'.

Nhiều em nhỏ yêu thích thiên văn học và các hiện tượng kỳ lạ cũng được cha mẹ cho phép đi xem sao băng. Em Nguyễn Việt Hoàng (13 tuổi) cho biết: 'Em yêu thích thiên văn, các hiện tượng kỳ thú của thiên nhiên, đặc biệt là sao băng. Năm ngoái em cũng đi không sót một vụ quan sát sao băng nào. Hôm nay, nếu gặp sao băng thì em ước sẽ được quan sát thêm nhiều sao băng hơn nữa'.

Perseids cùng với Geminids tháng 12 là hai trận mưa sao băng lớn nhất diễn ra đều đặn hàng năm. Thông thường, tỉ lệ sao băng Perseids nhìn thấy mỗi giờ đạt khoảng 80-100 vào lúc cực điểm. Đặc biệt, có những năm đã diễn ra sự 'bùng nổ' sao băng Perseids, khi mà số lượng sao băng quan sát được tăng lên nhiều. Gần đây nhất là đợt bùng nổ mưa sao băng Perseids năm 2016, khiến tỉ lệ sao băng dự báo đạt khoảng 150-200 vệt mỗi giờ.

Bạn Vũ Thế Hoàng (Chủ nhiệm CLB Thiên văn nghiệp dư Hà Nội) chia sẻ: 'Hàng năm, từ khoảng ngày 17 tháng 07 cho đến 24 tháng 08, hành tinh chúng ta đều đặn quét qua vùng quỹ đạo của sao chổi Swift-Tuttle, cội nguồn của những sao băng Perseids. Để tạo điều kiện cho các bạn trẻ yêu thiên văn Hà Nội có cơ hội chiêm ngưỡng sao băng và truyền tình yêu với thiên văn học nên CLB đã tổ chức sự kiện này. Đây cũng là một trong những sự kiện thường xuyên của CLB khi có các hiện tượng thiên nhiên thú vị'.

Hoàng cũng cho biết thêm, để quan sát sao băng tốt nhất, các bạn trẻ nên chọn nơi thật tối, không bị ô nhiễm ánh sáng, nằm ngửa hướng thẳng mắt lên trời. 'Gọi là mưa sao băng nhưng không thể có được những cơn sao băng dày đặc mà chỉ có thể quan sát được từng vệt sao băng nhỏ, kể cả vào thời điểm cực đại. Hơn nữa, hôm nay lại đúng vào tuần trăng nên ánh sáng mạnh từ mặt trăng cũng khiến việc quan sát sao băng trở nên khó khăn. Tỉ lệ sao băng có thể sẽ giảm chỉ còn một nửa, đạt 40-50 vệt mỗi giờ bởi ánh trăng che mất nhiều vệt sao băng mờ. Dù vậy, Perseids vẫn lớn hơn phần lớn các mưa sao băng khác và có nhiều 'cầu lửa' (fireball, một loại sao băng rất sáng), rất đáng để chờ đợi.'.

Những chiếc kính thiên văn cỡ lớn được sử dụng hết công suất.

Không chỉ có kính thiên văn, ngay cả smatphone cũng được trưng dụng để bắt từng ngôi sao băng bay qua.

Bên cạnh đó, CLB thiên văn cũng cho bố trí thêm một màn chiếu lớn để hiển thị trực tiếp hình ảnh thu nhập từ kính thiên văn giúp người xem quan sát dễ dàng hơn.

Với nhiều người, đây là lần đầu tiên được quan sát những ngôi sao băng.

Thời điểm quan sát tốt nhất là từ 21h ngày 12/8 đến 5h sáng 13/8, vì thế nhiều bạn trẻ đã cắm chốt qua đêm.

Một vệt sao băng nhỏ cắt ngang bầu trời.

Clip: Cận cảnh mưa sao băng đêm 3, rạng sáng ngày 4/1/2016 diễn ra ở nhiều nơi trong đó có Việt Nam.

Theo Ánh Ngọc/Baodatviet.vn

Nguồn Tiin: http://tiin.vn/chuyen-muc/song/ban-tre-ha-thanh-dung-leu-cam-trai-thuc-trang-dem-xem-mua-sao-bang.html