Gion, giắt, bòm bọp... ở Hải Phòng: Bắt mắt, lạ tai và ngon khó cưỡng

Hải Phòng có những loài nhuyễn thể tra mỏi mắt trong từ điển cũng khó gặp, ví như gion, giắt, giuốc, vẹm, vạng, bòm bọp… và người miền khác có khi cả đời chưa một lần được thưởng thức.

Móng tay - vẹm - ngán… đặc sản vùng ven biển

Gion và giắt có vỏ kép màu trắng bạc, nhưng con giắt to chỉ bằng độ chiếc cúc áo sơ mi, còn gion nhỉnh hơn khoảng hai lần và cái mồm loe rộng. Cả hai loài này sống vùi mình dưới lớp phù sa những vùng cửa sông và bãi bồi ven biển. Gion, giắt nấu canh cực ngon và mát ruột, nhất là vào những ngày hè oi ả.

Chỉ có điều chúng quá nhỏ nên làm lách cách, phải xóc rửa sạch, luộc qua cho chúng há miệng, nước gạn bỏ cặn để riêng, vỗ đãi lấy ruột, ướp gia vị rồi đổ chung với nước luộc đun sôi. Tiếp đó là rau mồng tơi thái nhỏ, bầu gọt vỏ băm dọc lấy phần cùi thả vào, đơn giản thế nhưng món canh này có mùi thơm ngon.

Gần môi trường sống với gion, giắt, nhưng ở tầm mực nước sâu hơn, có một loài nhuyễn thể hai mảnh, cả kích thước lẫn hình thể đều giống hai móng tay ghép lại, nên cũng được đặt là con móng tay. Móng tay thịt giòn, sạch và rất hợp khi chế biến các món xào với măng tươi, rau muống, rau cần, nấu riêu cà chua và nước mẻ.

Tuy nhiên ở Hải Phòng, thủy trường sống của móng tay khá hẹp, chủ yếu ở vùng cửa sông Cấm, Lạch Tray với độ bồi phù sa hạn chế hơn các cửa sông khác. Tương tự, một loài khác cùng thủy trường với móng tay nhưng lại sống dọc theo các triền cát ven sông là con vẹm.

Tuy không phải đặc trưng riêng của Hải Phòng nhưng kể đến các món ăn dân dã vùng ven biển không thể không nhắc đến con hà. Vì sinh sản khỏe, môi trường sống rộng nên ở Hải Phòng có nhiều bãi hà. Nếu có dịp ra những bãi đá ở Đồ Sơn, Cát Bà hay bờ kè Cát Hải, dễ nhận thấy những bóng người cầm một chiếc rìu nhỏ nhọn đầu cặm cụi mổ vỏ hà lấy nhặt ruột. Còn ở các khu rừng ngập mặn Tràng Cát (Hải An), Tân Thành (Dương Kinh), người ta bóc từng tảng hà bám trên gốc sú vẹt gánh về nhà mới ghè lấy ruột. Thịt hà thơm, ngọt đằm, cũng như các loài vẹm, móng tay, hà nấu riêu chua, canh mồng tơi hay xào măng tươi đều hấp dẫn.

Hải Phòng còn có con ngán. Đây là loài nhuyễn thể hai vỏ to trung bình bằng trôn bát, vỏ sần sùi có khía ngang, ruột mọc một chiếc vòi như vòi voi, chúng sống sâu dưới lòng đất đến hàng nửa mét. Ngán là giống đặc sản, đắt nhất trong các loài nhuyễn thể hiện nay, thịt giàu chất bổ, đồn rằng nguời bị mất máu chỉ ăn mỗi ngày một hai con, liền trong một tháng là hồi sức.

Hải Phòng ngày trước còn có loài bòm bọp, to như con ngao nhưng vỏ mỏng hơn và có màu trắng đặc trưng. Nay thi thoảng bòm bọp mới xuất hiện, nên ít người được thưởng thức hương vị của chúng. Tuy nhiên, độc đáo nhất phải kể đến giống giuốc, không thuộc họ nhuyễn thể, tạm ghép vào loài phù du, giống này nhỏ như cám, thân màu nâu đất nên nhiều người lầm tưởng chúng là trứng của những loài thủy sinh khác.

Trên các cửa sông ở Hải Phòng, nhất là sông Lạch Tray vào mùa hè, người ta giăng săm ngang dòng chảy để hứng. Giuốc được viên thành từng nắm tròn bán ở chợ, rẻ nhưng rất nhiều người thích ăn, nhất là món rang me hoặc sốt cà chua chấm rau sống.

Theo Gia Lê/ANHP

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/gion-giat-bom-bop-o-hai-phong-bat-mat-la-tai-va-ngon-kho-cuong-post226022.info