Giữ 'hồn' nghệ thuật hát Chầu Văn

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Trong đó, các thanh đồng đóng một vai trò quan trọng trong việc nắm giữ, bảo tồn và phát huy văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, có gắn bó chặt chẽ và trở thành một thành tố không thể thiếu trong nghi lễ.

Việc các thanh đồng khi hát Văn sao cho phải giữ được cái “cốt”, lề lối mới thực sự làm toát lên hết được cái vẻ đẹp ấy.

Nghệ thuật âm nhạc dân gian độc đáo

Hát Văn hay hay còn gọi là Chầu Văn hay Hát Bóng, là một loại hình nghệ thuật ca hát cổ truyền của Việt Nam. Có thể nói, nghệ thuật này mang một phong cách âm nhạc độc đáo có một không hai của nhân loại.

Mới đây, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ, Tứ Phủ của người Việt vừa được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nằm trong khuôn khổ quảng bá tín ngưỡng cũng như vinh danh các nghệ nhân dân gian hát Văn, liên hoan diễn xướng Chầu Văn mở rộng vừa được tổ chức long trọng tại Nhà hát Chèo Hà Nội trong hai ngày từ 10/12 đến ngày 11/12/2016 đã thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng mến mộ.

Liên hoan diễn xướng Chầu Văn thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng.

Mặc dù đến nay vẫn có nhiều giả thiết khác nhau về sự ra đời của hát Văn, nhưng theo một số cung văn ( nghệ nhân ) thì Chầu Văn là một loại hình nghệ thuật âm nhạc diễn xướng tâm linh của người Việt, đã gắn bó chặt chẽ và trở thành một thành tố không thể thiếu trong nghi lễ của văn hóa thờ Mẫu. Hát Chầu Văn có lịch sử hình thành lâu dài, ra đời sớm hơn so với các loại hình nghệ thuật dân gian khác.

Trong sách “Kiến văn tiểu lục”, nhà bác học Lê Quý Đôn (1726 – 1784) có ghi: “Thời Trần (1225 – 1400) có lối hát trước mặt Đế Vương, gọi là hát Chầu”. Hát Chầu Văn có nhiều hình thức biểu diễn như hát thi (văn thi), hát thờ (văn thờ) và hát lên đồng (văn hầu). Hát Chầu Văn đã tiếp nhận một hệ thống làn điệu bài bản, phong phú của dòng dân ca đồng bằng Bắc Bộ và các vùng miền khác trên khắp lãnh thổ nước ta, xen kẽ còn có những đoạn ngâm vịnh và nhạc lễ. Chầu Văn có 13 điệu, hay còn gọi là lối hát như: Bỉ, Miễu, Thổng, Phú Bình, Phú Chênh, Phú Nói, Phú Rầu, Đưa Thơ, Vãn, Dọc, Cờn, Hãm và Dồn. Các bài văn hát thường sắp xếp như một câu chuyện về xuất xứ của Thánh và tôn vinh công đức, kỳ tích của ngài. Câu văn có vần điệu tuy niêm luật không chặt chẽ như một bài thơ nhưng khi đọc lên mọi người đều cảm nhận được chất thơ của bài văn.

Hát Chầu Văn với sự đề cao những mô hình nhịp điệu có chu kỳ, âm nhạc nên Chầu Văn giống như những vũ điệu của thánh thần, dìu dặt và mê hoặc lòng người. Chính vì thế, khi nghe Hát Văn, dường như chúng ta có thể tìm thấy sự phát triển tột bậc cả về làn điệu âm nhạc cũng như hệ thống kỹ thuật biểu cảm của nhạc thanh mà khó có một thể loại âm nhạc tôn giáo tín ngưỡng nào ở Việt Nam lại đạt được tầm cao về tính thẩm mỹ nghệ thuật như Hát Văn.

Kế thừa và phát huy nghệ thuật văn hóa truyền thống

Âm nhạc Hát Văn nhiều khi mang dáng vẻ của một thể loại âm nhạc sân khấu biểu diễn hơn là âm nhạc của tín ngưỡng có sức hấp dẫn thu hút đông đảo công chúng. Nhưng không vì thế mà những thanh đồng được phép quên đi những niêm luật, lề lối của một người hát Văn chân chính. Hát Văn không chỉ khó mà còn đòi hỏi người cung văn phải nhanh, linh hoạt để vừa có thể chuyển lời, giọng và nhạc cho ăn khớp mà vẫn hay, vẫn sát với vai của người ngồi đồng.

Nghệ nhân dân gian Dương Thị Phương Đông biểu diễn trong một giá hầu đồng.

Theo một số các đồng cổ, ông đồng và các cung văn thì việc truyền dạy cho các thanh đồng trẻ cần có cơ duyên chứ không thể truyền nghề một cách dễ dãi, tùy tiện. Điều đó sẽ gây ảnh hưởng xấu tới quan niệm của người dân về tín ngưỡng cũng như dẫn đến những lệch lạc của các thanh đồng trẻ. Việc truyền dạy hoàn toàn được công đức chứ không mang giá trị về vật chất.

Đến với nghệ thuật hát Chầu Văn đã 28 năm, nghệ nhân dân gian Lương Trọng Quỳnh đã có nhiều cống hiến to lớn cho việc bảo tồn và phát triển của loại hình nghệ thuật âm nhạc dân gian độc đáo này. Xuất thân từ một diễn viên của đoàn Cải lương Trung ương, nghệ thuật hát Văn đã đến với anh như một cơ duyên khi anh được tham dự một buổi biểu diễn từ người chú của mình.

Từ đó, nghệ thuật hát Văn như ngấm vào và trở thành một phần máu thịt trong anh. Để có thể trở thành một nghệ nhân Hát văn chân chính, biểu diễn tại các Đền, Phủ trên khắp cả nước, anh đã phải theo học rất nhiều từ các bậc cung văn mẫu mực đi trước. Với mong mỏi đưa nghệ thuật âm nhạc dân gian đặc sắc này tới với đông đảo công chúng và phát triển nó lên một tầm cao mới, anh đã không ngừng học hỏi và truyền thụ những kinh nghiệm quý giá của mình cho thế hệ Hát Văn trẻ. Tất cả các học trò của anh đều được thừa hưởng những tinh túy, những giá trị cốt lõi sâu sắc của loại hình nghệ thuật dân gian này và đã có nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Với anh, một người Hát Văn chân chính phải luôn giữ lấy cái “cốt”, lề lối và phù hợp với khung cảnh của vấn hầu mới là điều quan trọng nhất.

Nghệ nhân Lương Trọng Quỳnh biểu diễn Hát Văn trong liên hoan diễn xướng Chầu Văn tại Nhà hát Chèo Hà Nội năm 2016.

Để bảo tồn nghệ thuật hát Chầu Văn, ngoài việc cần sớm có văn bản pháp luật về quản lý đối với tín ngưỡng thờ Mẫu, đồng thời cũng cần có những chính sách để truyền dạy cho thế hệ trẻ hiểu biết một cách sâu sắc về loại hình nghệ thuật này. Kế thừa và phát huy để nghệ thuật hát Chầu Văn vươn đến một tầm cao mới, là niềm tự hào của văn hóa dân tộc Việt Nam.

Bài và ảnh: Anh Tuấn

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Van-hoa/857742/giu-%E2%80%98hon-nghe-thuat-hat-chau-van