Giữ gìn, quý trọng, phổ biến tiếng Việt - Thử tìm nguyên nhân và giải pháp

“Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời, vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp”- lời Chủ tịch Hồ Chí Minh.

“Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời, vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp”- lời Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ảnh minh họa

Nguy cơ biến dạng ngôn ngữ quốc gia

Báo chí nước ta có công đầu trong việc hoàn chỉnh, nâng cao, lan tỏa tiếng Việt, đã cùng với giáo dục đặt nền móng quốc văn, tạo môi trường xây dựng văn học Việt Nam hiện đại. Quá trình ấy diễn ra liên tục, trên con đường tiến hóa chúng ta đã loại bỏ, gác lại những gì không còn phù hợp, tiếp thu những cái mới và cần từ các ngôn ngữ khác, đổi mới cấu trúc lời văn, làm cho tiếng Việt ngày càng phong phú, uyển chuyển, đáp ứng mọi nhu cầu hiện đại mà vẫn giữ được bản sắc.

Có những người hình như sợ nói tiếng ta thì nó xấu hổ thế nào ấy - Bác Hồ từng nói hơn 65 năm về trước

Trong hoàn cảnh đất nước bị chia cắt, bão táp chiến tranh, tiếng Việt thông qua báo chí góp phần giữ gìn, củng cố tính thống nhất quốc gia. Thời toàn cầu hóa, với sự bùng nổ thông tin, giao lưu tiếp biến văn hóa ngày càng sâu rộng thì báo chí, truyền thông nước ta, bên cạnh mặt tích cực vẫn được duy trì, lại có công đi đầu trong việc tiếp nhận hỗn tạp, xô bồ tiếng nước ngoài, làm giảm sút sự trong sáng của tiếng Việt, dẫn tới nguy cơ biến dạng ngôn ngữ quốc gia.

Vấn nạn này không phải chỉ có riêng ta.

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, với sự ra đời của Hiệp ước chung về Thuế quan và Mậu dịch (GATT), tiền thân của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), mà điều khoản gây nhiều tranh cãi nhất là tự do mậu dịch sản phẩm văn hóa xuyên quốc gia, nhiều người đã cảnh báo nguy cơ một số nước nhỏ, nghèo, lệ thuộc vào nước lớn có thể đánh mất văn hóa cổ truyền và ngôn ngữ dân tộc của mình.

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) nghiên cứu vai trò của báo chí trong thời đại mới, bàn về mối tương tác giữa truyền thông và văn hóa, sau ba năm khảo sát và tranh luận, đi tới nhất trí: Truyền thông kết nối mọi quốc gia, giao hòa các nền văn minh, thúc đẩy văn hóa phát triển; đồng thời là mối đe dọa đối với văn hóa do tiếp nhận thiếu chọn lọc các nhân tố ngoại lai, làm suy mòn, biến dạng bản sắc cổ truyền và ngôn ngữ dân tộc (1).

Báo chí nhiều nước, kể cả những nước có lịch sử lâu đời như Hy Lạp, Ukraina, Hungary, Maxêđônia, Adecbaigian, Anbani, Thái Lan..., đã đưa vào Quy ước đạo đức của mình điều khoản “phải bảo vệ sự trong sáng của tiếng mẹ đẻ”. Đạo đức nghề nghiệp báo chí nước ta đòi hỏi “Nhà báo phải giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, bảo đảm sự trong sáng của tiếng Việt, đồng thời tôn trọng các nền văn hóa khác(2). Tiếc là những quy định trên chưa đi vào cuộc sống.

Tiếng quê hương trong mỗi người dân Việt Nam đang dần mất đi sự trong sáng?

Về nguyên nhân, trước hết tại không ít những người làm báo chúng tôi thiếu hiểu biết và chưa thấy hết trách nhiệm của mình, lại chịu sức ép thời gian, không đủ kiến thức, làm ăn cẩu thả, chạy theo những thị hiếu tầm thường.

Các lối dùng tiếng Việt xô bồ, lai tạp phổ cập trong một bộ phận xã hội, trước hết trong lớp trẻ, hầu như đều xuất phát từ báo chí truyền thông, nhất là truyền thông xã hội mà ra, từ thế giới ảo sang cuộc sống thực, lan tỏa nhanh qua các phương tiện thông tin đại chúng, trở thành nếp giao tiếp cộng đồng từ thành thị đến nông thôn, trường học và gia đình, tác động trở lại tới văn chương. Nếu không kịp thời có giải pháp phòng ngừa, hạn chế, khắc phục thì hiểm họa đánh mất sự trong sáng của tiếng Việt là nhãn tiền.

