Giúp dân ấm no chính là làm theo gương Bác

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Duy Hưng vừa được tôn vinh điển hình “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. ít người biết ông là một trong số ít bí thư tỉnh ủy không phải là ủy viên Trung ương Đảng...

Ông bộc bạch: “Con cháu có nhiều điều học tập ở Bác lắm nhưng mình là người lãnh đạo, học tập theo Bác cái gì?”. “Ham muốn tột bậc của Bác là “ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Anh làm bí thư lãnh đạo đảng bộ này làm thế nào cho kinh tế-xã hội của tỉnh phát triển. Tỉnh giàu lên, đời sống nhân dân nâng lên. Cái đó lớn lao hơn tất cả những việc khác”. Nghị quyết của Đảng phải trùng ý dân Năm 2009, tuy kinh tế suy thoái nhưng Quảng Ninh vẫn đạt tốc độ tăng trưởng 10,3%, gần gấp đôi cả nước. GDP bình quân đầu người đạt 1.278 USD. Thu ngân sách hơn 18.600 tỉ đồng, nộp hơn 10.000 tỉ đồng vào ngân sách nhà nước. Tỉnh đã giải quyết việc làm cho 2,65 vạn lao động, tỉ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 4,46%... Có “đồng vào đồng ra” Quảng Ninh đầu tư chiều sâu, tới vùng sâu, vùng xa, hải đảo, xây bệnh viện, trường học, cải tạo kênh mương nội đồng… Đặc biệt, chỉ một đêm tỉnh đã kêu gọi doanh nghiệp và các tấm lòng vàng ủng hộ 16 tỉ đồng, góp phần xây hơn 4.000 ngôi nhà cho người nghèo. Tỉnh đã kiên quyết tạm đình chỉ các công trình chưa cấp thiết như sân vận động, nhà hát… Chuyển hơn 1.000 tỉ đồng sang đầu tư hạ tầng giao thông, Trường chuyên Hạ Long, Bệnh viện Bãi Cháy... Thực hiện Chỉ thị 30 của Thủ tướng, Quảng Ninh qua rà soát có hơn 60% thủ tục hành chính có thể cắt giảm được, gấp đôi so với yêu cầu tối thiểu. Tất cả cơ quan, ban ngành của UBND xây một nhà liên cơ, doanh nghiệp, người dân đến đấy có thể giải quyết hết công việc, tiết kiệm tiền bạc, thời gian đi lại… Quảng Ninh được xếp vào loại “tỉnh giàu”, có tiền để chi phí nhưng từ sử dụng xe ôtô, điện thoại, điện nước… đều có quy định rất rõ ràng. “Điều này cũng thực hiện ước nguyện của Bác là bộ máy phục vụ dân chứ không phải hành dân. Việc gì có lợi cho dân khó mấy cũng phải làm, làm đến nơi đến chốn” - ông nhẹ nhàng nói. Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Duy Hưng. Ảnh: NGỌC HÀ Ông Nguyễn Duy Hưng cho biết: “Quảng Ninh không tách bạch hoạt động của Đảng với hoạt động của chính quyền, mà hằng tuần cả hai bên đều tổng kết chung công tác, rút ra kết luận và đề xuất hướng giải quyết các vướng mắc. Tất cả cấp ủy từ tỉnh đến thành phố, thị xã, huyện đều làm như vậy. Cho nên Đảng nắm rất rõ và kịp thời tâm tư, nguyện vọng của dân, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng đều trúng với ý dân”. “Mất” và “Được” Bí thư Nguyễn Duy Hưng và Đảng bộ Quảng Ninh đã thể hiện thái độ kiên quyết đấu tranh với sai phạm, tiêu cực. Cả hệ thống chính trị vào cuộc đã đánh sập hàng trăm cửa lò khai thác than trái phép, bắt gần 200 tàu chở than lậu mang sang Trung Quốc bán, thu hàng chục vạn tấn. Hơn 200 đối tượng, trong đó có cả cán bộ ngành than, hải quan, biên phòng, cảng vụ… bị bắt do “tiếp tay”, “bảo kê” buôn lậu than. Sang lĩnh vực đất đai, hơn 50 cán bộ đã bị bắt, khởi tố do lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong cấp đất, mua bán đất công ở TP Hạ Long, thị xã Móng Cái, huyện Đông Triều, Vân Đồn… Ông kể lại, khi nhận chức bí thư Tỉnh ủy năm 2007, nạn than lậu tạo ra nguy cơ “năm mất”: mất tài nguyên (mỗi năm nhà nước thất thu khoảng 4.500 tỉ đồng); mất môi trường sống (hàng ngàn xe tải chở than lậu làm cả tỉnh chìm trong bụi than); mất trật tự an toàn xã hội (do các băng nhóm làm than thổ phỉ gây rối); mất cán bộ (do tiêu cực, hòn than làm “đen” cán bộ); mất niềm tin của nhân dân. Tuyên chiến với “than tặc”, ông đã bị chúng nhắn tin đe dọa ám sát bằng mìn. Thậm chí có kẻ đã vu oan giá họa, tố cáo ông bảo kê, tiếp tay cho các trùm