Giới trẻ thần tượng người lính đảo

Được gặp gỡ, tiếp xúc với những chàng trai tuổi mười tám, đôi mươi đang ngày đêm vững chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển trời thiêng của Tổ quốc khiến những đại biểu trên chuyến tàu 'Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương 2017' xúc động và ngưỡng mộ. Với nhiều bạn trẻ, 'thần tượng' của họ giờ đây là: Người lính đảo.

Với nhiều bạn trẻ, thần tượng của họ giờ đây là “người lính đảo” . Trong ảnh Hoa khôi và Á khôi 1 Nữ sinh viên VN duyên dáng 2016 cùng chiến sỹ đảo Đá Lớn B hái rau. Ảnh: Quang Lộc.

Ước có người yêu là lính đảo

Sau 2 ngày lênh đênh trên biển, vượt qua hàng trăm hải lý, đoàn hành trình đặt chân lên điểm đảo đầu tiên: đảo Đá Lớn B. Nhiều thành viên trong đoàn bị say sóng, đầu óc nôn nao nhưng ai nấy đều trong tâm trạng háo hức chờ đợi được đặt chân lên đảo, trực tiếp gặp gỡ những cán bộ, chiến sĩ công tác ở đảo.

Giao lưu với đoàn, Nguyễn Văn Trung (SN 1996, ở Sóc Sơn, Hà Nội) cho biết, ra làm nhiệm vụ ở đảo Đá Lớn B, Lữ đoàn 146 được 8 tháng nay. Tết Đinh Dậu vừa rồi cậu đón Tết cùng đồng đội tại đảo. “Mình ra công tác ở đảo không chỉ bản thân mà gia đình cũng thấy tự hào lắm.

Thời gian đầu chưa quen, đang ở phố thị đông đúc ra đảo làm nhiệm vụ thấy neo người cũng buồn và nhớ nhà. Mỗi khi có tàu cá đi qua là ngóng từ xa, vui vì được nhìn thấy ngư dân. Mạng ở ngoài đảo không có, thi thoảng còn bị thiếu nước ngọt, nhưng anh em luôn động viên nhau cố vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ được giao”, Trung nói.

Là trai phố quen cảnh sống nhộn nhịp, xô bồ nên thời gian đầu ra công tác ở Nhà giàn DK1, chàng lính hải quân trẻ Hoàng Văn Trung (SN 1997, ở quận 12, TPHCM) thấy buồn và nhớ nhà, nhớ người yêu. Trung công tác ở Nhà giàn DK1 gần 1 năm nay. Trung cho biết, ở nhà giàn nếu có gió lớn, sóng biển đánh mạnh là nhà sàn rung lắc lư. Lúc đầu chưa quen, mưa lớn sóng lớn đánh nhà sàn rung lắc qua, lắc lại là cậu lại thổn thức không ngủ được.

Không có mạng, nhớ gia đình hay bạn gái (hiện học ĐH Luật Huế) Trung lại đưa ảnh ra xem, lấy động lực để hoàn thành nhiệm vụ. “Ở nhà thường vào mạng Facebook, Zalo suốt ngày, tối đến dạo phố, tụ tập cafe với bạn bè. Nhưng từ khi ra đảo mình đã trưởng thành hơn rất nhiều.

Ngoài việc rèn luyện bản lĩnh chính trị, kỹ năng chiến đấu, mình và đồng đội còn làm tốt công tác cứu hộ, cứu nạn, giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân đi lại, đánh bắt hải sản trong khu vực; tích cực tăng gia sản xuất nuôi lợn, trồng rau, đánh cá để cải thiện đời sống”, Trung chia sẻ.

Tham gia hành trình, Phạm Vũ Mạnh (sinh năm 1990, Phó chủ tịch Hội Sinh viên ĐH Hải Phòng) cho biết rất xúc động được gặp “thần tượng” của bản thân là người lính đảo. “Ra đây, mình chứng kiến, hiểu được những khó khăn thiếu thốn của người lính đảo. Thật không thể tưởng tượng được lượng nước mà những người trẻ như mình sử dụng hàng ngày gấp 12 lần một người lính đảo. Dù khó khăn, thiếu thốn nhưng người lính đảo vẫn ngày đêm vượt qua, kiên cường vững chắc tay súng giữ gìn chủ quyền Tổ quốc nơi đầu ngọn sóng. Người lính đảo là thần tượng, là động lực cho những người trẻ chúng tôi vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống”, Mạnh nói.