Các ngành thể thao, du lịch, dịch vụ kinh tế, thương mại, ngân hàng có cần dùng nhiều đến thế tiếng Anh, tiếng Mỹ trong công việc giao tiếp hằng ngày? Những thuật ngữ về kinh tế, thương mại, pháp luật... thời toàn cầu hóa, sử dụng cách sao cho tiện ích, phù hợp thông lệ quốc tế mà vẫn không ảnh hưởng đến bản sắc ngôn ngữ quốc gia?

Cần rà soát việc dùng tiếng Việt trong các văn bản lập pháp, hành pháp, của các cơ quan công quyền, dịch vụ, các tổ chức chính trị, xã hội... xem đã chuẩn mực hay chưa. Có hay không hiện tượng văn bản pháp quy lại không tuân thủ quy chuẩn ngôn ngữ. Tại sao những người qua đời trong bệnh viện hay vì tai nạn giao thông là “tử vong” chứ không phải “chết, mất, không qua khỏi, qua đời”? Tại sao “tái trồng” chứ không phải trồng lại, trồng mới những cây cà phê, cây cao su cằn cỗi? Những từ “cận nghèo”, “tái nghèo”, “tái lấp mặt đường”, “tái sắp xếp lại”... từ đâu xuất hiện?

Những khiếm khuyết về sử dụng ngôn từ, ngữ pháp, cấu trúc câu văn... một khi đã được lưu hành qua các văn bản thuộc hệ thống công quyền, tư pháp, công ích, dịch vụ thì chóng hay chày sẽ phổ cập trong dân gian, thậm chí còn được số đông cho là phải nói, phải viết theo cung cách ấy thì mới đúng ngôn ngữ... chính thống.

Làm gì để bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt

Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn các nhà báo: “Bệnh dùng chữ phổ biến trong tất cả các ngành. Đáng lẽ báo chí phải chống lại cái bệnh đó, nhưng trái lại, báo chí tuyên truyền cho cái tệ đó. Cố nhiên những chữ không thể dịch được thì ta mượn của nước ngoài. Nhưng có những chữ ta sẵn có tại sao dùng chữ nước ngoài?”. Trong bối cảnh tràn lan từ vay mượn vô tội vạ như hiện nay, càng đau đáu nỗi trăn trở của Bác Hồ hơn 65 năm về trước: “Có những người hình như sợ nói tiếng ta thì nó xấu hổ thế nào ấy!”(3).

Một khi việc dùng tiếng Việt lai tạp, thái độ chưa quan tâm đến sự trong sáng của tiếng mẹ đẻ đã trở thành một thực tế “mang tính quần chúng” trong sinh hoạt xã hội như hiện nay thì các chuyên mục giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt cũng như những lời khuyên bảo, chê trách, nhặt sạn đều đáng quý song hiệu quả chưa cao.

Cần đáp lại bằng một cuộc vận động “mang tính quần chúng” với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng dưới sự chỉ đạo thống nhất, thuyết phục mọi người dùng tiếng Việt đúng cách, làm giàu tiếng Việt đúng hướng thì mới mong từng bước đẩy lùi vấn nạn.

Không phải bằng cấm đoán là chính, mà thông qua phản biện, hướng dẫn, phân tích có lý có tình, kèm theo một số ràng buộc cụ thể về nghề nghiệp tại mỗi cơ quan báo chí, truyền thông, mỗi công sở, công ty, nơi tiếp dân, phòng giao dịch, tạo nên thói quen tốt, mới hy vọng sửa đổi dần cái tệ “nói chữ” pha tây, pha mỹ, pha tàu ngày nay.

Cuộc vận động ấy tiến hành trên cơ sở pháp lý nào? Chúng ta có Hiến pháp 2013, có các Bộ Luật Dân sự, Hình sự, có Luật Báo chí, Luật Sở hữu trí tuệ... cùng không ít văn bản pháp quy liên quan đến báo chí, truyền thông, ngôn ngữ. Nhưng Luật chuyên ngành ngôn ngữ thì chưa.

Thế giới có hơn một nghìn bộ luật ngôn ngữ. Những quốc gia có đặc trưng lịch sử - xã hội không đơn giản của họ như Hoa Kỳ, Ấn Độ phải ban hành nhiều luật ngôn ngữ đã đành, một trăm mấy chục quốc gia lớn nhỏ khác đều có luật.

Tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, hai nước quốc hiệu bắt đầu bằng chữ V là Vanuatu và Việt Nam, thì Cộng hòa Vanuatu với hơn 20 vạn dân, lập quốc năm 1980, đã ban hành Luật Ngôn ngữ và Đường lối ngôn ngữ nước cộng hòa. Nước Việt Nam nghìn năm văn hiến, chưa. Đúng là ta không có vấn đề bức xúc, va chạm ngôn ngữ do lịch sử để lại như họ, nhưng ban hành Luật Ngôn ngữ đâu chỉ nhằm điều chỉnh mỗi câu chuyện ấy!