than lậu. Tâm sự với các nhà báo, vị bí thư Tỉnh ủy đã không ngần ngại nói: “Dù đe dọa bị giết, tôi vẫn đấu tranh tới cùng với nạn than lậu” và “Người bí thư cũng giống như người thuyền trưởng, dù trong giông tố cam go nhất, họ không bao giờ từ bỏ con tàu của mình”. Kết quả đến nay Quảng Ninh về cơ bản đã khắc phục được tình trạng than lậu, “năm mất” cơ bản chuyển thành “năm được”. Sở dĩ đạt được những kết quả nói trên, theo Bí thư Nguyễn Duy Hưng là bài học từ Bác, “giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Chống than lậu, các cựu chiến binh, thanh niên, phụ nữ đều đứng dậy ủng hộ. Việc khó như giải phóng mặt bằng đều thực hiện rất tốt, nhà đầu tư tin tưởng… Sự đồng thuận của nhân dân là điểm tựa vững chắc để lãnh đạo yên tâm, chắc tay trong chỉ đạo, điều hành. Và bí thư Tỉnh ủy được đảng viên nhận xét là “trung tâm đoàn kết của Đảng bộ, bản thân sống giản dị, được cán bộ, nhân dân tin tưởng, mến yêu”. Trăn trở trước khi nghỉ hưu Ông chia sẻ: “Sang năm mình đến tuổi nghỉ hưu nên đã giới thiệu ông Đam (Vũ Đức Đam, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh) làm bí thư, ông Quân (Nguyễn Hồng Quân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy) làm chủ tịch HĐND. Tại hội nghị cán bộ chủ chốt, qua ba vòng bỏ phiếu tín nhiệm, hai ông này đều được 100% phiếu cả”. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Duy Hưng thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách dịp tết Canh Dần. Ảnh: NGỌC HÀ Sắp nghỉ hưu nhưng ông vẫn trăn trở vì “công việc còn nhiều”. Quảng Ninh là tỉnh rộng, có nhiều tiềm năng về tài nguyên, thương mại, du lịch, kinh tế biển nhưng vẫn chưa có điều kiện khai thác tốt nhất. Một là hạ tầng cơ sở còn yếu kém, nhất là về giao thông. Đường nối với Hà Nội, Hải Phòng, với đồng bằng sông Hồng, đường ra cửa khẩu Móng Cái nhỏ hẹp, lại xuống cấp. Cảng Cái Lân được đầu tư nhưng không đồng bộ, đường sắt phát huy hiệu quả kém, sân bay chưa có… Hai là các lĩnh vực kinh tế chủ chốt, khai thác mỏ thì mâu thuẫn với du lịch, sản xuất xi măng, điện thì mâu thuẫn với bảo vệ môi trường sống. Quảng Ninh rộng, dân số chỉ hơn một triệu người nhưng tỉ lệ phân bổ dân cư ở đô thị với nông thôn là 50/50, chênh lệch giàu nghèo đang giãn ra. Quảng Ninh giáp với biên giới là nơi tệ nạn xã hội nhiều, án hình sự đứng thứ tư toàn quốc… Cuối cùng, công tác cán bộ trong điều kiện phát triển nhanh thì có nơi, có lúc chưa theo kịp, nhất là cán bộ quản lý hành chính. Rồi quản lý tài nguyên, đất đai, quy hoạch còn yếu kém… Bí thư Nguyễn Duy Hưng chia sẻ: “Tất cả điều ấy đặt ra cho Đảng bộ phải giải quyết dần dần từng bước. Trong đó, mình nghĩ giao thông, công tác cán bộ chuẩn bị cho đại hội Đảng các cấp là hai việc lớn nhất”. Bên lề câu chuyện về công việc, tôi hỏi thăm về gia đình ông. Vị bí thư Tỉnh ủy cho biết vợ ông đã nghỉ hưu, ba con trai đều học hành đỗ đạt. Anh đầu 33 tuổi đã là phó tổng giám đốc một công ty liên doanh, anh thứ hai 30 tuổi là thượng úy công an, cậu út đang học thạc sĩ tại Mỹ. “Hai cháu đầu đều là thạc sĩ, đảng viên cả! Thằng út học rất giỏi, từng thi Đại học Ngoại thương được 30 điểm” - ông tự hào. Ông Nguyễn Duy Hưng sinh năm 1950 tại Phạm Mệnh, Kinh Môn, Hải Dương, vào Đảng năm 1982. Tốt nghiệp Đại học Hàng hải ngành máy tàu thủy. Từng trải qua các cương vị: Bí thư Đoàn Xí nghiệp Đóng tàu Hạ Long, Giám đốc Công ty Vận tải Khách thủy, Giám đốc Công ty Vận tải và xếp dỡ, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Ninh, Bí thư Thành ủy Hạ Long, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy. Ngày 1-11-2007, tại Hội nghị bất thường Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, ông được bầu giữ chức bí thư Tỉnh ủy khóa XII (nhiệm kỳ 2005-2010). VĂN TIẾN

Nguồn PLO: http://www.phapluattp.vn/20100228110949255p0c1013/giup-dan-am-no-chinh-la-lam-theo-guong-bac.htm