Giới trẻ sống ảo trên Facebook vào đề thi trường chuyên

'Hiện nay, nhiều bạn trẻ quá ham mê Facebook, sa vào đời sống ảo mà quên mất cuộc đời thực', đề thi vào trường THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội sáng 3/6 khiến học sinh thích thú.

Trưa 3/6, học sinh thi vào trường THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội hoàn thành bài thi môn Ngữ văn (thời gian 120 phút).

Đề thi gồm 3 câu, học sinh phải thực hiện các yêu cầu: Phân tích giá trị biện pháp tu từ, Phân tích bài thơ “Sang thu” của nhà thơ Hữu Thỉnh. Đặc biệt, giới trẻ mê Facebook, sa vào đời sống ảo trong câu 2 tạo hứng thú cho học sinh.

Đề bài như sau: “Hiện nay, nhiều bạn trẻ quá ham mê Facebook, sa vào đời sống ảo mà quên mất cuộc đời thực. Em hãy viết đoạn văn diễn dịch khoảng 10 câu trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến sau đây: Chúng ta say sưa với ảo tưởng nắm bắt được cảm xúc của những người quen ở nơi xa xôi nào đó, thậm chí là người lạ, trong khi vô tình với người thân thuộc đang ở ngay cạnh mình” (Nếu biết trăm năm là hữu hạn – Phạm Lữ Ân).

Đề thi môn Văn được nhiều học sinh thích thú. Ảnh: Quyên Quyên.

Nhiều học sinh tại hội đồng thi trường THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) nhận xét, đề thi môn Ngữ văn năm nay cơ bản. Câu số 2 gợi mở nhiều vấn đề hay nhưng không lạ lẫm, rất quen thuộc với học trò.

Em Phạm Hoàng Dương, thi chuyên Tin, Đại học Sư phạm Hà Nội nhận định: “Đề thi khá dễ so với những năm trước. Chia sẻ trong bài viết, em nêu tác hại của lối sống ảo, những việc bản thân cần làm. Trong đó, em nhắc đến trường hợp học sinh đã sử dụng Facebook cả ngày, đêm dẫn đến hậu quả bị mắc bệnh tâm thần”.

Thầy Trịnh Quỳnh – giáo viên Ngữ văn, trường THPT Lương Thế Vinh, Nam Định chia sẻ: “Đề thi khá cơ bản ở cả 3 câu, đề cập những vấn đề quen thuộc gần gũi với học sinh; đòi hỏi các em có kỹ năng nhận diện các phép tu từ nghị luận về một hiện tượng đời sống, một đoạn thơ. Học sinh dễ dàng đạt điểm 7 trở lên”.

Với câu 2, bàn về lối sống ảo, học sinh cần giải thích được các vấn đề “người quen ở một nơi xa xôi”, “vô tình với những người thân thuộc”, “sống ảo là gì”, “mối quan hệ giữa sống ảo và đời thực”.

Theo giáo viên này, học sinh cũng cần bàn luận được tác hại của lối sống ảo như càng nhiều bạn ảo càng cô đơn, mối quan hệ trong thế giới ảo có thể làm rạn nứt quan hệ trong đời thực, gây nên thói vô cảm trước các vấn đề cuộc sống. Từ đó, học sinh rút ra được bài học cho bản thân: Ngừng sống ảo, quan tâm và yêu thương những người xung quanh như cha mẹ bạn bè.

"Cuộc đời là hữu hạn nên hãy trải nghiệm thật cuộc sống của mình, sống với cảm xúc thật các mối quan hệ thật trong đời sống, đừng ảo hóa số hóa vì đó không phải chính bạn. Công nghệ hay mạng xã hội chỉ là công cụ thôi, đừng biến mình thành nô lệ của nó", thầy Quỳnh nêu quan điểm.

Quyên Quyên

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/gioi-tre-song-ao-tren-facebook-vao-de-thi-truong-chuyen-post654674.html