Ngôn ngữ tiến triển không ngừng theo quy luật tự thân, “ngôn ngữ làm nên dân tộc”, “biến đổi là quy luật bất biến của ngôn ngữ”(4). Trong lịch sử tiến hóa của loài người từ xưa tới nay, không có thực thể văn hóa, xã hội nào biến đổi mà không theo định hướng, không chịu sức ép, dù có nói ra hay không.

Ở nước ta ngày nay, tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia. Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, bảo tồn văn hóa dân tộc là đòi hỏi quốc dân. Việt Nam chủ động hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu và toàn diện. Định hướng phát triển cũng như tác động từ ngoài đều đã rõ, vấn đề là thể hiện thành pháp quy.

Cơ quan Báo Nhân Dân nhờ công binh làm giúp cho một căn hầm thật kiên cố cạnh gốc đa cổ thụ, để anh em có thể bám trụ vào đó mà ra báo tại thủ đô ngay dưới đạn bom B.52 Mỹ. Hội nghị “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” theo ý kiến chỉ đạo của Bác Hồ, diễn ra bên gốc đa cổ thụ ấy, về phía nhìn ra bờ Hồ Gươm.

Tôi nghe nói việc làm Luật Ngôn ngữ nước ta được đặt ra từ lâu nhưng chưa thực hiện, do chúng ta quá bận trước nhiều công việc khẩn thiết. Nhớ lại 50 năm về trước, mùa xuân năm 1966. Chiến tranh leo thang ác liệt. Máy bay Mỹ phóng tên lửa vào một số điểm “nhạy cảm” tại thủ đô ta với ý đồ cảnh cáo Việt Nam và thăm dò thái độ quốc tế. Hà Nội một lần nữa lại sơ tán triệt để người già, trẻ em và những cơ quan không thật cần thiết có mặt tại nội thành lúc này. Nơi nơi hối hả đào hầm trú ẩn. Đất nước đang đối mặt bao khẩn thiết tột cùng.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng tới dự và phát biểu. Kẹp bên nách chiếc cặp mỏng, ông xuống xe đi bộ vòng qua sân, tránh mấy anh bộ đội đang hối hả đổ bê tông, bước vào hội trường. Bài nói của Thủ tướng ngắn gọn, được viết ra sau khi ông đã đọc toàn văn các báo cáo và tham luận, cũng như đã xem tất cả 120 bản tóm tắt gửi đến hội nghị.

Phát biểu xong, Thủ tướng trò chuyện với anh em một lát, rồi bình thản kẹp cái cặp mỏng vào nách, lững thững ra xe. Sáng hôm sau, các hãng thông tấn Pháp, Anh, Mỹ đồng loạt đưa tin: “Trong khi tại Nhà Trắng, Bộ Tham mưu của Tổng thống Mỹ cấp tập hoàn chỉnh kế hoạch tập kích Thủ đô Bắc Việt, thì tại Hà Nội Thủ tướng Việt Nam luận bàn về ngôn ngữ ”(5).

Phan Quang

--

Tài liệu tham khảo
(1) Báo cáo Mc Bride, “Nhiều tiếng nói, một thế giới - Tiến tới một trật tự thế giới mới về thông tin và truyền thông công bằng hơn, hiệu quả hơn”, UNESCO Paris, 1980. Trong Ủy ban chuyên đề này, do Đại hội đồng UNESCO năm 1976 họp tại Nairobi đề cử, có nhiều tên tuổi như văn hào Gabiel Garcia Marquez, Hubert Beuve-Méry người sáng lập nhật báo Le Monde, nhà báo Serguei Losev Tổng Giám đốc Thông tấn xã Tass (Liên Xô), nhà báo, chính khách Michio Nagai, cây xã luận của báo Assahi Simbun, cựu Bộ trưởng Giáo dục Nhật Bản,vv...
(2) Quy tắc tác nghiệp của Đài Truyền hình Việt Nam, cụ thể hóa “Điều 9 Quy định đạo đức báo chí Việt Nam”.
(3) Bài nói tại Đại hội lần thứ II Hội Nhà báo Việt Nam, 1959. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8, tr. 391.
(4) Ferdinand de Saussure (1857- 1913), “Giáo trình Ngôn ngữ học đại cương”, Ed. Payot, Paris, 1955. Bản tiếng Việt, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1973.
(5) Phát biểu tại Hội thảo khoa học “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng”, Hà Nội, ngày 5/11/2016.

Nguồn: nguoilambao.vn

Nguồn ICTPress: http://ictpress.vn/nghe-bao/giu-gin-quy-trong-pho-bien-tieng-viet-thu-tim-nguyen-nhan-va-giai-phap