Tham gia chuyến tàu, Lê Thị Kiều Nhi, sinh viên Trường ĐH Y Dược TPHCM cho biết: Nhi cũng như nhiều bạn trẻ khác luôn trăn trở về quan điểm và lý tưởng sống bản thân, luôn băn khoăn trước những ngã rẽ và trong lý tưởng không tìm được hình mẫu cho riêng mình. Nhưng sau những sự kiện về biển đảo gần đây, qua báo đài hình tượng người lính đảo đi vào tâm khảm Nhi.

“Được ra đảo, trực tiếp gặp những người trẻ vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió, vững chắc tay súng bảo vệ biển đảo mình rất ngưỡng mộ… Và lúc này đây, nếu được lựa chọn một người đàn ông để gửi gắm cuộc đời thì người đầu tiên mình nghĩ đến chính là các anh lính đảo”, Kiều Nhi bộc bạch.

Hiện thực ước mơ là lính đảo Trường Sa

Ra đảo Sơn Ca, lãnh đạo đoàn hành trình không khỏi xúc động khi gặp lại một sỹ quan, từng là đại biểu trẻ tiêu biểu trên chuyến hành trình ra với biển đảo năm 2011. Đó là thượng úy Trần Quốc Hiệp ở Mê Linh, Hà Nội (Hiệp tham gia hành trình khi đang là sinh viên Học viện Hậu cần Hà Nội).

Hiệp chia sẻ, năm 2011, cũng như rất nhiều sinh viên trên toàn quốc, ước mơ một lần được ra với các anh chiến sĩ ngoài hải đảo xa xôi. Hiệp cố gắng học tập và tham gia các hoạt động Đoàn, Hội. Khi phỏng vấn tuyển chọn đại biểu ra đảo, Hiệp đưa ra ý tưởng về mô hình cải thiện chăn nuôi trồng trọt tại đảo được ban tổ chức đánh giá cao.

Sau đó Hiệp may mắn được gặp TS Ngô Quang Vinh, Chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình và kỹ thuật trồng rau năng suất cao cho quần đảo Trường Sa” trên cùng chuyến hành trình ra đảo Trường Sa năm 2011, được TS Vinh chia sẻ những kinh nghiệm, tài liệu liên quan đến kỹ thuật trồng rau xanh trên đảo.

“Tôi nghĩ mình đến với các đảo Trường Sa như một duyên nợ. Khi là sinh viên ra thăm đảo, được gặp TS Vinh mình đã tìm được lý tưởng sống, cống hiến của bản thân là hiện thực hóa mô hình trồng rau hiệu quả trên đảo”, Hiệp nói.

Trở về đất liền, năm 2012, Hiệp tốt nghiệp ra trường. Sau khi Hiệp làm việc một thời gian tại Cục Kỹ thuật Hải quân (Hải Phòng), đến năm 2015 thì chuyển ra đảo công tác. Điểm đầu tiên của Hiệp là đảo Sinh Tồn và hiện anh công tác tại đảo Sơn Ca (thuộc quần đảo Trường Sa).

Thượng úy Trần Quốc Hiệp trực tiếp hướng dẫn các chiến sĩ trồng rau, trồng luân canh, gối vụ các loại rau. Anh cũng là người trực tiếp kết nối với TS Vinh và Viện KHKTNN miền Nam thực hiện lắp đặt công trình nhà kính cho các vườn rau tại đảo. Không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, với dự án cải thiện mô hình chăn nuôi trồng trọt trên đảo, thượng úy Hiệp đã giúp đời sống người lính ở đảo Sơn Ca đảm bảo trên 80% nhu cầu rau xanh.

Quang Lộc

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/gioi-tre/gioi-tre-than-tuong-nguoi-linh-dao-1148741.tpo