Giữ vị trí tiên phong, làm tốt vai trò 'gác cửa'

Sở Tư pháp TP.HCM luôn lấy mục tiêu phục vụ nhân dân làm thước đo hiệu quả công việc.

Hôm nay (27-3), Sở Tư pháp TP.HCM tổ chức lễ kỷ niệm 35 năm ngày thành lập. Đây cũng là dịp ghi nhận những nỗ lực phấn đấu của các thế hệ lãnh đạo và tập thể cán bộ, công chức của Sở, của ngành tư pháp để phục vụ tốt hơn cho sự phát triển của TP, đáp ứng mong mỏi của người dân.

Phục vụ đúng pháp luật, đúng hẹn, tận tụy và lắng nghe dân để tự sửa mình” - đó là phương châm mà ông Huỳnh Văn Hạnh, Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM (ảnh), nhấn mạnh khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM nhân dịp Sở Tư pháp sinh nhật lần thứ 35.

Giữ vai trò tiên phong, vị trí “đầu tiên”

. Phóng viên: Được biết 35 năm qua, TP.HCM là địa phương có nhiều mô hình hoạt động tiên phong trong ngành tư pháp, ông có thể cho biết những cái “đầu tiên” mà Sở Tư pháp đã làm được?

+ Ông Huỳnh Văn Hạnh: Qua 35 năm xây dựng và trưởng thành, Sở Tư pháp TP.HCM đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, tiếp tục khẳng định vị trí tiên phong của ngành tư pháp cả nước và là cơ quan tham mưu “gác cửa” đáng tin cậy cho UBND TP về công tác pháp luật.

Làm việc ở một đô thị là trung tâm văn hóa, kinh tế lớn nhất của cả nước, tập thể cán bộ, công chức Sở Tư pháp qua nhiều thế hệ đã nỗ lực vượt khó, sáng tạo, thay đổi cách nghĩ, cách làm, luôn lấy thực tế phục vụ nhân dân làm mục tiêu phấn đấu nỗ lực không ngừng đem đến sự hiệu quả trong công việc.

Sở Tư pháp TP được Bộ Tư pháp ghi nhận là điển hình của cả nước trong việc triển khai có hiệu quả những nhiệm vụ mới hoặc khó của ngành. Nhiều mô hình hoạt động đầu tiên như: Thành lập phòng công chứng nhà nước đầu tiên vào năm 1988; là nơi ra đời tờ báo pháp luật đầu tiên của địa phương có cung cấp văn bản pháp luật và tư vấn pháp luật miễn phí cho người dân…

Với ý thức trách nhiệm “cùng cả nước, vì cả nước”, Sở Tư pháp TP tiếp tục phát huy vị thế tiên phong của mình. Sở là nơi đầu tiên khai sinh cho trẻ ở mái ấm, nhà mở, tạm trú không có hộ khẩu tại TP (được UNICEF của Liên Hiệp Quốc đánh giá cao). Gần đây nhất Sở cũng lãnh vị trí tiên phong trong việc thí điểm chế định thừa phát lại (xã hội hóa một phần công tác thi hành án); cấp phiếu lý lịch tư pháp (LLTP) qua dịch vụ bưu chính, đăng ký cấp phiếu LLTP trực tuyến…

. Luôn đi đầu trong lĩnh vực tư pháp nhưng có khi nào Sở đi “quá xa” quy định pháp luật hay không, thưa ông?

+ Thực tiễn đã chứng minh chúng tôi luôn làm đúng quy định pháp luật và không có chuyện “vượt rào”. Chúng tôi làm đúng luật và phù hợp với đòi hỏi, diễn biến của cuộc sống. Có nhiều mô hình ban đầu chỉ áp dụng ở TP.HCM nhưng sau đó được thể chế hóa thành luật và được áp dụng cả nước.

Chẳng hạn, TP.HCM là nơi đầu tiên đưa công tác chứng thực chữ ký, bản sao về lại UBND phường, xã trước khi có Nghị định 79/2007 của Chính phủ ban hành việc này. Sở đã đề xuất và được UBND TP.HCM chấp thuận xóa bỏ địa hạt trong lĩnh vực công chứng (có phần mềm để cung cấp thông tin cho công chứng viên về những nhà đất bị ngăn chặn giao dịch). Sau này, Luật Công chứng năm 2006 cũng bỏ địa hạt như đề xuất của Sở được duyệt.

Mới đây là việc cấp phiếu LLTP số 2 qua bưu chính cho người Việt Nam đang ở nước ngoài, thay vì họ phải đích thân đi nộp hồ sơ gây khó khăn. Trước thực tế đó, Sở đề xuất cách làm mới là họ làm hồ sơ và gửi về, sau khi có kết quả Sở sẽ chuyển trả qua đường bưu điện. Việc này đáp ứng được nhu cầu của người dân và phù hợp với quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển LLTP đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.

Năm 2016, Sở Tư pháp TP.HCM được Chính phủ tặng cờ do có thành tích xuất sắc. Ảnh: LT

Phục vụ nhân dân là mục tiêu cao nhất

. Vậy theo ông điều gì đã làm nên thành tích xuất sắc trong 35 năm qua?

+ Thành tích và kết quả công tác của Sở Tư pháp nói riêng và ngành tư pháp TP trong thời gian qua có được là nhờ sự quan tâm sâu sát, chỉ đạo kịp thời của Thành ủy, UBND TP và Bộ Tư pháp. Đó còn là sự phối hợp tích cực của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể trong TP và quận/huyện trong thực hiện nhiệm vụ chung. Đặc biệt là những đóng góp to lớn của các thế hệ lãnh đạo Sở qua các thời kỳ đã luôn năng động, sáng tạo và dành nhiều tâm huyết cho sự phát triển của ngành. Đó còn là nỗ lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức không ngừng đổi mới tư duy, cải tiến phương pháp làm việc, hăng say học tập nâng cao trình độ chuyên môn…

Với truyền thống đáng tự hào của ngành tư pháp TP qua 35 năm xây dựng và phát triển, tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức của Sở sẽ không tự bằng lòng với những gì đã đạt được. Chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy cao nhất truyền thống đoàn kết, tinh thần tiến công cách mạng, đề cao trách nhiệm. Cạnh đó là tổ chức thực hiện nhiệm vụ với nhiều giải pháp năng động, sáng tạo, khắc phục mọi khó khăn trở ngại, luôn tận tâm phục vụ nhân dân. Chúng tôi sẽ lập nhiều thành tích mới, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ do Đảng bộ, chính quyền, Bộ Tư pháp và nhân dân TP tin tưởng giao phó. Những việc làm trên sẽ góp phần tích cực trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng chính quyền đô thị hiện đại, xây dựng TP.HCM trở thành đô thị “có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình”.

. Lấy mục tiêu phục vụ nhân dân làm tiêu chí phấn đấu, Sở đã có những việc làm gì nổi bật gần đây?

+ Với tinh thần luôn cải tiến, đột phá, lấy mục tiêu phục vụ nhân dân làm thước đo kết quả công việc, cùng với bộ máy chính quyền TP, Sở Tư pháp đã không ngừng tự đổi mới mình. Chúng tôi dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, kết hợp với việc nghiên cứu, tiếp thu những kinh nghiệm còn phù hợp từ quá khứ theo tinh thần “gạn đục, khơi trong” để đưa ra giải pháp chuyên môn mới mẻ. Từ đó Sở đã đề xuất với trung ương và TP trong việc hoàn thiện chính sách pháp luật, giải quyết những vấn đề phát sinh từ đời sống thực tiễn của nhân dân.

Sở đã gặt hái một số thành tích nổi bật. Đó là việc soạn thảo, góp ý, thẩm định, kiểm tra rà soát đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật với số lượng lớn và ngày càng tăng. Năm 2016, số lượng văn bản góp ý, thẩm định tăng 15,8%; tư vấn tăng 70,9% so với năm 2015. Sở đã triển khai giải pháp “Kiềng ba chân” và “Đề án thí điểm cấp phiếu LLTP qua bưu điện, đăng ký cấp phiếu LLTP trực tuyến tại TP.HCM”. Từ đó giải quyết triệt để tình trạng quá tải trong cấp phiếu LLTP, mang lại sự hài lòng về chất lượng dịch vụ, đồng thời giảm tỉ lệ trễ hẹn hồ sơ xuống dưới 5%...

. Xin cám ơn ông.

Đội ngũ nhân lực hùng hậu

Sau ngày giải phóng, tại Sài Gòn (nay là TP.HCM) đoàn cán bộ TAND Tối cao vào tiếp quản ngành tư pháp và một tổ chuyên viên phụ trách pháp chế được thành lập gồm ba người giúp việc cho Ủy ban Quân quản Sài Gòn-Gia Định (tiền thân của Sở Tư pháp TP.HCM ngày nay). Ngày 3-6-1976, UBND TP có Quyết định số 362 thành lập Phòng Pháp chế với biên chế 11 người, có nhiệm vụ giúp UBND TP xây dựng pháp chế, tổ chức và hướng dẫn thi hành pháp luật trong điều kiện công việc bộn bề sau ngày giải phóng.

Ngày 7-5-1977, UBND TP ra Quyết định số 349 thành lập Ban Pháp chế thay thế cho Phòng Pháp chế và giữ nguyên nhiệm vụ nhưng tổ chức và nhân sự lớn hơn. Ngày 27-3-1982, UBND TP ra Quyết định số 43 thành lập Sở Tư pháp TP.HCM thay thế Ban Pháp chế, mở đầu cho 35 năm xây dựng và phát triển lớn mạnh như ngày nay.

Hiện tại, Sở Tư pháp TP.HCM có 11 phòng chuyên môn, 11 đơn vị trực thuộc. Tổng số công chức, viên chức, người lao động là hơn 500 người với 100% cán bộ nghiệp vụ có trình độ cử nhân luật, trong đó có 42 thạc sĩ luật.

Với sự nỗ lực, cố gắng của mình trong 35 năm qua, Sở Tư pháp TP đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng huân chương Lao động hạng Nhì, Ba. Sở cũng được UBND TP.HCM và Bộ Tư pháp tặng nhiều cờ thi đua xuất sắc và bằng khen.

Nguồn PLO: http://plo.vn/phap-luat/giu-vi-tri-tien-phong-lam-tot-vai-tro-gac-cua-691267.html